Vô ngã

01/10/2021 1.698 lượt xem

Vô thường là nhìn vào thực tại trong khía cạnh thời gian. Vô ngã là nhìn trong bình diện không gian. Đó là hai mặt của thực tại. Vô ngã là một biểu hiện của vô thường cũng như vô thường là một biểu hiện của vô ngã. Mọi sự vật không có cái ngã riêng biệt nên chúng vô thường. Vô thường nghĩa là biến đổi luôn luôn. Đó là một chân lý. Vì không có gì bất biến nên làm sao có được cái ngã riêng biệt và thường hằng? Khi nói về “ngã”, ta muốn nói tới một thứ gì tự nó không thay đổi ngày này qua tháng khác. Nhưng không thể có cái gì như vậy. Thân ta vô thường, các cảm xúc vô thường và các nhận thức cũng vậy. Cái giận, cái buồn, tình thương, lòng thù hận và các tâm thức của chúng ta cũng đều vô thường.

Vậy thì có cái gì thường hằng đâu để chúng ta có thể gọi là cái Ngã? Tờ giấy viết những dòng chữ này không có một cái ngã riêng biệt. Nó chỉ có mặt được khi có đám mây, rừng cây, mặt trời, trái đất và máy móc cùng người làm giấy. Nếu những thứ đó không có mặt thì tờ giấy cũng không thể có mặt. Khi ta đốt tờ giấy thì cái ngã của nó ở đâu?

Không có thứ gì có thể tự nó hiện hữu được. Nó phụ thuộc vào nhiều thứ khác. Đó là tương tức, là sự liên quan mật thiết của mọi sự vật, luôn luôn hỗ tương nhau. Hiện hữu có nghĩa là tương tức. Tờ giấy tương tức (cùng hiện hữu, có liên quan mật thiết) với ánh sáng mặt trời và rừng cây. Bông hoa không thể tự nó hiện diện được, nó phải tương tức với đất, mưa, cỏ dại và côn trùng. Không có sự hiện hữu độc lập, chỉ có sự tương tức, sự liên quan mật thiết giữa mọi sự vật.

Nhìn sâu vào một bông hoa, chúng ta thấy hoa làm bằng những yếu tố không-hoa. Ta có thể mô tả hoa làm bằng mọi thứ khác. Không có gì mà không hiện hữu trong bông hoa. Chúng ta thấy ánh sáng mặt trời, thấy mưa, thấy mây, thấy đất và ta cũng nhìn thấy thời gian, không gian trong hoa. Một bông hoa cũng như mọi thứ khác, hoàn toàn được cấu tạo bởi những chất không phải là hoa. Tất cả vũ trụ đã tập họp lại để giúp cho bông hoa biểu hiện. Bông hoa có đủ thứ, trừ một thứ: đó là cái ngã riêng biệt hay tự tánh độc lập của nó.

Bông hoa không thể tự mình là hoa. Nó phải hiện hữu tương tức cùng với mặt trời, đám mây và mọi thứ khác trong vũ trụ. Nếu ta hiểu nghĩa chữ hiện hữu là cùng hiện diện với các thứ khác, thì ta đã tới gần chân lý hơn. Tương tức hay Interbeing không phải là hiện hữu hay không hiện hữu mà có nghĩa là không có tự tánh riêng biệt, không có cái ngã độc lập.

Vô ngã cũng có nghĩa là trống rỗng, một thuật ngữ trong Phật giáo có nghĩa là không có tự tánh độc lập. Nhưng nó không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu tại đây. Cũng không có nghĩa là mọi sự đều không có đây. Một cái ly có thể trống hay đầy trà. Muốn trống hay đầy, cái ly phải hiện hữu cái đã. Trống rỗng không có nghĩa là hiện hữu hoặc không hiện hữu. Nó vượt qua mọi ý niệm. Nếu bạn tiếp xúc thật sâu được với bản chất vô thường, vô ngã và tương tức, bạn tiếp xúc được với bình diện tuyệt đối, với bản chất của Niết bàn.

Chúng ta là ai?

