Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 10

19/10/2021 3.402 lượt xem

5. TÀ KIẾN VỀ BỐN THỨ LUẬN THUYẾT ĐIÊN ĐẢO

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường về những gì mình thấy và biết. Người ấy rơi vào bốn thứ luận điên đảo, hư vọng suy lường chấp trước, ngụy biện về bất tử.

Một là người ấy quán sát cội gốc của sự biến hóa, thấy chỗ đổi dời, nên gọi là biến. Thấy chỗ tương tục, gọi là thường hằng. Thấy chỗ thấy được, gọi đó là sanh. Chỗ không thấy được, thì gọi là diệt. Chỗ các nhân tương tục, tánh không dứt đoạn, thì gọi là tăng. Chính trong tương tục, không xa lìa nhau, thì gọi là giảm. Chỗ mỗi mỗi sinh ra, thì gọi là có. Chỗ nương nhau hư hoại, thì gọi là không. Dùng lý quán sát, thấy đều do dụng tâm mà dẫn đến những kiến chấp sai biệt. Nếu có người đến cầu pháp, hỏi về nghĩa ấy thì đáp rằng ta cũng sinh, cũng diệt, cũng có, cũng không, cũng tăng, cũng giảm. Luôn luôn giải thích một cách càn loạn, khiến người nghe không thể hiểu được.

Hai là người ấy quán sát chân xác tâm mình, thấy hết thảy mọi thứ đều là không. Nhân nơi cái không mà có chứng đắc. Nên khi có người đến hỏi chỉ đáp một chữ không. Ngoài chữ không ra, không nói điều gì.

Ba là người ấy quán sát chân xác tâm mình, thấy hết thảy mọi thứ đều hiện hữu. Nhân nơi cái có mà chứng đắc. Nên khi người đến hỏi chỉ đáp một chữ có. Ngoài chữ có ra, không nói gì khác.

Bốn là người ấy chấp cả có và không. Do cảnh phân tán, tâm cũng tán loạn. Khi có người đến hỏi, thì đáp cũng có tức là cũng không; trong cái cũng không, chẳng phải là cũng có. Tất cả hoàn toàn càn loạn, khi suy xét kỹ lưỡng, thấy không thể nói hết được.

Do chấp trước càn loạn rỗng không này, người ấy rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ năm, lập bốn luận thuyết hư vọng, điên đảo biến kế, càn loạn bất tử.

6. TÀ KIẾN VỀ HỮU TƯỚNG

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm chấp đó là dòng sinh diệt vô tận, thì người ấy rơi vào tư tưởng điên đảo, cho rằng sau khi chết còn có tướng.

Hoặc tự củng cố thân mình, cho rằng sắc là ta. Hoặc thấy cái ta bao trùm khắp các cõi nước, cho rằng ta có sắc. Hoặc thấy các tiền trần kia, đều theo ta quay về, nên cho rằng sắc thuộc về ta. Hoặc cho rằng cái ta nương theo hành ấm mà tương tục, nên cho rằng ta ở trong sắc.

Từ tất cả kiến chấp này, đều cho rằng sau khi chết còn có tướng. Xoay vần như thế có 16 tướng.

Từ đó, chấp rằng rốt ráo phiền não, tột cùng bồ-đề, hai tánh ấy đều khu biệt, không mâu thuẫn nhau.

Do chấp sau khi chết vẫn còn hiện hữu, nên rơi vào ngoại đạo và trở nên mê mờ tánh bồ-đề. Đây là ngoại đạo thứ sáu, lập nên lý thuyết điên đảo, cho rằng trong ngũ ấm, sau khi chết có tướng.

7. TÀ KIẾN SAU KHI CHẾT KHÔNG CÒN SẮC TƯỚNG

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, khởi tâm suy lường về sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm đã được trừ diệt rồi, thì người ấy sẽ rơi vào tư tưởng điên đảo, cho rằng sau khi chết, không còn có tướng.

Thấy sắc ấm đã diệt, thân không còn chỗ y cứ. Quán sát tưởng ấm đã tiêu dung, thấy tâm không ràng buộc. Biết thọ ấm đã tiêu trừ, chẳng còn dính dáng vào đâu. Các ấm này đã tiêu tán, dù còn có lý sinh khởi, nhưng thọ ấm, tưởng ấmkhông còn nữa, nên hành giả cho rằng mình như cây cỏ.

Rồi nghĩ rằng, hiện tiền thể chất này còn không nắm bắt được, làm sao sau khi chết lại còn sắc tướng? Do nghiệm xét như thế, nên cho rằng sau khi chết không còn sắc tướng. Xoay vần như vậy, có tám thứ luận vô tướng.

Do đây, cho rằng niết-bàn nhân quả tất cả đều là không, chỉ có tên gọi, rốt ráo đều là đoạn diệt.

Do chấp sau khi chết không còn có tướng như vậy, nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây gọi là ngoại đạo thứ bảy, lập nên những thứ luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết không còn có tướng.

