Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 5

14/10/2021 4.888 lượt xem

Vậy nay chính ông ngay nơi tri kiến, lập nên tướng tri kiến, đó tức là cội gốc vô minh. Chính nơi tri kiến, không có tướng tri kiến, thì đó là vô lậu chân tịnh niết-bàn. Làm sao trong ấy còn có vật gì khác? Bây giờ Đức Thế Tôn muốn lập lại nghĩa nầy, nên nói kệ rằng:

Trên phương diện chân tánh, các pháp hữu vi là không.
Vì duyên sanh, nên chúng như huyễn.
Vì các pháp là vô vi, nên chẳng sinh chẳng diệt.
Chúng chẳng có thực, như hoa đốm giữa hư không.

Nói vọng để hiển bày cái chơn.
Vọng chơn đều là vọng.
(Chân lý) Vốn chẳng phải chơn lẫn chẳng phải phi chơn.
Làm sao có năng kiến, sở kiến?

(Thức) ở giữa (căn và trần), không có thật tánh.
Thế nên chúng giống như bó lau gác vào nhau.
Buộc và mở cùng một sở nhân.
Thánh và phàm chẳng phải hai đường.

Ông hãy xem tánh chất giữa các cọng lau giao nhau,
Đó chẳng phải là không và có.
Mê mờ nghĩa ấy, tức vô minh.
Hiểu ra nghĩa đó, tức là giải thoát.

Mở nút phải theo thứ lớp.
Khi sáu nút đã được mở, thì một cũng không còn.
Nơi các căn, hãy chọn tánh viên thông.
Được vào dòng , tức thành chánh giác.

Thức A-đà-na rất vi tế.
(Khiến cho) tập khí chảy như dòng nước xiết.
E rằng sẽ lầm đó là chơn hay phi chơn
Nên Như Lai thường không nói đến.

Tự tâm chấp lấy tự tâm.
Vốn không phải huyễn, lại thành pháp huyễn.
Chẳng thủ trước, thì chẳng có gì là phi huyễn.
Phi huyễn còn chẳng sinh,

Pháp huyễn làm sao lập?
Đó gọi là Diệu Liên Hoa
Kim Cang Vương Bảo Giác
Như huyễn tam-ma-đề,

Trong khoảnh khắc, vượt hàng vô học.
Pháp A-tỳ-đạt-ma nầy,
Chính là con đường duy nhất dẫn đến niết-bàn,
Mà các Đức Thế Tôn (Bạc-già-phạm) trong mười phương đồng tu tập.

Lúc ấy A-Nan và đại chúng nghe lời dạy từ bi vô thượng của Như Lai, qua bài kệ tụng tinh tuý, diệu lý rõ ràng thông suốt, nên tâm được khai ngộ, đồng tán thán là việc chưa từng có.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8

×