Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 6

15/10/2021 4.864 lượt xem

UYỂN CHỌN VIÊN THÔNG

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi

Lúc đó, Đức Như Lai bảo ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử rằng: “Nay ông hãy xem trong 25 vị Đại Bồ Tát và A La Hán vô học, mỗi vị đều trình bày phương tiện ban đầu để thành đạo, họ đều nói về tu tập tánh viên thông chân thật. Việc tu hành của các vị đó thật là chẳng có chỗ hơn kém, trước sau khác nhau.”

Nay Như Lai muốn khiến cho A-Nan khai ngộ, thì trong 25 hạnh tu đó, hạnh nào hợp với căn cơ A-Nan? Và sau khi Như Lai diệt độ, chúng sinh trong cõi nầy muốn thể nhập Bồ Tát thừa, cầu đạo vô thượng, do phương tiện gì mà dễ thành tựu?

Ngài Văn Thù Sư Lợi Pháp vương tử vâng lời dạy của Đức Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật. Nương vào oai thần của Đức Phật, đáp bằng kệ rằng:

Biển giác tánh lặng trong viên mãn
Vốn nhiệm mầu viên mãn trong lặng
Tánh bản minh chiếu thành ra “sở”
Tướng “sở” lập, mất tánh bản minh.

Do mê vọng thấy có hư không
Nương hư không, hình thành thế giới
Tưởng lắng đọng, thành cõi nước
Tri giác phân biệt, thành chúng sinh.

Hư không sanh trong Đại giác
Như một bọt nước nổi lên giữa biển
Cõi nước hữu lậu như vi trần
Đều nương hư không mà phát sanh.

Bọt nước tan, hư không vốn chẳng còn
Huống nữa là sự hiện hữu trong ba cõi
Về nguồn, tánh không hai
Phương tiện có nhiều đường.

Tánh giác vốn dung thông
Thuận nghịch là phương tiện
Sơ tâm vào tam muội
Mau chậm chẳng đồng nhau.

Sắc và vọng tưởng kết lại thành ‘trần.’
Thể tánh của nó không thể thông suốt được,
Làm sao từ chỗ không thông suốt ấy,
Mà mong được tánh viên thông?

Thanh âm kết hợp ngữ ngôn,
Chỉ nương theo câu chữ,
Nếu cái một đã không bao hàm tất cả,
Làm sao để tu chứng viên thông?

Lúc hoà hợp, hương mới thành tác dụng;
Nếu rời ra, hương vốn chẳng có.
Sở giác đã không tương tục hiện hữu,
Khó mà tu chứng được viên thông?

Vị, không phải đương nhiên tự có,
Phải nếm mới biết có vị.
Với vị giác cũng không tương tục.
Làm sao tu chứng được viên thông?

Xúc, có vật chạm mới biết,
Nếu không vật chạm, xúc không thành.
Lúc hợp, lúc ly, tánh bất định.
Làm sao tu chứng được viên thông?

Pháp còn gọi là nội trần.
Nương theo trần, tất có ‘sở’.
Năng sở chẳng biến nhập thành một
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Tánh thấy vốn rỗng rang bao quát
Thấy được phía trước chẳng thấy được phía sau
Bốn phía, thiếu đi một nửa,
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Mũi thở ra thở vào,
Khoảng giữa, hiện không có thở;
Không dung thông, còn cách trở,
Làm sao tu chứng viên thông?

Lưỡi không vị, tánh nếm không thành.
Nhân các vị, mới có hay biết.
Không có vị, rốt ráo chẳng có gì.
Làm sao mà tu chứng viên thông ?

Thân biết xúc cùng với cảnh sở xúc giống nhau
Cả hai đều có giới hạn, không cùng khắp.
Không xác định nhận ra tánh không hạn lượng.
Thì làm sao mà tu chứng viên thông?

