Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 3

12/10/2021 4.972 lượt xem

THẬP BÁT GIỚI

Nhãn Căn, Sắc Trần và Nhãn Thức

Lại nữa, A-Nan, thế nào mà 18 giới vốn là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng?

A-Nan, như ông đã rõ, nhãn căn và sắc trần làm duyên, phát sinh nhãn thức.

Thức đó nhân nơi nhãn căn mà sinh ra, lấy nhãn căn làm giới; hay nhân sắc trần mà sinh ra, lấy sắc trần làm giới?

A-Nan, nếu nhân nhãn căn phát sinh mà không có sắc trần và hư không thì không thể phân biệt được. Dù có thức của ông, thì dùng được vào việc gì?

Lại nữa cái thấy của ông, ngoài những sắc xanh vàng đỏ trắng thì không thể biểu hiện được. Vậy do đâu mà lập giới?

Nếu nhân sắc trần sinh ra, khi có hư không thì chẳng có sắc, lẽ ra cái thức của ông phải diệt. Làm sao thức ấy biết được tánh hư không?

Nếu khi sắc tướng biến đổi, ông cũng biết rằng sắc tướng ấy biến đổi. Nhưng cái thức của ông thì không biến đổi, thế do đâu mà giới được lập?

Nếu nhãn thức biến đổi khi sắc trần biến đổi, thì tự nhiên sắc trần không thành giới được. Nếu nhãn thức không biến đổi thì sẽ thường hằng, thức đã từ sắc sinh ra, lẽ ra nó phải không biết được hư không ở đâu.

Giả sử nhãn thức cùng phát sinh từ cả hai thứ nhãn căn và sắc trần, thì khi hợp lại, phải có một điểm nối ở giữa; khi rời ra thì phải còn một điểm tiếp giáp của hai bên. Như thế là thể tánh tạp loạn, làm sao thành giới?

Do vậy, ông nên biết nhãn căn và sắc trần làm duyên, sinh ra giới của nhãn thức. Cả ba chỗ nầy đều không thực có. “Nên cả ba giới của nhãn căn, sắc trần và nhãn thức đều vốn không phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.”

Nhĩ Căn, Thanh Trần và Nhĩ Thức

A-Nan, như ông đã rõ, nhĩ căn và thanh trần làm duyên, sinh ra nhĩ thức. Thức nầy do nhĩ căn sinh ra, lấy nhĩ căn làm giới; hay do thanh trần sinh ra, lấy thanh trần làm giới?

A-Nan, nếu nhĩ thức do nhĩ căn sinh ra, mà không có hai tướng động tĩnh hiện tiền, thì nhĩ căn cũng không có cái biết. Mà đã không biết gì, cái biết còn không thành, thì thức có hình tướng gì?

Nếu cho rằng tai nghe, vậy khi không động tĩnh, cái nghe cũng không thành. Làm sao mà lỗ tai, chỉ là hình sắc, tiếp xúc với trần cảnh để được gọi là thức giới. Vậy giới nhĩ thức do đâu mà lập?

Nếu nhân thanh trần mà sinh, thì nhĩ thức cũng nhân thanh trần mà có, ắt không dính líu gì đến cái nghe. Không nghe thì cũng không biết các tướng thanh trần ở đâu.

Giả sử nhĩ thức do thanh trần sinh ra, dù cho thanh trần nhân cái nghe mà có tướng, thì cái nghe lẽ ra phải nghe được nhĩ thức.

Nếu không nghe được nhĩ thức, thì thanh trần không phải là giới của nhĩ thức. Nếu nghe được thì nhĩ thức đồng như thanh trần. Nhĩ thức đã bị nghe, thì lấy gì để biết là nghe được cái thức? Còn nếu không biết, thì rốt ráo cũng như cây cỏ.

Không lẽ thanh trần và cái nghe xen tạp thành giới ở giữa? Không có vị trí của giới ở giữa, thì các tướng trong ngoài làm sao mà lập được?

Do vậy nên biết, nhĩ căn và thanh trần làm duyên, sinh ra giới nhĩ thức. Cả ba chỗ nầy đều không thực có. Nên cả ba giới của nhĩ căn, thanh trần và nhĩ thức đều vốn không phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

Tị Căn, Hương Trần và Tị Thức

A-Nan, như ông đã, tị căn và hương trần làm duyên, sinh ra tị thức rõ. Thức nầy do tị căn sinh ra, lấy tị căn làm giới; hay do hương trần sinh ra, lấy hương trần làm giới?

