Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 8

17/10/2021 6.604 lượt xem

THẬP TẬP NHÂN

A Nan! Những điều kể trên, đều do nghiệp của chúng sanh tự chiêu cảm, tạo Thập Tập Nhân, thọ Lục Giao Báo.

Sao nói Thập Tập Nhân?

  1. Một là Dâm Tập giao tiếp, phát nơi cọ xát lẫn nhau, cọ mãi không thôi, thế nên trong đó phát ra ngọn lửa hồng, như người dùng hai tay cọ xát, thì tướng ấm hiện tiền. Hai tập khí đốt nhau mới sanh những việc giường sắt, trụ đồng. Mười phương Như Lai xem sự hành dâm đồng như dục hỏa, Bồ Tát xem dục như hầm lửa phải tránh.
  2. Hai là Tham Tập giao kế, phát nơi thu hút lẫn nhau, hút mãi không thôi, thế nên chứa hơi lạnh bên trong thành băng giá, như người hít hơi gió vào miệng thì có cảm xúc lạnh. Hai tập khí lấn nhau, mới chịu những khổ của địa ngục hàn băng. Mười phương Như Lai xem việc tham cầu đồng như tham thủy, Bồ Tát xem tham như biển độc phải tránh.
  3. Ba là Mạn Tập giao lăng, phát nơi ỷ thế, lấn áp không thôi; thế nên có sự cãi vã tranh chấp, quậy nước thành sóng, như người tự liếm miệng lưỡi, chảy ra nước miếng. Hai tập khí chọi nhau, mới sanh những việc sông huyết, sông tro, cát nóng, biển độc, bắt uống nước đồng chảy v.v… Mười phương Như Lai xem sự ngã mạn như uống nước si, Bồ Tát xem ngã mạn như sự chìm đắm phải tránh.
  4. Bốn là Sân Tập giao xung, phát nơi chống đối chống mãi không thôi, tâm nóng nảy phát lửa, đúc khí thành kim loại, thế nên có những việc đao sơn, kiếm thụ, rìu, búa, thương, cưa, như người bị hàm oan thì sát khí nổi lên. Hai tập khí đụng nhau, mới sanh những việc thiến, cắt, chém, chặt, dùi, đâm, đánh, đập, v.v… Mười phương Như Lai xem sự sân hận như dao gươm bén, Bồ Tát xem sân hận như chém giết phải tránh.
  5. Năm là Trá Tập giao dụ, phát nơi quyến rũ, lôi kéo chaüng thôi, thế nên có những việc dây, cây, thòng lọng, căng nọc, như nước thấm ruộng thì cỏ cây sanh trưởng. Hai tập khí kéo nhau mới sanh những việc gông, cùm, xiềng, xích, roi, gậy, đòn v.v… Mười phương Như Lai xem sự dối trá đồng như gian tặc, Bồ Tát xem dối trá như beo sói phải sợ.
  6. Sáu là Cuồng tập giao khi, phát nơi phỉnh gạt, gạt mãi không thôi, buông tâm gian dối, thế nên có đất bùn, đại tiểu tiện, các thứ ô uế, như bụi theo gió, chẳng có chỗ thấy. Hai tập khí dìm nhau, mới sanh những việc chìm đắm, nhảy, ném, bay, rơi, trôi lăn v.v… Mười phương Như Lai xem sự lừa gạt đồng như cướp giết, Bồ Tát xem sự lừa gạt, như giẫm rắn độc.
  7. Bảy là Oán Tập giao hiềm, phát nơi sân hận, thế nên có sự quăng đá, ném gạch, hộp nhốt, cũi nhốt, rọ nhốt, đãy bọc, như người hiểm độc ôm ấp điều dữ. Hai tập khí nuốt nhau, mới sanh những việc ném, quăng, nắm, bắt, đánh, bắn, tóm, siết v.v. Mười phương Như Lai xem sự thù oán, đồng như Quỷ Vi Hại, Bồ Tát xem thù oán như uống rượu độc.
  8. Tám là Kiến Tập giao minh, như năm thứ ác kiến và các nghiệp tà ngộ, vì kiến giải khác nhau nên chống trái lẫn nhau, ví như người lạ đi đường qua lại gặp nhau, cãi cọ thưa kiện, nên có các cấp quan lại, nắm giữ hồ sơ văn bản đối chứng. Hai tập khí giao xen, thế nên mới có Thiện Ác Đồng Tử tay cầm hồ sơ văn bản, điều tra bằng chứng cụ thể, khám hỏi, tra khảo, thẩm vấn v.v… Mười phương Như Lai xem những ác kiến đồng như hầm độc, Bồ Tát xem những kiến chấp hư vọng như vào hố độc.
  9. Chín là Uổng Tập giao xen, phát nơi vu khống phỉ báng; thế nên có hợp sơn, hợp thạch, cối nghiền, cối xay, như kẻ gièm pha vu oan người lương thiện. Hai tập khí bài xích lẫn nhau, mới sanh những việc áp giải, đè đập, ép huyết v.v. Mười phương Như Lai xem sự vu vạ đồng như cọp gièm pha, Bồ Tát xem sự vu vạ như bị sấm sét.
  10. Mười là Tụng Tập giao thuyên, phát nơi che giấu tội lỗi; thế nên có gương soi, đuốc chiếu, như đứng giữa mặt trời, chẳng thể giấu bóng. Hai tập khí phô bày lẫn nhau mới sanh ra những việc ác hữu, nghiệp kính, chiếu soi, hỏa châu, phơi bày nghiệp xưa, đối nghiệm v.v… Mười phương Như Lai xem sự che giấu đồng như hiểm tặc, Bồ Tát xem sự che giấu như đội núi cao đi trên biển cả.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

×