Ý căn thường xen với loạn tưởng.
Khi dừng lặng thì chẳng thấy biết gì.
Nếu không thoát được các niệm tưởng.
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Nhãn thức phát khởi nhờ căn trần.
Gạn xét tột cùng nó không tự tướng
Tự thể vốn đã không nhất định
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Tâm nghe, thấu suốt cả mười phương
Là do lực của đại nhân duyên
Hàng sơ tâm không thể đến chỗ ấy
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Quán chóp mũi đó chỉ là quyền phương tiện,
Nhằm thu nhiếp, an trụ tâm.
Nếu đối tượng quán sát trở thành “sở trụ”
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Thuyết pháp vận dụng âm Thanh Văn tự
Khai ngộ cho người đã gieo trồng chủng tử Phật.
Danh cú, văn tự không phải là vô lậu.
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Giữ giới chỉ câu thúc cái thân,
Ngoài thân, lấy gì câu thúc ?
Giới và thân vốn không cùng khắp
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Thần thông là do tập nhân từ đời trước,
Không dính dáng với ý thức phân biệt.
Niệm lự, không tách rời sự vật
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Khi quán tánh của đất,
Vốn nó ngăn ngại, không thông suốt.
Pháp hữu vi không là giác tánh
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Khi quán tánh của nước,
Đã là quán tưởng thì không phải chơn,
Vì như như thì chẳng phải là giác quán,
Nên làm sao mà tu chứng viên thông?

Quán hỏa đại để trừ lửa tham dục
Là do chán cái khổ, chưa phải viễn ly chơn thật.
Chẳng phải là phương tiện của hàng sơ tâm
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Nếu quán tánh phong đại
Động tĩnh chẳng phải là không đối đãi
Đã đối đãi tức chẳng phải là vô thượng giác.
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Nếu quán tánh không đại
Hư không vô tri, chẳng hay biết.
Không hay biết tức trái với bồ-đề.
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Nếu quán tánh thức đại.
Thức sanh diệt chẳng thường trụ
Chỉ bận tâm trong phân biệt hư vọng
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Tất cả các hành đều vô thường,
Tưởng niệm vốn trong vòng sanh diệt.
Nhân quả nay đã quá sai khác.
Làm sao mà tu chứng viên thông?

Con nay kính bạch Thế Tôn
Phật ra đời ở cõi ta-bà:
Thể chân thật của pháp môn trong cõi này,
Thanh tịnh do ở nói và nghe.

Muốn tu chứng tam-ma-đề,
Thật nên do tánh nghe mà vào,
Rời khổ, được giải thoát.
Hay thay Quán Thế Âm!

Trong kiếp số nhiều như cát sông Hằng,
Vào cõi Phật như vi trần,
Được lực tự tại rất to lớn,
Bố thí sự vô uý cho chúng sinh.

Nhiệm mầu là âm thanh của Quán Thế Âm.
Âm thanh thanh tịnh như tiếng hải triều.
Cứu độ thế gian, khiến đều được an lành.
Xuất thế gian, được quả thường trụ.

Con nay kính bạch Như Lai,
Như lời Bồ Tát Quán Thế Âm vừa trình bày.
Ví như có người trong chỗ yên lặng.
Khắp mười phương đều đánh trống.

Mười xứ cùng lúc đều nghe.
Đó gọi là hoàn toàn chân thật.
Mắt không thấy khi có chướng ngại bên ngoài.
Thiệt căn, tỷ căn cũng như vậy.

Thân, khi hợp mới biết xúc.
Ý căn, phân vân không manh mối.
Cách tường, tai vẫn nghe được tiếng.
Xa gần đều nghe được.

Năm căn so sánh thật không bằng.
Thế mới chân thật thông.
Tánh của âm thanh, có động có tĩnh.
Trong tánh nghe thành có, thành không.

Khi không tiếng, gọi là không nghe.
Chẳng phải thật là không có tánh nghe.
Không tiếng, tánh nghe đã không diệt.
Có tiếng, tánh nghe cũng chẳng sanh.

Lìa hẳn hai ý niệm sanh diệt.
Thế mới thường chân thật.
Dù đang lúc mộng tưởng,
Chẳng phải do không suy nghĩ mà không có.

Tính giác quán vượt ra ngoài suy nghĩ
Thân, ý không so kịp.
Hiện tại cõi ta-bà,
Thanh luận được biểu dương.

Chúng sinh bỏ mất tánh nghe.
Theo thanh trần nên bị lưu chuyển.
A-Nan tuy nhớ giỏi,
Vẫn không khỏi mắc tà nạn.

Há chẳng phải tùy chỗ chìm đắm.
Xoay ngược dòng, thoát khỏi hư vọng.
A-Nan! Hãy nghe kỹ:
Tôi nương uy lực Phật.

Trình bày tam-muội của Kim cang vương
Như huyễn bất khả tư nghị.
Thiền định là mẹ của chư Phật.
Ông nghe các pháp bí mật của chư Phật

Nhiều như số vi trần.
Nếu trước tiên không trừ các dục lậu.
Nghe nhiều, chất chứa thành lầm lỗi.
Đem cái nghe thọ trì Phật pháp.

