Quán chiếu

11/10/2021 2.651 lượt xem

Duyệt qua những đối tượng quán niệm đã được liệt kê trong kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm ta thấy hơi thở đi trước, tiếp theo là những tư thế và động tác của cơ thể. Ta đã đề cập đến cách thở để làm cho thân tâm ân lạc trong các chương I và II. Ta nên áp dụng hơi thở có ý thức trong những tư thế và động tác của cơ thể. Ngồi xuống thì ta biết ta ngồi xuống. Đứng dậy thì ta biết là ta đứng dậy. hơi thở ý thức giữ gìn không cho ta rơi vào thế giới quên lãng (thất niệm) lúc lái xe, giặt áo, lau nhà, rửa bát, pha trà, v.v… ta có thể thực tập quán niệm để có ý thức về mỗi động tác của cơ thể. Sống đời sống hàng ngày có chánh niệm như thế ta mới đủ chăm chú để quán chiếu vạn pháp để thấy rõ thật tướng của vạn pháp. Chánh niệm phải bền bỉ như lửa nấu cơm. Nếu lửa tắt rồi đỏ, đỏ rồi tắt, thì cơm không bao giờ chín.

Tiếp theo hơi thở và động tác của cơ thể, là sự quán chiếu về những bộ phận cơ thể, những yếu tố tạo nên cơ thể và sự tàn hoại của cơ thế. Hình hài của ta, ta phải nhìn cho rõ. Ta thường nghĩ rằng cơ thể ta không xa lạ gì đối với ta, kỳ thực là đa số trong chúng ta chưa thiết lập được liên lạc thân hữu với cơ thể chính chúng ta. Chúng ta biết rất ít về cơ thể của chúng ta, dù chúng ta đã học qua sinh vật học. Có khi nào ta nhìn bàn tay ta và quán chiếu để thấy được rằng những thế hệ đã qua và những thế hệ sắp đến đều có mặt trong bàn tay ấy? Ai là kẻ trao truyền hình hài này và ai là kẻ tiếp thọ? Người trao truyền, vật trao truyền và người tiếp thọ là một hay là ba? Hình hài ta có liên hệ gì tới nắng, tới mưa, tới rừng cây, tới ruộng lúa, tới sỏi đá, tới những động vật thời tiền sử? Hình hài ta bắt đầu có mặt từ điểm nào trong thời gian? Tại sao từ không mà hình hài ta trở thành có? Và tại sao đã có lại trở thành không? Cái chết là cái gì? Cái chết có động được đến ta không? Những câu hỏi đó đều có liên hệ trực tiếp đến hình hài ta.

Tiếp theo cơ thể là cảm giác. Ta đã đề cập tới cảm giác trong chương VI. Quán chiếu về cảm giác, ta có cơ hội quán chiếu về cơ thể và tâm ý.

Tiếp theo cảm giác, là tâm ý. Quán chiếu về tâm ý tức là ý thức được những gì xảy ra trong tâm ý và nhìn sâu vào những hiện tượng tâm ý ấy. Khi tâm ý ta xao xuyến chẳng hạn, ta biết là ta đang xao xuyến, và ta nhìn kỹ tâm ý xao xuyến của ta để thấy được những gốc rễ của nó. Tâm ý và đối tượng tâm ý luôn luôn đi đôi với nhau. Xao xuyến luôn là xao xuyến về một điều gì, giận dữ luôn luôn là giận dữ về một điều gì, tham đắm luôn luôn là tham đắm một cái gì, suy tư luôn luôn là suy tư về một cái gì. Tâm ý gồm cả chủ thể lẫn đối tượng. Tâm ý hữu độc lập với đối tượng. Vì vậy khi quán chiếu tâm ý ta cũng đồng thời quán chiếu về đối tượng của tâm ý.

Đối tượng tâm ý, theo kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm, trước hết là năm thứ chướng ngại của thiền quán. Đó là tham đắm, giận hờn, hôn trầm, sự kích thích và sự nghi ngờ. Có một trong năm chướng ngại đó trong khi thiền quán thì hành giả sẽ gặp khó khăn. Vì vậy hành giả phải ý thức về sự có mặt của chúng và quán chiếu về chúng để thấy được tự tính (tức là mọi gốc rễ) của chúng. Thấy được thì có thể vượt được.

Tiếp theo, là năm uẩn và mười hai lĩnh vực. Năm uẩn bạn đã biết rồi. Mười hai lĩnh vực tức là sáu giác quan và sáu loại đối tượng của chúng. Ý cũng là một giác quan như năm giác quan khác, và ý cũng nương tựa vào não bộ và thần kinh hệ.

Năm uẩn và mười hai xứ bao gồm tất cả mọi hiện tượng sinh lý, vật lý và tâm lý. Tất cả đều được xem là đối tượng của tâm ý.

Trang: 1 2 3 4 5

×