Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 1

10/10/2021 10.576 lượt xem

CHẤP SUY NGHĨ PHÂN BIỆT LÀM TÂM

Đức Phật bảo A-Nan; Như ông vừa trả lời, nói rằng Như Lai co năm ngón lại thành nắm tay sáng chói chiếu vào tâm và mắt ông. Mắt ông có thể thấy được, nhưng ông lấy gì làm tâm để cho nắm tay sáng chói chiếu vào?

A-Nan thưa: Đức Phật gạn hỏi tâm ở chỗ nào, nay con dùng tâm suy xét cùng tột để tìm kiếm. Con cho rằng chính cái biết suy nghĩ tìm kiếm ấy là tâm con.

Đức Phật bảo: Sai rồi A-Nan, đó chẳng phải là tâm ông.

A-Nan giật mình, rời chỗ ngồi, đứng dậy chắp tay bạch Phật: Đó chẳng phải là tâm của con, vậy thì nó là gì?`

Đức Phật bảo A-Nan: Đó là sự tưởng tượng những tướng giả dối của tiền trần, nó làm mê mờ chân tánh của ông. Do từ vô thỉ đến nay, ông nhận giặc này làm con, bỏ mất tánh nguyên thường nên phải chịu luân hồ̀i.

A-Nan bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, con là em của Phật, vì tâm kính yêu Phật nên con xuất gia. Tâm con chẳng những cúng dường Như Lai mà còn trải qua nhiều quốc độ như cát sông Hằng, thừa sự chư Phật và thiện tri thức. Phát tâm đại dõng mãnh, làm tất cả những pháp sự khó làm là đều vận dụng tâm này. Dù con có hủy báng Phật pháp, rời bỏ thiện căn, cũng do tâm này.

Nay Đức Phật chỉ rõ cái ấy không phải là tâm, thì con thành ra không có tâm, như gỗ như đá, vì ngoài cái hay biết ấy ra, con chẳng còn gì khác nữa. Sao Như Lai lại bảo cái ấy chẳng phải là tâm? Con thật kinh sợ và trong đại chúng ai cũng nghi hoặc. Cúi xin Đức Phật rủ lòng từ bi chỉ dạy cho những người chưa được giác ngộ.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn chỉ dạy cho A-Nan và cả đại chúng, muốn cho tâm họ được vô sanh pháp nhẩn. Từ nơi toà sư tử, Đức Phật xoa đầu A-Nan rồi

Đức Phật bảo rằng: Như Lai thường nói các pháp phát sinh đều do từ tâm biểu hiện. Tất cả nhân quả và thế giới nhiều như vi trần đều nhân nơi tâm mà có thể tánh.

A-Nan, như tất cả sự vật hiện hữu trong thế giới từ ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, nút thắt …

Khi gạn xét cội gốc của nó, mỗi thứ đều có thể tánh. Cho đến như hư không cũng có tên gọi và dáng mạo.

Huống gì bản tâm thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu này là bản chất của tất cả mọi tâm niệm mà tự nó lại không có thể tánh hay sao?

Nếu ông chấp chặt tánh phân biệt hiểu biết, cho đó là tâm, thì tâm này khi rời tất cả sắc thanh, hương, vị xúc, thì tâm ấy phải riêng có toàn tánh. Như ông nay nghe pháp của Như Lai, đó là nhân âm thanh mà có sự phân biệt. Dù có diệt hết cái thấy, nghe, hiểu, biết mà giữ được sự thanh thản, lặng lẽ bên trong, đều do bóng dáng của sự phân biệt pháp trần vẫn còn.

Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm. Nhưng ông phải suy xét chính chắn, nếu có một thể tánh phân biệt khi rời hẳn tiền trần thì đó chính là tâm ông.

Nếu tánh phân biệt này khi rời hẳn tiền trần mà không còn tự thể thì đó chỉ là bóng dáng phân biệt của tiền trần. Trần ấy chẳng phải là thường trụ, khi nó biến diệt thì cái tâm ấy cũng như lông rùa sừng thỏ. Ắt pháp thân ông cũng đồng như đoạn diệt. Ai là người tu chứng vô sanh pháp nhẫn?

Lúc ấy A-Nan cùng toàn thể đại chúng đều im lặng, ngơ ngác.

Đức Phật bảo A-Nan: Tất cả mọi người tu học trong thế gian, mặc dù nay đã được cửu thứ đệ định, nhưng không hết sạch mê lầm, thành bậc A La Hán, đều do vì chấp vào vọng tưởng sinh diệt, lầm cho đó là tính chân thực. Thế nên nay ông tuy được học rộng nghe nhiều mà chưa thành thánh quả.

A-Nan nghe rồi đau xót khóc lóc, gieo năm vóc sát đất, quỳ xuống chắp tay bạch Phật. Từ khi con phát tâm xuất gia theo Phật, chỉ biết ỷ lại vào oai thần của Phật. Con thường nghĩ rằng, khỏi phải nhọc công tu hành làm gì, hy vọng Như Lai sẽ ban cho con chánh định. Con không tự biết thân và tâm của Phật và con chẳng thay thế cho nhau được. Vậy nên con tự đánh mất bản tâm, tuy thân đã xuất gia mà tâm chẳng nhập đa. Con như người cùng tử bỏ cha trốn đi.

Ngày nay mới biết, tuy được nghe Phật pháp nhiều, nếu chẳng tu hành thì cũng như chưa nghe. Như người chỉ nói đến thức ăn, rốt cục chẳng được no bụng.

Bạch Thế Tôn, nay chúng con đều bị trói buộc bởi hai thứ chướng ngại, do chẳng biết tâm tánh vốn thường hằng vắng lặng. Cúi mong Như Lai thương xót kẻ nghèo cùng cơ cực, làm phát khởi tâm nhiệm mầu sáng suốt, mở bày mắt đạo cho chúng con.

Trang: 1 2 3 4 5 6

×