Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 3

12/10/2021 5.631 lượt xem

THẬP NHỊ XỨ

Cái Thấy và Sắc Trần

Lại nữa, A-Nan, vì sao bản tánh của 12 xứ vốn là tánh chân như nhiệm mầu của Như Lai tạng?

A-Nan, ông hãy xem rừng cây Kỳ-đà và các suối hồ nầy.

Ý ông nghĩ sao. Có phải những sắc trần nầy sinh ra cái thấy, hay cái thấy sinh ra sắc tướng?

A-Nan, nếu cái thấy sinh ra sắc tướng, thì khi thấy hư không chẳng có sắc tướng, lẽ ra tánh thấy sinh ra sắc tướng đã tiêu mất rồi. Đã tiêu mất thì hiển bày rõ hết thảy đều không. Sắc tướng đã không, thì lấy gì rõ bày tướng không? Đối với hư không cũng lại như vậy.

Lại nữa nếu sắc trần sinh ra cái thấy, khi thấy hư không chẳng có sắc tướng, thì cái thấy liền bị tiêu mất. Tiêu rồi thì tất cả đều không, còn ai để rõ được không và sắc tướng?

Do vậy nên biết rằng cái thấy cùng sắc không đều chẳng có nơi chốn. Tức là sắc trần cùng với cái thấy, hai xứ đó đều là hư vọng không thật, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

Cái Nghe và Thanh Trần

A-Nan, ông hãy nghe trong vườn Kỳ-đà nầy, khi bữa ăn được bày dọn xong thì đánh trống, đại chúng sẽ nhóm lại khi nghe tiếng chuông. Tiếng chuông trống trước sau theo nhau.

Ý ông nghĩ sao? Như thế là âm thanh đến bên cái nghe, hay cái nghe đến chỗ âm thanh?

A-Nan, nếu như âm thanh đến bên cái nghe, như khi Như Lai khất thực trong thành Thất-la-phiệt, thì ở rừng Kỳ-đà ắt là không có Như Lai, Âm thanh đó đã đến bên cái nghe của A-Nan, thì lẽ ra ông Mục-kiền-liên, ông Ca-diếp đều không cùng nghe được. Huống gì trong đây có đến 1250 sa-môn, một khi nghe được tiếng chuông, họ đều cùng đến trai đường cả.

Lại nếu như cái nghe của ông đến bên âm thanh, cũng như khi Như Lai về ở trong rừng Kỳ-đà rồi, thì trong thành Thất-la-phiệt ắt là không có Như Lai nữa. Vậy khi ông nghe tiếng trống, cái nghe của ông đã đến nơi tiếng trống rồi, thì khi tiếng chuông cùng phát ra, lẽ ra ông không thể nghe được cả hai thứ, huống gì ông còn nghe được cả tiếng voi, ngựa, trâu, dê và nhiều thứ âm thanh khác quanh ông.

Còn nếu (cái nghe) không chạy đi chạy lại, thì cũng không có cái nghe.

Do vậy nên biết rằng cái nghe và âm thanh đều không có nơi chốn; tức cái nghe và thanh trần hai thứ đều là hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Cái Ngửi và Hương Trần

A-Nan, ông hãy ngửi mùi hương chiên đàn trong lò, hương ấy nếu đốt đến một thù, thì cả thành Thất-la-phiệt trong khoảng 40 dặm đều ngửi được mùi thơm.

Ý ông nghĩ như thế nào? Mùi hương ấy sinh ra do cây chiên đàn, do nơi mũi ông hay do hư không?

A-Nan, nếu như mùi hương ấy sinh ra do từ mũi ông, nói do mũi sinh ra thì hương phải từ mũi phát ra, mà lỗ mũi không phải là chiên-đàn, làm sao trong mũi lại có hương chiên-đàn? Còn nói rằng ông ngửi được mùi hương thì mùi thơm phải đi vào trong mũi ông. Còn như trong mũi đã phát ra mùi hương, mà nói do mũi ngửi được thì không đúng nghĩa.

Nếu mùi hương sinh ra từ hư không, thì tánh của hư không là thường hằng, nên lẽ ra mùi hương cũng phải thường có, đâu cần phải nhờ đốt gỗ chiên-đàn trong lò mới có mùi hương?

Nếu mùi hương sinh ra từ gỗ chiên-đàn, thì mùi hương ấy nhân đốt mà thành khói. Nếu lỗ mũi ngửi được, thì lẽ ra khói phải xông đến lỗ mũi; làm sao khói đó xông vào không trung chưa được bao xa, mà trong 40 dặm đều ngửi được cả?

