Chuyển hóa khổ đau và sợ hãi

04/10/2021 1.014 lượt xem

Đám mây

Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có, không, còn, mất chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng
Gió vẫn còn bay con biết không?
Khi mưa xa tiếp áng mây gần
Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp
Cho lòng đất thấy bầu trời trong.

Một ngày đẹp trời bạn nhìn lên trời cao, thấy một cụm mây trắng nõn như bông đang trôi lơ lửng. Bạn ngắm nghía, thưởng thức hình dáng đám mây, ánh sáng chiếu trên nhiều từng mây và bóng mây che mát cánh đồng màu xanh dưới đất. Bạn đâm ra yêu đám mây. Bạn mong đám mây cứ ở đó với bạn để bạn được sung sướng. Nhưng rồi hình dáng và màu sắc của mây thay đổi. Nhiều đám mây khác tụ lại, rồi bầu trời tối xầm và bắt đầu mưa. Không còn đám mây nữa, nó đã biến thành mưa. Bạn bắt đầu than khóc, mong đám mây dễ thương kia trở lại với mình.

Bạn sẽ không than khóc khi bạn biết rằng nếu nhìn sâu vào các giọt mưa, bạn sẽ thấy đám mây. Trong đạo Bụt có giáo pháp vô tướng (Animitta). Tướng là hình dáng bên ngoài của một sự vật. Thực tập vô tướng để không bị cái bề ngoài của sự vật đánh lừa mình. Khi ta hiểu chữ Animitta, ta sẽ thấy hình tướng bề ngoài không phải là tất cả thực tại.

Khi đám mây biến đổi thành ra mưa, bạn có thể nhìn sâu vào mưa để thấy rằng đám mây vẫn còn đó, đang cười với bạn. Điều này làm cho bạn sung sướng và bạn có thể ngưng khóc vì bạn không còn bị vướng vào hình tướng của đám mây nữa. Khi bạn quỵ xuống vì đau khổ và tiếp tục khóc lóc hoài, đó chỉ là vì bạn đã bị bỏ lại phía sau, bị vướng.

vào hình tướng của đám mây. Bạn bị quá khứ buộc chặt và không thể nhìn thấy được hình tướng mới. Bạn không theo được đám mây khi nó đã biến hóa thành ra mưa hay tuyết.

Khi bạn mất một người nào và bạn than khóc nhiều quá, thì xin hãy nghe lời gọi của Bụt. Nhìn cho sâu để nhận ra bản chất vô sinh bất diệt, không tới không đi của người bạn thương. Đó là giáo pháp của Bụt dạy về bản chất thật sự của chúng ta.

Chuyển hóa

Chúng ta hãy nhìn vào sự hình thành của đám mây. Bạn có thể hình dung về sức nóng, hơi nước và bạn có thể nhìn thấy sự hình thành đám mây trên bầu trời. Bạn biết mây từ đâu mà tới. Bạn có thể hiểu những điều kiện nào đã giúp cho đám mây biểu hiện ra. Óc quan sát và sự thực tập nhìn sâu có thể giúp chúng ta. Khoa học cũng cho ta biết về sự hình thành đám mây, tiến trình của nó và các cuộc phiêu lưu của nó.

Nếu bạn yêu đám mây, mà có cái hiểu sâu xa về nó, bạn biết rằng đám mây là vô thường. Khi bạn yêu một người nào, bạn cũng hiểu rằng người đó không thường hằng vĩnh viễn. Nếu bạn vướng mắc vào đám mây, bạn cần thận trọng lắm. Bạn biết theo luật vô thường, đám mây chẳng mấy chốc sẽ biến thành một thứ khác, chẳng hạn như mưa.

Bạn có thể nói với đám mây: “Mây yêu, ta biết ngươi đang ở đó và ta biết một ngày kia ngươi sẽ chết đi. Ta cũng sẽ chết. Ngươi sẽ trở thành một thứ gì khác, một sinh vật nào đó. Ta cũng biết ngươi sẽ tiếp tục cuộc hành trình, nhưng ta cũng sẽ nhìn thật sâu để nhận ra sự tiếp nối của ngươi, như vậy ta sẽ không đau khổ nhiều quá.” Nếu bạn quên về vô thường và bạn bị ràng buộc vào đám mây thì khi tới thời mây chuyển hóa thành ra mưa, bạn sẽ khóc. “Trời ơi, đám mây không còn đó nữa, làm sao tôi sống cho nổi đây?”

Nhưng khi bạn thực tập nhìn sâu, bạn có thể nhìn ra đám mây trong những hình tướng mới như sương, như mưa. Mưa mỉm cười, ca hát và mưa rơi chan hòa, đầy sức sống, rất đẹp. Chỉ vì bạn thất niệm nên bạn mới không nhìn ra mây trong các biểu hiện mới mẻ đó. Bạn bị đau buồn nắm đầu, khóc lóc hoài, trong khi đám mây gọi bạn: “Người thương ơi, tôi đây mà, hãy nhìn coi!” Nhưng bạn không nhận ra mưa trong khi nó chính là sự tiếp nối của đám mây. Thực ra, mưa chính là mây.

Khi bạn nhìn đám mây, có lẽ bạn muốn cũng được như nó, tự do bay trong bầu trời. Thật là kỳ diệu khi được là mây bay như thế. Bạn có thể có ý niệm về tự do như vậy. Khi nhìn mưa rơi như ca như hát, bạn cũng mong được làm mưa. Mưa nuôi sống các loài thảo mộc và nuôi sống bao loài sinh vật khác. Làm mưa thật là tuyệt diệu.

