Tiếp tục biểu hiện

16/10/2021 1.402 lượt xem

Bụt đã khuyên chúng ta không nên cho rằng giáo pháp là chân lý chỉ vì đó là lời giảng dạy của các vị thầy danh tiếng hoặc chỉ vì nó được ghi chép trong các kinh điển thiêng liêng. Kể cả các kinh điển Phật giáo. Chúng ta chỉ chấp nhận giáo pháp nào mà ta có thể đem ra thực tập, với sự tỉnh thức hiểu biết của chính ta, và thấy là mình thực chứng được các lời giảng đó. Bụt dạy bản chất của ta là vô sinh – bất diệt. Ta hãy coi lại xem điều này có đúng không.

Nếu bạn thắp một cây nến và để cho nó cháy tới hết, thì khi đó cây nến còn hay không? Bụt dạy không có hư vô. Chúng ta đã thấy điều này là đúng thật. Và ta cũng biết quan niệm thường hằng, còn mãi không đúng với mọi sự vật. Vậy thì chân lý là điều nằm đâu đó, ở giữa hai nhận thức này. Chúng ta cần nhìn cho sâu với tất cả định tâm của ta.

Bạn có nghĩ rằng ngọn lửa của cây nến chỉ đi xuống theo một chiều dọc mà thôi? Nếu nghĩ như vậy thì bạn đã nhìn ngọn lửa theo thời gian. Bạn có thể cũng nghĩ như thế về cuộc đời bạn: nó đi theo chiều dọc và một ngày nào nó sẽ chấm dứt. Bạn có thể nghĩ mình được sinh ra đời vào một điểm nào đó trên đường dọc, điểm mà bạn gọi là năm 1960. Bạn có thể nghĩ mình sẽ chết tại một điểm nào đó ở phía dưới của đường dọc đó, chẳng hạn năm 2040. Bạn chỉ nhìn thấy bạn di chuyển theo thời gian giống như ngọn nến kia. Nhưng bạn không chỉ đi theo một đường thẳng đâu.

Bạn có thể nghĩ là ngọn nến chỉ ngắn lại. Bạn có thể nghĩ ngọn nến sẽ chết. Thực ra ngọn lửa của nến đi theo nhiều hướng khác nhau. Nó tỏa ánh sáng ra khắp chung quanh: đông, tây, nam, bắc, đủ hướng hết. Nếu bạn có một dụng cụ khoa học tinh vi, bạn có thể đo được sức nóng và ánh sáng mà ngọn nến đã gửi vào vũ trụ. Ngọn nến cũng đi vào trong bạn bằng hình ảnh, ánh sáng và hơi nóng.

Bạn cũng giống như ngọn nến. Bạn tưởng tượng mình cũng tỏa ánh sáng ra chung quanh. Tất cả các lời nói, tư tưởng và hành động của bạn đi theo đủ mọi hướng. Nếu bạn nói câu nào tử tế, những lời đó cũng đi theo nhiều hướng, và bạn cũng đi cùng với chúng.

Chúng ta chuyển hóa và tiếp tục biểu hiện ở những hình thái khác vào mọi lúc. Sáng nay bạn nói điều gì không dễ thương với con bạn. Với những lời lẽ khó thương đó, bạn đi vào trong con. Nay bạn hối tiếc những lời đó. Không phải là bạn không thể chuyển hóa những lời đó bằng cách nhận lỗi với con, nhưng nếu bạn không làm vậy thì
những lời khó thương kia sẽ ở với con bạn một thời gian dài.
Ba bình diện

Lúc này tôi đang viết một cuốn sách Phật pháp. Đó là sự hiểu biết của tôi và sự tu tập của tôi. Khi tôi viết một cuốn sách Phật pháp, tôi không đi theo chiều thẳng. Tôi đi vào bạn, và tôi được hóa thân dưới nhiều hình thức khác nhau trong bạn. Trong đạo Bụt chúng ta nói tới ba bình diện: thân, khẩu và ý, trong bất cứ giây phút nào của đời sống. Xin ráng nhìn và hiểu điều này. Bạn không cần phải đợi tới lúc thân thể tan rã mới bắt đầu cuộc tái sinh.

Mỗi giây phút chúng ta đều được sinh ra và chết đi. Chúng ta tái sinh ra không chỉ trong một hình tướng mà trong nhiều hình tướng. Tôi tưởng tượng tới một cái pháo. Khi bạn đốt pháo nó không đi theo chiều dọc mà đi theo nhiều hướng, ánh sáng tóe lên theo đủ các phương. Vậy, không nên nghĩ rằng bạn chỉ đi theo một hướng thôi. Bạn cũng giống như cái pháo. Bạn đi vào trong con cái, bạn bè và tất cả thế giới.

Buổi sáng khi ngồi thiền, hai bên tôi đều là các vị tăng sĩ. Tôi đã tái sinh trong họ khi ngồi thiền chung với họ. Nếu bạn nhìn kỹ bạn sẽ thấy tôi trong họ. Tôi không đợi tới lúc chết mới tái sinh. Tôi đang được tái sinh ngay lúc này, và tôi mong được tái sinh theo hướng tốt đẹp. Tôi muốn truyền cho các đệ tử tại gia và xuất gia của tôi những gì tốt đẹp, hạnh phúc nhất của đời tôi, để họ có đời tái sinh tốt đẹp cho tôi và cho họ.

Si mê, hờn giận và tuyệt vọng không nên tái sinh. Khi chúng được tái sinh, chúng chỉ mang tới cho thế giới thêm khổ đau và đen tối hơn mà thôi. Càng nhiều tình thương và hạnh phúc tái sinh càng tốt, vì nó sẽ làm cho thế giới hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, dễ thương hơn.

Một ngày kia khi thức giấc, tôi nhớ tới một câu hát dân ca: “Cha mẹ tôi đã để cho tôi bao phước đức.” Đó là tính rộng rãi bao dung, tình thương, hạnh hỷ xả và khả năng đem vui tới cho mọi người. Cha mẹ tôi đã để lại gia tài quý báu cho tôi. Con cái là sự tiếp nối của chúng ta. Chúng ta là con trẻ và trẻ con cũng là chúng ta. Nếu bạn có con, một hay nhiều đứa, là bạn đã tái sinh trong chúng rồi. Bạn có thể nhìn thấy sự tiếp nối của bạn nơi con cháu, nhưng bạn cũng nhìn thấy nhiều thân tiếp nối khác nữa. Sự tiếp nối xảy ra trong những người mà bạn tiếp cận. Và bạn không thể biết thân, khẩu và ý của bạn đã tiếp xúc được với bao nhiêu người.

Trang: 1 2 3

×