Thế nên biết rằng hương trần và cái ngửi đều không có nơi chốn. Tức là nơi phát sinh cái ngửi và hương trần đều là hư vọng, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

Cái Lưỡi và Vị Trần

A-Nan, ông thường ở trong chúng, hai thời mang bình bát khất thực. Trong đó, khi gặp tô, lạc, đề hồ, gọi là những món quý.

Ý ông nghĩ thế nào? Vị ấy sinh ra do trong hư không, do nơi lưỡi hay do thức ăn?

Lại nữa A-Nan, nếu vị ấy sinh ra do lưỡi của ông, thì trong miệng ông chỉ có một cái lưỡi; cái lưỡi ấy bấy giờ đã thành vị tô rồi, nếu gặp đường phèn, lẽ ra cái vị phải không thay đổi.

Nếu không dời đổi, thì không được gọi là biết vị. Còn nếu dời đổi, thì lưỡi không có nhiều tự thể, làm sao một lưỡi mà biết nhiều vị được?

Nếu sinh ra do thức ăn, thì thức ăn không có tri giác, làm sao tự biết được vị? Còn nếu thức ăn tự biết, Tức giống như người khác ăn, có dính dáng gì đến ông?

Nếu sinh ra do hư không, thì ông hãy nếm hư không xem nó có vị gì? Nếu hư không có vị mặn, thì nó đã làm mặn cái lưỡi của ông, và cũng làm mặn cái mặt của ông; ắt mọi người trong cõi giới nầy cũng giống như cá biển, đã thường chịu cái mặn, không còn biết thế nào là mặn nữa. Nếu đã không biết nhạt, thì cũng không biết mặn; làm sao được gọi là biết vị?

Vậy nên biết rằng mùi vị và cái lưỡi biết nếm đều là không có xứ sở. Tức là tánh biết nếm cùng với mùi vị, hai thứ đều là hư vọng, không thật; vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Cái Thân và Xúc Trần

A-Nan, ông thường mỗi sáng, lấy tay xoa đầu.

Ý ông nghĩ sao? Trong sự biết xoa ấy, lấy gì làm biết cảm xúc? Cái biết ấy do nơi tay hay nơi đầu?

Nếu nó ở nơi tay, ắt là đầu không biết, thì làm sao thành cảm xúc ấy? Còn nếu nó ở nơi đầu, ắt là tay vô dụng, làm sao gọi là cảm xúc được?

Nếu cả đầu và tay, mỗi cái đều có biết; thì A-Nan, một mình ông có đến hai thân.

Nếu đầu và tay đều do một cảm xúc sinh ra, thì tay và đầu lẽ ra chỉ có một tự thể. Nếu chỉ có một tự thể, thì không thành cảm xúc được.

Còn nếu là hai thể, thì cảm xúc do ở đâu? Nếu ở bên năng thì không có bên sở, nếu ở bên sở thì không có bên năng. Không lẽ giữa hư không và ông mà tạo thành cảm xúc?

Vậy nên biết rằng cảm xúc và thân đều không xứ sở. Tức là thân biết cảm xúc và cái cảm xúc, cả hai đều là hư vọng, không thật, vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

Cái Ý và Pháp Trần

A-Nan, trong tâm ý ông thường duyên với ba tánh: thiện, ác, vô ký; khiến sinh ra các pháp tắc.

A-Nan, nhược tức tâm giả, pháp tắc phi trần, phi tâm sở duyên, vân hà thành xứ?

Nếu rời tâm mà riêng có một chỗ riêng biệt, thì tự tánh của pháp trần là biết hay không biết?

Nếu có biết thì gọi là tâm, nhưng nếu nó khác với ông và không phải là trần cảnh thì cũng như tâm của người khác. Còn nếu nó tức là ông và cũng là tâm, thì làm sao cái tâm nơi ông lại thành hai được?

Lại nếu như không có biết, ly, hợp, lạnh, nóng và tướng hư không, thì nó sẽ ở chỗ nào?

Nay nơi sắc không, chẳng thể nào chỉ nó ra được. Không lẽ trong nhân gian lại có cái ngoài hư không? Chẳng có cảnh sở duyên, thì ý căn do đâu mà lập thành một xứ được?

Vì vậy nên biết pháp trần cùng ý căn đều không có xứ sở; tức ý căn cùng với pháp trần, hai xứ đều là hư vọng, không thật; vốn không phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

Trang: 1 2 3 4 5 6

×