Bạn nghĩ rằng mây và mưa giống nhau hay khác nhau? Tuyết trên đỉnh núi trắng tinh, thanh khiết và tuyệt đẹp. Nhìn nó tinh khôi, bạn cũng muốn giống như tuyết. Đôi khi nhìn suối róc rách trong khe, bạn thấy dòng suối trong vắt và đẹp đẽ như pha lê, bạn cũng ưa được làm nước tuôn chảy hoài hoài. Đám mây, mưa, tuyết và nước, chúng là bốn thứ khác nhau? Hay chúng thực ra chỉ là một thực tại, có cùng một gốc rễ?

Vô úy

Trong hóa học chúng ta gọi bản chất của nước là H2O – gồm hai nguyên tử Hydrogen và một nguyên tử Oxygen. Khởi từ phân tử căn bản đó, nước thể hiện dưới nhiều hình thức: mây, mưa, tuyết và nước. Làm mây thật tuyệt diệu, làm mưa cũng thế. Tuyết hay nước đều tuyệt diệu cả. Nếu đám mây nhớ như vậy, thì khi mây sắp chuyển hóa để tiếp tục sống dưới hình thức mưa, nó sẽ không hoảng sợ. Nó sẽ nhớ rằng khi là mây hay khi là mưa đều tuyệt đẹp hết.

Khi đám mây không bị vướng vào ý niệm sinh-diệt, có-không, thì không có sự sợ hãi. Học từ đám mây, ta có thể nuôi dưỡng sự vô úy.

Không sợ hãi là nền tảng của sự an vui. Khi nào còn sợ hãi thì chúng ta không thể có hạnh phúc.

Khi bạn thực tập nhìn sâu, bạn sẽ nhìn thấy bản chất không sinh – không diệt, không có – không không, không đến – không đi, không giống cũng không khác. Khi nhìn được như thế, bạn không còn sợ hãi chi nữa hết. Bạn sẽ được tự do, không còn tham đắm, hờn ghen. Không sợ hãi là niềm vui tuyệt đối. Khi bạn giác ngộ về cái sợ là bạn được tự do. Và giống như các bậc đại nhân, bạn sẽ bình thản cưỡi trên sóng sinh tử.

Biểu hiện và ẩn tàng

Bản chất thực sự của mọi sự vật là không sinh không diệt, không đến – không đi. Bản chất của tôi cũng là không đến – không đi. Khi nhân duyên đầy đủ thì tôi biểu hiện, và khi nhân duyên không còn đầy đủ thì tôi ẩn tàng, tôi không đi đâu cả. Tôi sẽ đi đâu? Tôi chỉ ẩn đi mà thôi.

Khi bạn có một người thân vừa chết đi, bạn sẽ trải qua một thời gian khó khăn vô cùng để vượt qua mối đau khổ vì mất mát đó. Bạn có thể khóc hoài hủy. Nhưng hãy nhìn cho sâu. Có một thần dược giúp cho bạn vượt qua được nỗi khổ đau đó, để hiểu rằng người thương của bạn không sinh cũng không diệt, không đến cũng không đi.

Chỉ vì hiểu lầm mà ta cho rằng người ta thương kia không còn nữa, nghĩa là đã qua đời. Lý do chỉ là vì ta bị vướng mắc vào một hình tướng, một trong nhiều biểu hiện của người đó mà thôi. Khi hình tướng kia không còn, thì ta buồn bã.

Thực ra người ta thương vẫn còn đó. Người đó đang ở bên cạnh, đang ở trong ta và cười với ta. Trong ảo giác, chúng ta không nhận ra người đó và ta nói “anh không còn đây nữa.” Ta hỏi nhiều lần: “Anh đi đâu? Sao anh bỏ em lại một mình đây?” Chúng ta đau đớn vì chúng ta không hiểu. Đám mây không mất đi đâu cả. Người thương của ta cũng vậy. Đám mây biểu hiện ra trong các hình tướng khác. Người thương của ta biểu hiện ra một cách khác. Khi hiểu được như vậy, chúng ta bớt đau khổ đi nhiều.

Hiện ra trong hình tướng mới?

Khi chúng ta mất một người thương, chúng ta cần nhớ rằng người đó không thể biến thành hư vô được. Từ có không thể biến thành không. Từ không, không thể biến thành có. Khoa học giúp ta hiểu được điều này, vì vật chất không thể bị hủy diệt hoàn toàn, nó sẽ biến thành năng lượng. Và năng lượng cũng sẽ biến thành vật chất chứ không bị hủy diệt hết được. Cũng vậy, người thương của ta không thể bị hoại diệt, họ chỉ hiện ra dưới một hình tướng khác mà thôi. Họ có thể thành một đám mây, một em bé hay một cơn gió thoảng. Ta có thể nhận ra người thương trong mọi thứ, và ta có thể mỉm cười: “Người thương ơi, tôi biết người đang ở kế bên tôi, tôi biết bản chất của người là vô sinh bất diệt, tôi biết tôi không mất người đâu mà người luôn luôn ở bên tôi.”

Khi nhìn sâu vào đời sống hàng ngày từng giây phút, bạn sẽ thấy người đó. Thực tập như thế bạn sẽ hết khổ đau. Cha hay mẹ của bạn cũng vậy. Bản chất của họ là vô sinh bất diệt. Đó là bản chất không sống không chết, không đến cũng không đi. Sự thực, bạn không mất mát ai hết, kể cả những người đã chết rồi.

(Trích “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

×