Thực tập nhìn sâu

01/10/2021 936 lượt xem

Tất cả các giáo pháp chính thống của đạo Bụt đều có ba yếu tố căn bản gọi là Tam pháp ấn. Ba dấu ấn đó là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Giống như các tài liệu luật pháp cần có chữ ký của người chứng, các phép thực tập trong đạo Bụt phải có chứng tích của ba dấu ấn này. Khi nhìn vào pháp ấn thứ nhất: vô thường, ta thấy rằng nó không chỉ có nghĩa là mọi sự đều thay đổi. Nhìn vào bản chất mọi sự vật, ta thấy không có vật nào không thay đổi trong hai thời điểm nối tiếp nhau. Vì không có sự vật nào bất biến với thời gian, nên chúng không có tự tánh cố định, không có cái ngã thường hằng. Vậy thì trong giáo pháp vô thường ta không thể tìm thấy một cái ngã bất biến. Ta gọi đó là vô ngã. Chính nhờ sự biến đổi không ngừng, nhờ tính cách vô ngã của vạn hữu mà ta có thể có tự do.

Dấu ấn thứ ba là Niết bàn. Nó có nghĩa là sự vững chãi, là sự tự do không bị ràng buộc vào bất cứ ý niệm nào. Từ ngữ Niết bàn có nghĩa là sự vắng bặt của tất cả các ý niệm. Nhìn sâu vào vô thường cho phép ta khám phá ra vô ngã. Khám phá được vô ngã dẫn ta tới Niết bàn. Niết bàn là vương quốc của Thượng đế.

(Trích “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

×