Cái sợ đích thực

29/09/2021 1.686 lượt xem

Chúng ta sợ chết, sợ chia lìa và chúng ta sợ trở thành hư vô. Người tây phương rất sợ trở thành hư vô. Khi họ nghe nói về sự trống rỗng họ cũng rất sợ. Nhưng trống rỗng chỉ là sự vắng mặt các ý niệm. Không hay trống rỗng không có nghĩa trái ngược với sự sinh tồn. Nó không có nghĩa là hư vô, không có nghĩa là không còn gì hết. Cần phải loại bỏ ý niệm hiện hữu và không hiện hữu. Trống rỗng là một dụng cụ giúp chúng ta.

Thực tại không liên quan gì tới chuyện có hay không, hiện hữu hay không hiện hữu. Khi Shakespeare nói “To be or not to be – that is the question (vấn đề là hiện hữu hay không hiện hữu), Bụt trả lời: “Hiện hữu hay không hiện hữu, đó không phải là vấn đề.” Có hiện hữu hay không hiện hữu chỉ là hai ý niệm trái ngược nhau, chúng không phải là chân lý và chúng cũng không diễn tả được chân lý.

Sự giác ngộ tỉnh thức không những loại được ý niệm về thường hằng mà nó cũng loại được cả ý niệm về vô thường. Ý niệm về trống rỗng cũng thế. Trống rỗng cũng chỉ là một khí cụ, và nếu bạn bị kẹt vào ý niệm đó, bạn cũng đi lạc đường. Bụt nói trong kinh Người bắt rắn (Ratnakuta): “Nếu bạn bị kẹt vào ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu (Có hay Không) thì ý niệm về trống rỗng giúp cho bạn được tự do. Nhưng khi bạn kẹt vào ý niệm trống rỗng thì không còn hy vọng. Giáo lý về sự trống rỗng là một dụng cụ giúp cho bạn có cái hiểu thật sự về Không, nhưng nếu bạn coi dụng cụ đó là sự giác ngộ thì bạn đã bị kẹt vào ý niệm đó rồi.

Nếu bạn có một ý niệm về Niết bàn, thì nên loại bỏ nó đi. Niết bàn không chứa đựng một ý niệm nào hết, kể cả ý niệm về Niết bàn. Nếu bạn kẹt vào ý niệm về Niết bàn là bạn chưa chạm được tới Niết bàn. Sự khám phá và hiểu biết sâu xa đó khiến cho Bụt vượt thoát được mọi sợ hãi, lo âu, mọi đau khổ và vượt được cả vấn đề sinh tử.

(Trích “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

×