Sao không tự nghe tánh nghe của mình?
Tánh nghe không phải tự nhiên sanh.
Nhân thanh trần mà có tên gọi.
Xoay lại cái nghe là thoát khỏi thanh trần.

Cái đã lìa xa ấy, gọi là gì?
Khi một căn đã trở về nguồn.
Sáu căn tức thành giải thoát.
Thấy, nghe như mắt nhặm.

Ba cõi như hoa đốm giữa hư không.
Tánh nghe xoay trở lại, gốc bệnh nhặm tiêu trừ.
Trần tướng tiêu, tánh giác thuần thanh tịnh.
Tột cùng thanh tịnh, trí quang thông suốt.

Thể tịch chiếu trùm khắp hư không.
Trở lại quán sát việc thế gian.
Giống như việc trong mộng.
Ma-đăng-già chỉ là chiêm bao.

Thì ai bắt giữ được ông?
Như các huyễn sư giỏi trong đời.
Tạo ra các hình người như thật.
Tuy thấy các căn đều cử động.

Chủ yếu đều do bộ máy giật giây.
Máy dừng, tất cả trở về yên lặng.
Các trò huyễn thành vô tánh.
Sáu căn đều như vậy.

Nương một bản tánh sáng suốt,
Phân ra sáu thứ hoà hợp.
Một thứ đã lìa ra, quay về,
Thì cả sáu đều không tồn tại.

Trong một niệm, trần cấu đều tiêu,
Chuyển thành tánh viên minh tịnh diệu.
Còn sót lại trần cấu là còn học vị.
Sáng suốt cùng tột tức Như Lai.

A-Nan và đại chúng
Xoay tánh nghe trở vào
Để nhận ra tự tánh của mình.
Nhận ra tự tánh, Thành đạo vô thượng.

Thật tánh viên thông là như vậy.
Đây là con đường thể nhập niết-bàn,
Của chư Phật như vi trần
Các Đức Như Lai trong quá khứ,

Đều thành tựu do pháp môn nầy
Các Bồ Tát trong hiện tại,
Nay đều thể nhập sự sáng suốt viên mãn.
Chúng sinh tu học trong đời sau,

Đều nên nương theo pháp nầy.
Con cũng nhờ trong pháp ấy mà tu chứng,
Chẳng riêng gì Quán Thế Âm.
Thật như lời Đức Thế Tôn hỏi,

Con về các phương tiện,
Để cứu giúp trong đời mạt pháp,
Cho những người cầu pháp xuất thế gian.
Thành tựu được tâm niết-bàn,

Quán Thế Âm là hơn cả.
Còn tất cả các phương tiện khác,
Đều là nhờ uy lực của Đức Phật.
Ngay nơi cảnh giới hiện tượng mà xả bỏ trần lao.

Chẳng phải là phương tiện tu học thông thường.
Đồng giảng nói cho người căn tánh cạn và sâu.
Đảnh lễ Như Lai Tạng
Và những bậc vô lậu, không thể nghĩ bàn,

Nguyện xin gia hộ cho đời vị lai
Không lầm lẫn trong pháp môn nầy.
Đây là phương tiện để thành tựu.
Nên đem dạy cho A-Nan,

Cùng chúng sinh trầm luân trong đời mạt pháp.
Chỉ dùng nhĩ căn tu tập.
Đạt viên thông nhanh hơn các pháp khác.
Chân thật tâm đúng là như vậy.

Lúc ấy A-Nan và cả đại chúng, thân tâm rỗng rang, nhận được sự khai thị sâu mầu. Thấy bồ-đề và đại niết-bàn của chư Phật giống như người nhân có việc phải đi xa chưa trở về được. Nay đã biết rõ con đường về nhà.

Toàn thể pháp hội, chúng thiên long bát bộ, hàng Nhị thừa hữu học, cùng hết thảy hàng Bồ Tát sơ phát tâm, số lượng có đến 10 số cát sông Hằng, đều nhận ra bản tâm, lìa xa trần tướng, được pháp nhãn thanh tịnh.

Tánh tỷ-khưu-ni nghe nói bài kệ này xong liền chứng quả A La Hán.

Vô lượng chúng sanh đều phát tâm vô đẳng đẳng A-nậu-đa-la Tam-miệu tam-bồ-đề.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7

×