A-Nan, nếu tị thức nhân tị căn sinh ra, Ông lấy cái mũi thịt có hình tướng như hai móng tay, hay lấy cái tánh biết ngửi khi mũi lay động làm tị căn?

Nếu nhận hình tướng mũi thịt, thì chất thịt là thân căn; thân biết tức là cảm xúc. Đã gọi thân căn thì không phải tị căn, đã gọi là cảm xúc tức là xúc trần đối với thân căn. Vậy tị căn còn không có tên gọi, làm sao lập thành giới?

Nếu lấy cái ngửi biết làm tị căn, thì trong tâm ông lấy cái gì làm cái nhận biết? Nếu lấy mũi thịt làm cái nhận biết, thì cái biết của chất thịt vốn là xúc trần chứ không phải là của tị căn.

Nếu lấy hư không làm cái ngửi biết, thì hư không tự biết, còn xác thịt lẽ ra không biết. Như thế, lẽ ra hư không là ông. Thân của ông mà ông không biết, thì A-Nan hiện nay lẽ ra cũng không tồn tại.

Nếu lấy hương làm cái ngửi biết, thì cái ngửi biết thuộc về hương trần, có can dự gì đến ông?

Nếu các mùi thơm thối sinh ra do tị căn của ông, thì hai mùi thơm thối kia không sinh ra do cây y lan và cây chiên đàn. Mùi hương từ hai cây đó không đi đến mũi ông, ông tự ngửi mũi ông để biết là thơm hay thối. Nếu thối thì không phải thơm, thơm thì không phải thối.

Nếu cả hai mùi thơm thối đều ngửi được cả, thì một mình ông phải có hai tị căn, ở trước tôi hỏi đạo phải có hai ông A-Nan. Vị nào là tự thể của ông?

Còn nếu tị căn là một, thì thơm thối không hai. Thối đã thành thơm, thơm đã thành thối. Hai tánh đó đã không có, giới do đâu mà lập?

Nếu tị thức nhân hương trần mà sinh, thì tị thức đã nhân hương trần mà có. Cũng như con mắt thấy, nhưng không thể nào thấy được chính nó. Tị thức nhân hương trần mà có, lẽ ra không biết được hương trần.

Nếu biết được hương trần, thì không phải do hương trần sinh ra. Nếu không biết được hương trần, thì không phải là tị thức. Hương trần mà không biết có tánh ngửi, thì hương giới không thành. Tị thức mà không biết hương trần, thì giới của nó ắt không phải do hương trần lập nên.

Đã không có thức trung gian thì nội căn ngoại trần cũng không thành, và những điều ngửi biết kia, tất cả đều là hư vọng.

Vậy nên biết rằng tị căn, hương trần làm duyên, sinh ra giới tị thức. Cả ba chỗ đều không. Cả ba giới của tị căn, hương trần, và tị thức đều vốn không phải tánh nhân duyên, cũng không phải tánh tự nhiên.

Thiệt Căn, Vị Trần và Thiệt Thức

A-Nan, như ông đã rõ, thiệt căn và vị trần làm duyên, sinh ra thiệt thức. Thức nầy lại nhân thiệt căn sinh ra, lấy thiệt căn làm giới; hay nhân vị trần sinh ra, lấy vị trần làm giới?

A-Nan, nếu nhân thiệt căn sinh ra, thì trong thế gian, các loại mía (ngọt), mơ (chua), hoàng liên (đắng), muối (mặn), tế tân, gừng quế (cay), đều không có vị. Ông hãy tự nếm lưỡi mình xem là ngọt hay đắng?

Nếu thấy lưỡi đắng, thì lấy gì để nếm được lưỡi? Lưỡi đã không tự nếm được, lấy gì để mà hay biết? Còn nếu lưỡi không đắng, thì vị trần vốn không tự sinh, làm sao mà lập thành giới?

Nếu nhân vị trần sinh ra, thì thiệt thức đã là vị rồi, nó cũng giống như thiệt căn, lẽ ra không tự nếm được. Làm sao còn biết là có vị hay không có vị?

Lại tất cả các vị không phải do một vật sinh ra. Các vị đã do nhiều vật sinh ra, thì thiệt thức cũng phải có nhiều tự thể.

Nếu tự thể của thiệt thức là một và thể đó thật do vị trần sinh ra, thì các vị mặn nhạt chua cay cùng hòa hợp mà sinh ra, các vị khác nhau ấy sẽ biến thành chỉ cùng một vị, lẽ ra phải không có sự phân biệt.

Không có phân biệt thì không được gọi là thức. Làm sao còn gọi là thiệt, vị và thức giới?

