KHÔNG, THỨC & KIẾN ĐẠI
A-Nan, kiến giác không tự nhận thức được, nhân các thứ sắc không mà hiện hữu. Như ông nay đang ở trong vườn Kỳ-đà, sớm mai thấy sáng, chiều hôm thấy tối, nếu lúc nửa đêm, trăng tròn thì sáng, không trăng thì tối. Những tướng sáng tối ấy, do cái thấy phân tích ra được.
A-Nan, nếu cái thấy đó cùng với sáng tối và hư không là một thể hay chẳng phải một thể? Hoặc đồng chẳng đồng? Hoặc khác chẳng khác?
A-Nan, nếu cái thấy đó cùng với sáng, tối và hư không vốn là một thể, thì cái sáng cái tối sẽ tiêu diệt lẫn nhau. Khi tối thì chẳng sáng, khi sáng thì chẳng tối. Nếu cái thấy cùng một thể với cái tối, thì khi sáng, cái thấy phải biến mất. Nếu cái thấy cùng một thể với cái sáng, thì khi tối, cái thấy phải biến mất. Đã diệt rồi, làm sao thấy được sáng tối? Còn nếu sáng tối khác nhau, cái thấy thì chẳng sinh diệt, làm sao thành một thể được?
Nếu cái thấy đó không đồng một thể với sáng và tối, thì ngoài cái sáng tối và hư không ra, ông hãy phân tích tánh thấy có hình tướng gì?
Rời cái sáng, tối và hư không ra, tánh thấy đó cũng đồng như lông rùa sừng thỏ. Sáng, tối và hư không, ba cái đều khác biệt, do đâu mà lập thành cái thấy?
Sáng tối nghịch nhau, làm sao nói đồng được. Lìa ba thứ vốn chẳng có, làm sao nói khác được?
Bên hư không, bên cái thấy, vốn không có bờ mé, sao lại chẳng đồng? Thấy cái tối, thấy sáng, tánh chẳng dời đổi, sao lại chẳng khác?
Ông hãy xét cho kỹ, suy gẫm từng chi tiết, quán sát cho tường tận. Sáng là do mặt trời, tối là do đêm không trăng, thông suốt thuộc hư không, bưng bít thuộc đất liền. Như vậy tánh thấy nhân đâu mà ra?
Cái thấy thì có biết , hư không thì chẳng hay biết, chẳng hòa chẳng hợp. Không lẽ tánh thấy chẳng do đâu mà tự có?
Nếu như các sự thấy, nghe, hay, biết, bản tánh viên mãn cùng khắp, vốn không lay động; thì nên biết kiến đại cùng với hư không vô biên chẳng dao động và bốn thứ vốn lay động là địa, thủy, hỏa, phong, gọi là sáu đại, vốn thật viên dung, đều là tánh Như Lai tạng, vốn không sinh không diệt.
A-Nan, tánh ông chìm đắm, không ngộ được tánh thấy, nghe, hay, biết của chính ông vốn là Như Lai tạng. Ông hãy xem xét thử tánh thấy, nghe, hay, biết đó là sinh hay diệt, là đồng hay khác, là chẳng sinh diệt, là chẳng đồng chẳng khác?
Ông chưa từng biết, trong Như Lai tạng, tánh thấy là giác ngộ sáng suốt, tánh giác ngộ là cái thấy sáng suốt, vốn tự nhiên thanh tịnh, cùng khắp pháp giới.
Biến hiện tùy theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh. Như ở nhãn căn, cái thấy trùm khắp pháp giới. Tánh biết nghe, ngửi, biết nếm, biết xúc chạm, tánh nhận biết các pháp, có công năng, diệu dụng rõ ràng cùng khắp, viên mãn mười phương pháp giới, đâu có xứ sở.
Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.
A-Nan, tánh của thức đại không có nguồn gốc, duyên theo sáu căn trần hư vọng mà có. Nay ông nhìn khắp thánh chúng trong hội nầy, khi mới dùng mắt xem qua; nhìn chung, chỉ thấy như bóng trong gương, chưa phân tích rõ được.
Rồi trong tâm thức ông, theo thứ tự chỉ ra, đây là Văn-thù, Phú-lâu-na, đây là Mục-kiền-liên, đây là Tu-bồ-đề. Thức nhận biết đó sinh ra do cái thấy, do các tướng, do hư không hay không nhân gì cả mà đột nhiên sinh ra?
A-Nan, nếu thức tánh của ông sinh ra do cái thấy, mà không có bốn tướng sáng tối, cùng sắc không, thì chắc không có được cái thấy. Tánh thấy còn không có, do đâu phát sinh ra thức?
Nếu cái Thức của ông sanh ra do các tướng, chứ không do cái Thấy, thì không thấy được cái sáng cũng chẳng thấy được cái tối. Sáng tối đã không thấy thì cũng không có Sắc Không. Các tướng kia còn không có thì cái Thức do đâu mà phát sanh ?
Nếu thức sinh ra do hư không, chẳng phải sắc tướng, chẳng phải cái thấy. Nếu chẳng phải là cái thấy thì không thể phân biệt, vốn tự không biết được các tướng sáng tối và sắc không. Nếu chẳng có sắc tướng thì sở duyên tự diệt mất, nên kiến văn giác tri chẳng có nơi an lập.
Giữa hai thứ chẳng phải nêu trên, nếu ‘không’ thì tâm thức đồng như chẳng có, nếu ‘có’ thì tâm thức đồng như các vật. Dù cho phát ra tâm thức của ông thì nó sẽ phân biệt được gì?
Nếu thức không do đâu mà phát sinh, tại sao không phân biệt được ánh trăng lúc ban ngày ?
Ông phải suy xét thật kỹ, quán sát thật tường tận. Cái thấy phải nương nhờ con mắt ông, sắc tướng là cảnh của tiền trần. Những gì có tướng mới thành có, chẳng có tướng ắt thành không. Cái thức như vậy, do đâu mà có?
Thức thì linh động, cái thấy trong lặng, chẳng hòa chẳng hợp. Tánh ngửi, tánh nghe và tánh hay biết cũng đều như vậy. Chẳng lẽ tâm thức không do đâu mà có?
Nếu thức ấy chẳng do đâu sinh ra, thì nên biết tác dụng của kiến văn giác tri vốn vắng lặng cùng khắp, tánh chẳng do đâu mà có. Hai đại ấy (thức đại và kiến đại) cùng với hư không, địa, thủy, hỏa, phong, đều gọi là bảy đại, tánh thật viên dung, đều là tánh Như Lai tạng,
A-Nan, tâm ông nông cạn, không ngộ được cái kiến văn, không rõ được cái giác tri vốn là tánh Như Lai tạng. Ông nên quán sát sáu chỗ thức tâm nầy là đồng hay khác, là không hay là có, là chẳng đồng chẳng khác, là chẳng không chẳng có?
Ông vốn không biết, trong Như Lai tạng tánh của thức là rõ biết sáng suốt, tánh giác ngộ sáng suốt chính là chơn thức. Bản giác trong sáng nhiệm mầu, vắng lặng cùng khắp pháp giới.
Bao gồm và hiển bày trong khắp mười phương hư không, đâu có phương hướng xứ sở?
Chỉ tùy theo nghiệp mà hiện bày ra, thế gian không biết lầm cho là tánh Nhân Duyên hay tánh Tự Nhiên, đều là sự phân biệt, so lường của thức tâm, chỉ có lời nói, danh tự, toàn không có thật nghĩa.