Chúng ta nghĩ về thân mình như nó chính là mình, hay nó thuộc về mình. Thân này là tôi, là của tôi. Nhưng nếu nhìn cho kỹ, bạn sẽ thấy cái thân bạn cũng là cái thân của tổ tiên, cha mẹ, của con và cháu bạn. Vậy nó không phải là tôi hay của tôi! Thân bạn có đầy đủ các yếu tố khác, vô số những thứ không phải là thân, trừ một thứ, đó là cái ngã riêng biệt.

Vô thường cần được nhìn dưới ánh sáng của trống rỗng, tương tức và vô ngã. Những thứ đó không có tính cách tiêu cực. Trống rỗng là một mầu nhiệm. Ngài Long Thọ (Nagarjuna), một vị thầy nổi tiếng của đạo Bụt thế kỷ thứ hai đã nói: “Nhờ Không mà mọi sự đều Có!”

Bạn có thể thấy vô ngã trong vô thường và vô thường trong vô ngã. Bạn có thể nói vô thường là vô ngã nhìn trong bình diện thời gian và vô ngã là vô thường nhìn dưới khía cạnh không gian. Hai thứ đó là một. Vì vậy vô thường và vô ngã tương tức, tương nhập (có liên quan hỗ tương với nhau). Nếu bạn không thấy vô thường trong vô ngã thì đó không phải là vô ngã. Nếu bạn không thấy vô ngã trong vô thường thì đó không thật là vô thường. Chưa hết, bạn cũng phải nhìn thấy Niết bàn trong vô thường và Niết bàn trong vô ngã. Nếu tôi vẽ một đường thẳng, một bên đường là vô thường vô ngã thì bên kia đường là Niết bàn. Đường thẳng đó có ích lợi nhưng nó cũng có thể làm ta hiểu lầm. Niết bàn vượt qua tất cả mọi ý niệm, kể cả ý niệm về vô thường và vô ngã. Nếu ta thấy Niết bàn trong vô thường và vô ngã có nghĩa là ta không bị kẹt vào các ý niệm vô thường và vô ngã.

Sinh sản vô tính và vô ngã.

Nếu bạn lấy ba tế bào từ thân tôi rồi theo phép sinh sản vô tính (cloning), làm ra ba đứa bé từ các tế bào đó, chúng sẽ có các yếu tố di truyền trong máu của gia đình huyết thống và của chính tôi.

Nhưng chúng ta ai cũng có thêm một di sản khác. Chúng ta tự nhiên là thừa kế cái thân từ gia đình. Ta cũng là di sản của môi trường ta sống. Đó là sự nuôi dưỡng. Tưởng tượng nếu ta bỏ ba đứa bé do sinh sản vô tính vào ba môi trường khác nhau. Bé nào sống trong giới cờ bạc, ma túy thì nhiều phần nó cũng sẽ nghiện ngập và ham mê bài bạc. Nó sẽ không trở thành một nhà sư như tôi. Nếu bạn nuôi một đứa khác trong môi trường thương mại và cho nó đi học về thương mại, có lẽ nó sẽ trở thành một thương gia. Chuyện này có thể xảy ra dù cho các em bé ra đời bằng phép vô tính đó mang cùng những cái genes của tôi. Nhưng tôi đã được thấm nhuần giáo pháp của Bụt. Những giáo pháp đó không được tưới tẩm ở trường thương mại mà các hạt giống mua bán và làm thương mại sẽ được tưới tẩm. Chú bé kia sẽ trở thành một thương gia. Dù cho mắt, mũi, tai… coi hệt như tôi, chú ta không có gì giống tôi hết.

Ta hãy giả thiết chú thứ ba do sinh sản vô tính trở thành một tăng sĩ. Ta để chú vào Lộc Uyển và giao cho các tăng ni nuôi dưỡng chú. Mỗi ngày chú nghe kinh kệ và đi thiền hành. Chú bé sẽ là một vị sư còn khá hơn tôi ngày nay nữa.

