VIÊN THÔNG NĂM CĂN
1. VIÊN THÔNG NHÃN CĂN
A-Na-Luật-Đà
A-na-luật-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng: “Khi mới xuất gia con thường thích ngủ. Như Lai quở trách con là loài súc sinh. Con nghe Phật mắng, khóc thầm tự trách mình, suốt bảy ngày đêm không ngủ, bị mù hai mắt.”
Thế Tôn dạy con tu pháp nhạo kiến chiếu minh kim cang tam-muội. Con bị mù mắt, nhưng thấy mười phương rỗng suốt tinh tường như thấy trái cây trong lóng bàn tay. Như Lai ấn chứng cho con đạt quả vị A La Hán.
Đức Phật hỏi về viên thông, như chỗ sở chứng của con, xoay cái thấy trở về căn nguyên, đó là pháp môn hay nhất.
2. VIÊN THÔNG TỊ CĂN
Châu-Lợi Bàn-Đặc-Ca
Châu-lợi Bàn-đặc-ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật và bạch Phật rằng:
Con không có khả năng trì tụng, không có khiếu đa văn. Khi mới được gặp Phật, nghe pháp xuất gia, con cố nhớ một câu kệ của Như Lai, nhưng trong 100 ngày, nhớ trước quên sau, nhớ sau quên trước.
Đức Phật thương con ngu muội, dạy con pháp an cư, điều hoà hơi thở ra vào. Con quán sát hơi thở của con đến chỗ rốt ráo, từng chi tiết của các hạnh sinh, trụ, dị, diệt trong từng sát-na.
Tâm con bỗng nhiên đạt được đại vô ngại, cho đến hết sạch các lậu hoặc, thành A La Hán. Trước pháp toà của Phật, con được ấn chứng là bậc vô học.
Đức Phật hỏi về viên thông, như điều chứng được của con, quay hơi thở trở về với tánh không, đó là phương pháp hay nhất.
3. VIÊN THÔNG THIỆT CĂN
Kiều-Phạm-Bát-Đề
Kiều-phạm-bát-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi bạch Phật rằng, “Con bị khẩu nghiệp, khinh chê một vị sa-môn trong thời quá khứ, nên đời đời mắc bệnh nhai lại như bò.”
Như Lai dạy con pháp môn nhất vị thanh tịnh tâm địa. Con đạt được chỗ tận diệt tâm phân biệt, nhập vào được tam-ma-đề. Quán sát tánh biết của vị, nó vốn chẳng phải thể, chẳng phải vật. Ngay đó siêu việt các lậu hoặc thế gian.
Bên trong thân tâm giải thoát, bên ngoài rời bỏ thế giới, xa lìa ba cõi như chim sổ lồng. Rời hết cấu nhiễm, tiêu diệt trần tướng nên pháp nhãn thanh tịnh, thành A La Hán. Như Lai ấn chứng cho con đạt đạo vô học.
Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, trả tánh của vị về khỏi sự phân biệt, xoay tánh biết về với tự tánh, đó là điều tốt nhất.
4. VIÊN THÔNG THÂN CĂN
Tất-Lăng-già Bà-Ta
Tất-Lăng-Già Bà-Ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng:
Khi con vừa mới phát tâm xuất gia theo Phật nhập đạo, thường nghe Thế Tôn dạy về những điều trên thế gian không thể đem lại niềm vui. Có lần con đang khất thực trong thành, tâm đang quán chiếu vào pháp môn nầy, đột nhiên giữa đường bị gai độc đâm vào chân. Toàn thân đau nhức. Tâm con biết mình biết có cái đau ấy, nhưng biết rõ tự tâm vốn thanh tịnh, không có cái đau và cái biết đau.
Con lại suy nghĩ, một thân nầy lẽ ra phải có hai cái biết? Nhiếp niệm chưa lâu, thân tâm bỗng nhiên rỗng lặng. Trong hai mươi mốt ngày, các lậu hoặc dứt sạch, thành bậc A La Hán. Được Phật ấn chứng là bậc vô học.
Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, thìthuần tịnh cái tánh biết, quên bẵng thân thể, là điều tốt nhất.
5. VIÊN THÔNG VỀ Ý CĂN
Tu-Bồ-Đề
Tu-bồ-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng, “Con từ nhiều kiếp đến nay, tâm đạt được vô ngại, tự nhớ rằng mình đã thọ sanh nhiều đời như cát sông Hằng. Lúc còn trong thai mẹ, đã biết tánh không tịch. Như thế cho đến mười phương đều rỗng lặng và cũng khiến cho chúng sinh chứng được tánh không.”
Nhờ được Như Lai chỉ bày cho tánh giác vốn là rỗng lặng, nên tánh không được viên minh. Nhờ đó con chứng được A La Hán, liền thể nhập vào Bảo minh không hải của Như Lai, Tri kiến của con được đồng như Phật, được Phật ấn chứng thành bậc vô học. Trong sự giác ngộ về tánh không, con được viên mãn nhất.
Đức Phật hỏi về viên thông, như sở chứng của con, các tướng đều nhập vào phi tướng, năng phi, sở phi đều tận diệt, xoay các pháp về chỗ rỗng lặng, đó là thù thắng nhất.