Bị trói vào một ý niệm

27/09/2021 954 lượt xem

Bụt đã kể cho ta một câu chuyện ngụ ngôn rất hay về tư tưởng và ý niệm. Một thương gia trẻ trở về nhà sau chuyến đi buôn xa, thấy nhà đã bị cướp đốt thành tro. Ngay phía ngoài nền nhà cũ là một cái xác nhỏ bé đã bị cháy thành than. Anh ta nghĩ đó là xác đứa con trai nhỏ của mình. Anh không biết rằng con trai anh vẫn còn sống. Anh không biết rằng sau khi đốt nhà, bọn cướp đã bắt đứa bé theo. Và trong tình trạng rối loạn, anh đã tin rằng cái xác kia chính là xác con anh. Anh vò đầu đấm ngực khóc lóc, rồi làm đám tang cho con.

Người thương gia đó rất yêu con. Nó là lẽ sống của anh. Anh thương xót nó tới độ không thể rời hũ tro của nó. Anh may một cái túi bằng gấm và bỏ tro vô đó, đeo trước ngực ngày đêm, lúc ngủ nghỉ cũng như khi làm việc. Một đêm con anh trốn thoát khỏi tay bọn cướp. Nó trở về căn nhà cha nó đã xây lại và nó gõ cửa một cách háo hức vào lúc hai giờ sáng. Cha nó thức giấc, lòng vẫn còn rất đau khổ và túi tro vẫn mang trên ngực, anh hỏi: “Ai đó?”

“Con đây cha ơi!” Đứa bé trả lời vọng qua cửa.

“Mày tệ quá, mày đâu phải con tao. Con tao đã chết ba tháng trước rồi, tao còn tro của nó ngay đây.”

Đứa bé tiếp tục đấm vào cửa và khóc lóc. Nó năn nỉ hoài để xin vào trong nhà nhưng người cha nhất định không cho. Người cha giữ chặt lấy ý niệm con đã chết và cho rằng đứa bé vô lương tâm này chỉ đến phá rầy anh ta mà thôi. Cuối cùng đứa bé đành bỏ đi và anh ta mất con vĩnh viễn.

Bụt dạy rằng khi ta bị kẹt vào một ý niệm và coi đó là chân lý thì ta sẽ mất cơ hội để thấy được chân lý. Dù cho chân lý tới tận nhà gõ cửa, bạn cũng sẽ từ chối vì không mở được cái tâm bạn ra. Vậy nên khi bạn vướng vào một ý niệm về sự thật hay có ý niệm về các điều kiện của hạnh phúc thì hãy cẩn thận.

Giới thứ nhất để thực tập Chánh niệm là thực tập để được tự do không bị thiên kiến:

“Ý thức được sự khổ đau gây ra do sự quá khích và hẹp hòi, chúng con nhất định sẽ không thờ làm thần tượng bất cứ một chủ nghĩa hay lý thuyết nào, kể cả những chủ nghĩa và lý thuyết Phật giáo. Những hệ thống giáo lý trong đạo Bụt phải được nhận thức như những pháp môn hướng dẫn giúp chúng con biết nhìn sâu và phát triển cái hiểu và thương – mà không phải là những chân lý để bảo vệ và thờ phượng.”

Đây là sự thực tập giúp chúng ta không bị ràng buộc vào một giáo điều nào. Thế giới chúng ta đã chịu nhiều khổ đau quá nhiều vì các chủ thuyết, giáo điều. Điều thứ nhất trong sự thực tập chánh niệm giúp ta được tự do. Sư tự do này ở trên tất cả các ý niệm về tự do mà ta vẫn thường có. Nếu ta bị kẹt vào các ý niệm, ta sẽ đau khổ và làm cho người thân đau khổ theo.

(Trích “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

×