8. TÀ KIẾN PHỦ NHẬN CẢ CÓ VÀ KHÔNG CÓ TƯỚNG SAU KHI CHẾT

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, trong trạng thái hành ấm chưa tiêu dung, nhưng thọ ấm và tưởng ấm đã tiêu trừ, nếu khởi tâm chấp trước cả hai cái có và không, thì tự thể phá nhau. Người ấy rơi vào luận thuyết điên đảo, phủ nhận cả có, cả không còn gì tồn tại sau khi chết.

Thấy sắc ấm, thọ ấm , tưởng ấm có mà chẳng phải có. Xét trong dòng chuyển biến của hành ấm , thấy cái khôngchẳng phải là không.

Xoay vần như thế, cùng tột các ấm , lập thành tám tướng “chẳng phải có, chẳng phải không.” Gặp duyên gì cũng đều nói rằng sau khi chết là có tướng, không tướng. Lại thấy hành ấm thay đổi liên tục, tâm phát thông ngộ, chấp tất cả đều chẳng phải có, chẳng phải không

Do những kiến chấp sau khi chết “chẳng phải có, chẳng phải không” như thế mà đường sau mờ mịt, không còn lối đi. Nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là tà thuyết ngoại đạo thứ tám, lập luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết, chẳng phải có, chẳng phải không.

9. TÀ KIẾN VỀ ĐOẠN DIỆT

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, sinh tâm kế chấp sau nầy là không, người ấy rơi vào mê lầm với bảy luận thuyết đoạn diệt.

Hoặc chấp hết thân này là diệt, hoặc chấp hết ngũ dục là diệt, hoặc chấp hết khổ là diệt, hoặc chấp tột vui là diệt, hoặc chấp cực điểm của xả bỏ là diệt.

Xoay vần như thế, cùng tột đến bảy quan niệm chấp trước hiện tiền là tiêu diệt, đã diệt rồi thì không hồi phục lại nữa. Do chấp sau khi chết là đoạn diệt như thế, nên rơi vào ngoại đạo, lầm mất tánh bồ-đề. Đây là ngoại đạo thứ 9, lập nên những thứ luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, sau khi chết là đoạn diệt hẳn.

10. TÀ KIẾN VỀ NIẾT BÀN

Lại nữa các thiện nam tử đó, trong tam-ma-đề, chánh tâm đứng lặng sáng suốt, thiên ma không có cơ hội quấy phá. Trong nguồn gốc sâu xa phát sinh của muôn loài, quán xét cội gốc thường nhiễu động lăng xăng kia, sinh tâm kế chấp sau nầy là có. Người ấy rơi vào năm thứ luận về niết-bàn.

Hoặc xem Dục giới là chuyển y chân chánh, do thấy sáng suốt cùng khắp nên sanh tâm yêu thích. Hoặc nhận cõi Sơ thiền là nơi chuyển y chân chánh, do tâm không còn lo buồn. Hoặc nhận cõi Nhị thiền là chuyển y chân chánh, do tâm không khổ lụy nữa. Hoặc nhận Tam thiền, vì rất vui đẹp. Hoặc nhận Tứ thiền vì cả vui khổ thực sự tiêu vong, không còn chịu sinh diệt trong luân hồi nữa.

Mê chấp các cõi trời hữu lậu, phát khởi kiến giải vô vi, lầm sự an ổn năm chỗ ấy là nơi nương tựa thắng tịnh. Tuần hoàn rốt ráo trong năm chỗ như vậy .

Do kế chấp năm thứ niết-bàn hiện có như vậy, nên rơi vào ngoại đạo, mê mờ tánh bồ-đề. Đây là ngoại đạo thứ mười, lập nên những luận điên đảo, chấp trong ngũ ấm, có năm thứ niết-bàn hiện có.

LỜI KHUYÊN TỔNG KẾT CỦA ĐỨC THẾ TÔN VỀ CÁC TÀ KIẾN

A-Nan, tất cả mười thứ tri giải cuồng loạn trong thiền-na như thế, đều do tâm dụng công giao xen với hành ấm nên phát ra ngộ giải này.

Chúng sinh ngu mê, không tự suy xét được. Gặp phải cảnh ấy, nhận mê làm ngộ, nói rằng mình đã chứng thánh. Thành tội đại vọng ngữ, sẽ đọa vào ngục vô gián.

Sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên đem lời dạy của Như Lai truyền bá trong đời mạt pháp, khiến cho tất cả chúng sinh hiểu rõ nghĩa này. Đừng để cho tâm ma tự gây những tội chướng sâu nặng. Giữ gìn che chở cho chúng sanh tiêu trừ tà kiến.

Dạy cho họ giác ngộ đạo nghĩa chân thật. Nơi đạo vô thượng, không lạc vào đường tẻ. Đừng để cho chúng sinh hài lòng với chút ít hiểu biết rồi tự cho là đủ. Phải làm mẫu mực thanh tịnh của bậc Đại giác vương

Trang: 1 2 3 4

×