Chẳng lẽ hư không sinh ra tâm thức ông?

Nếu thiệt căn và vị trần hòa hợp thì giữa nó vốn không tự tánh. Làm sao giới được sinh ra?

Vậy nên biết rằng thiệt căn, vị trần làm duyên, sinh ra giới thiệt thức. Cả ba chỗ đều không. Cả ba giới của thiệt căn, vị trần, và thiệt thức đều vốn không phải tánh nhân duyên, cũng không phải tánh tự nhiên.

Thân Căn, Xúc Trần và Thân Thức

A-Nan, như ông đã rõ, thân căn và xúc trần làm duyên, sinh ra thân thức. Thức nầy lại nhân thân căn sinh ra, lấy thân căn làm giới; hay nhân xúc trần sinh ra, lấy xúc trần làm giới?

A-Nan, nếu do thân căn sinh ra, ắt là không có cái biết về hai duyên hợp và ly, thì thân căn còn biết được gì?

Nếu nhân xúc trần sinh ra, ắt không cần đến thân của ông. Lẽ nào không có thân mà biết được hợp ly?

A-Nan, vật thì không biết cảm xúc, thân căn có biết, nên có cảm xúc. Những gì thân biết được chính là xúc trần, những gì biết được về xúc trần chính là thân căn. Đã là cảm xúc thì không phải thân căn, mà đã là thân căn thì không phải cảm xúc.

Cả hai tướng thân căn và xúc trần vốn không có xứ sở. Nếu xúc trần hợp với thân căn, tức là tự thể của thân căn. Còn nếu rời hẳn thân căn, thì cũng như các tướng hư không.

Trong ngoài đã không thành, làm sao mà thức lập được ở giữa? Giữa đã không lập được, thân thức ông sinh ra, do đâu mà lập thành giới?

Vậy nên biết rằng thân căn, xúc trần làm duyên, sinh ra giới thân thức. Cả ba chỗ đều không. Cả ba giới của thân căn, xúc trần, và thân thức đều vốn không phải tánh nhân duyên, cũng không phải tánh tự nhiên.

Ý Căn, Pháp Trần và Ý Thức

A-Nan, như ông đã rõ, ý căn và pháp trần làm duyên, sinh ra ý thức.

Thức nầy lại nhân ý căn sinh ra, lấy ý căn làm giới; hay nhân pháp trần sinh ra, lấy pháp trần làm giới?

A-Nan, nếu nhân ý căn sinh ra, thì trong ý ông, chắc phải có chỗ suy nghĩ mới phát ra được ý ông. Nếu không có các pháp trần, thì ý căn không sinh ra cái gì cả. Rời các pháp trần, ý căn sẽ không có hình tướng, lấy ý thức dùng vào việc gì?

Lại nữa, thức tâm của ông với các thứ suy nghĩ, cùng tánh rõ biết phân biệt, là đồng hay khác? Nếu đồng với ý căn thì nó tức là ý căn. Sao lại do ý căn sinh ra? Nếu khác, không đồng như ý căn, thì lẽ ra sẽ không biết gì. Nếu không biết gì, thì làm sao mà do ý căn sinh ra? Còn nếu có biết, thì làm sao lại phân ra ý thức và ý căn? Chỉ hai tánh đồng và khác mà không thành, thì làm sao lập giới?

Nếu nhân pháp trần sinh ra, thì các pháp trong thế gian, không ngoài năm trần. Ông hãy xem các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc, có tướng trạng rõ ràng đối với năm căn, đều không thuộc về phần thu nhiếp của ý căn.

Nếu ý thức của ông thực là nương nơi pháp trần mà sinh ra, thì nay ông xét kỹ từng pháp xem nó có hình trạng như thế nào.

Nếu rời hẳn các tướng sắc không, động tĩnh, thông tắc, hợp ly, sinh diệt thì rốt ráo không có một pháp nào cả.

Nếu sinh thì các pháp sắc không cũng đều sinh ra, nếu diệt thì các pháp sắc không cũng đều diệt. Các nguyên nhân đã không thành thì cái thức do nó sinh ra sẽ có hình tướng gì? Tướng trạng đã không có thì giới do đâu mà sinh?

Vậy nên biết rằng ý căn, pháp trần làm duyên, sinh ra giới ý thức. Cả ba chỗ đều không. Cả ba giới của ý căn, pháp trần, và ý thức đều vốn không phải tánh nhân duyên, cũng không phải tánh tự nhiên.

Trang: 1 2 3 4 5 6

×