Hãy nhìn một đồng xu. Một bên là mặt phải, một bên mặt trái. Hai mặt không thể hiện hữu nếu thiếu mất một bên. Kim loại làm ra đồng xu gồm có hai mặt, không có kim loại thì không có đồng tiền. Ba yếu tố kim loại, mặt phải và mặt trái liên quan với nhau. Ta có thể mô tả kim loại giống như Niết bàn, mặt phải và mặt trái có thể coi như biểu hiện của vô ngã và vô thường. Qua mặt phải hay mặt trái, bạn có thể chạm được và cảm được sự hiện hữu của kim loại. Tương tự như vậy, nếu nhìn sâu vào bản chất của vô thường và vô ngã, bạn có thể tiếp xúc được với bản chất của Niết bàn.
Niết bàn trong bình diện tuyệt đối (bản môn) không thể tách rời ra khỏi Niết bàn trong bình diện tương đối (tích môn). Khi bạn thật sự chạm được tới Niết bàn tương đối thì bạn cũng tiếp xúc được với Niết bàn tuyệt đối. Bản thể luôn luôn có sẵn trong bạn. Đối với người có tu học, điều quan trọng là bạn phải tiếp xúc được với tự tánh vô thường vô ngã của bạn. Nếu thành công bạn có thể tiếp xúc được với Niết bàn và không còn sợ hãi nữa. Bây giờ bạn có thể cưỡi trên sóng sinh tử và mỉm cười thanh thoát.
Tích môn và bản môn
Ngày thường ta nhìn vào thực tại qua bình diện tương đối hay tích môn, nhưng ta cũng có thể nhìn các thực tại đó qua bình diện tuyệt đối hay bản môn. Thực tại có thể biểu hiện ra ở cả hai bình diện tương đối và tuyệt đối. Chúng ta cũng vậy. Chúng ta đều có những điều cần làm trong bình diện tương đối, nhưng mỗi chúng ta cũng có những quan tâm trong bình diện tuyệt đối.
Khi chúng ta tìm Thượng đế hay Niết bàn ở tình trạng an bình sâu xa nhất, là chúng ta đi tìm tuyệt đối. Chúng ta không chỉ quan tâm tới những chuyện bình thường trong đời sống như danh vọng, lợi nhuận, địa vị xã hội, các dự án mà chúng ta cũng quan tâm tới bản chất chân thật trong ta. Thiền quán sâu xa là bắt đầu thực hiện sự quan tâm tới bình diện tuyệt đối của mình
(Trích “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”)