Nuôi dưỡng là chuyện rất quan trọng. Dù cho bạn sản xuất vô tính ba ‘clones’ hay ba ngàn ‘clones’, thì sự biểu hiện đặc biệt của các ‘clones’ đó tùy vào điều kiện nuôi dưỡng chúng, tùy vào những ý tưởng, tình thương, lòng ghen ghét, tùy vào sự học hỏi và tùy công việc chung quanh. Tưởng tượng có những người sợ mất tôi, hỏi rằng: “Xin cho chúng con một tế bào của Thầy để làm ‘cloning’,” và nếu đồng ý thì tôi sẽ phải nói: “Được, nhưng xin nuôi đứa bé ở một tu viện như Lộc Uyển hay Rừng Phong, nếu không thì nó sẽ đau khổ đó.”

Niết bàn

Vô thường và vô ngã không phải là những luật lệ Bụt đặt ra cho chúng ta. Đó là những chìa khóa để mở cánh cửa thực tại. Ý niệm thường hằng là sai lầm, vậy nên giáo pháp vô thường giúp chúng ta có cái nhìn đúng về sự thường hằng bất biến. Nếu chúng ta bị kẹt vào ý niệm vô thường, chúng ta cũng không đạt tới Niết bàn được. Ý niệm về ngã là sai lầm, vậy nên ta có giáo pháp vô ngã để chữa nó. Nếu ta bị vướng vào ý niệm vô ngã, thì cũng không hay ho gì. Vô thường và vô ngã là những chìa khóa để thực tập – không phải là những chân lý tuyệt đối. Chúng ta không sống chết với chúng và cũng không giết hại ai để bảo vệ chúng.

Trong đạo Bụt không có tư tưởng hay thiên kiến nào để chúng ta phải giết hại người khác. Chúng ta không giết người chỉ vì họ không chấp nhận tôn giáo của mình. Các giáo pháp của Bụt là những phương tiện tinh vi, đó không phải là những chân lý tuyệt đối. Vậy chúng ta có thể nói rằng vô thường và vô ngã là những phương tiện khéo léo giúp chúng ta tới gần chân lý nhưng đó không phải là chân lý tuyệt đối. Bụt dạy: “Giáo pháp của ta là ngón tay chỉ mặt trăng. Đừng để bị vướng vào ý tưởng ngón tay là mặt trăng. Ngón tay chỉ là phương tiện để giúp ngươi thấy được mặt trăng mà thôi.”

Vô thường và vô ngã là phương tiện để ta hiểu được thực tại, đó không phải là thực tại. Đó chỉ là các dụng cụ, không phải là chân lý tuyệt đối. Vô thường không phải là một chủ thuyết bạn phải sống chết với nó. Bạn không bao giờ nên bỏ tù một người chỉ vì hắn nói ngược với bạn. Bạn không nên dùng quan niệm của mình để chống lại quan niệm của người khác. Những phương tiện đó đưa ta tới chân lý sau cùng. Đạo Bụt là một con đường thiện hảo giúp đỡ chúng ta, không phải là một con đường của kẻ cuồng tín. Phật tử không nhân danh tôn giáo để tham chiến, không đổ máu hay giết hàng ngàn người.

Vì vô thường chứa đựng trong nó bản chất Niết bàn, ta sẽ được an toàn khi không bị vướng vào một ý tưởng. Khi bạn học hỏi và hành trì giáo pháp này, bạn không còn bị kẹt, bạn được tự do không vướng vào các ý niệm kể cả ý niệm về thường hay vô thường. Theo con đường đó, bạn đạt tới sự tự do không còn đau khổ sợ hãi nữa. Đó là Niết bàn, là vương quốc của Thượng đế.

Ngừng bặt ý niệm

Chúng ta sợ hãi vì các ý niệm về sinh-tử, tăng-giảm, hiện-hữu hay không hiện-hữu. Niết bàn là sự ngừng bặt của tất cả các ý niệm và tư tưởng. Nếu chúng ta thoát khỏi hết các ý niệm và tư tưởng, chúng ta có thể tiếp xúc được với niềm an lạc trong bản thể chân thật của ta. Có tám ý niệm nuôi dưỡng sự sợ hãi. Đó là ý niệm về sinh – diệt, đến – đi, khác nhau – giống nhau, có và không. Những ý niệm đó làm cho ta không hạnh phúc. Giáo pháp của Bụt dạy ta tám ý niệm đối nghịch gọi là tám không: không sinh – không diệt; không đến – không đi; không giống – không khác; không có cũng không không.

(Trích “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

×