Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 5

14/10/2021 5.864 lượt xem

SÁU NÚT

A-Nan chắp tay đảnh lễ bạch Phật: “Con nay nghe Phật mở lòng vô giá đại bi dạy cho chúng con những lời pháp chân thật, thanh tịnh diệu thường. Nhưng tâm chúng con còn chưa được rõ mở từng nút theo thứ lớp, chưa rõ mở sáu nút thì một cũng không còn. Xin Đức Phật lại mở lòng từ bi, thương xót hội chúng nầy và những chúng sinh trong đời sau, mà ban bố cho pháp âm, để rửa sạch những cấu nhiễm sâu dày của chúng con.”

Liền khi ấy từ toà sư tử, Như Lai chỉnh y niết-bàn tăng, vén y tăng-già-lê, vịn vào bàn thất bảo, tay cầm lên chiếc khăn hoa kiếp-ba-la do chư thiên dâng cúng.

Đức Phật ở trước đại chúng, (từ chiếc khăn) cột thành một nút, đưa cho A-Nan xem và Phật hỏi rằng: “Đây là cái gì?”

A-Nan và đại chúng đồng bạch Phật rằng: “Đó gọi là nút thắt.”

Đức Phật cột nút khác và hỏi A-Nan, “Đây là cái gì?”

A-Nan và đại chúng lại đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”

Đức Phật tuần tự cột từng nút như vậy trên chiếc khăn hoa, tổng cộng thành sáu nút. Mỗi khi cột xong một nút, đều đưa lên hỏi A-Nan rằng Đây là cái gì?”

A-Nan và đại chúng cũng tuần tự đồng bạch Phật rằng, “Đó gọi là nút thắt.”

Đức Phật bảo A-Nan: “Khi Như Lai mới cột khăn lại thì ông gọi là nút, cái khăn hoa nầy, trước đây chỉ một cái, tại sao lần thứ hai, thứ ba, ông vẫn gọi là nút.”

A-Nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn, chiếc khăn hoa thêu quý báu nầy vốn chỉ một thể, song theo ý con, khi Như Lai cột một lần thì gọi là một nút, nếu cột 100 lần, thì thành 100 nút. Huống chi khăn nầy chỉ có sáu nút, không đến bảy, cũng không dừng ở năm. Sao Như Lai chỉ gọi cái đầu tiên là nút, mà cái thứ hai thứ ba thì không gọi là nút?”

Đức Phật bảo A-Nan, “Cái khăn hoa báu nầy, ông biết nó vốn chỉ là một, khi Như Lai thắt sáu lần thì ông gọi là sáu nút. Ông quán sát kỹ, thấy thể của khăn nầy là đồng, do vì các nút mà thành ra khác.”

Ý ông nghĩ sao? Khi mới cột nút lần đầu thì gọi là nút thứ nhất, như thế cho đến nút thứ sáu. Nay Như Lai muốn gọi nút thứ sáu là nút thứ nhất có được không?

A-Nan: Bạch Thế Tôn. Không. Nếu còn sáu nút, thì cái gọi là thứ sáu, rốt cuộc chẳng phải là cái thứ nhất. Dù con có biện bạch hết đời, làm sao có thể lộn lạo tên gọi của sáu nút kia được?

Đức Phật dạy: “Đúng vậy, sáu nút không đồng nhau, Xét về căn gốc, vẫn do một cái khăn mà ra. Nhưng làm cho nó đảo lộn thứ tự thì rốt ráo không thể được.”

Sáu căn của ông cũng giống như vậy. Trong thể tánh tuyệt đối giống nhau, lại sinh ra cái tuyệt đối khác nhau.

Đức Phật bảo A-Nan: ‘Ông chắc không muốn có sáu nút nầy, mà chỉ muốn thành một thể, việc ấy phải làm sao?’

A-Nan thưa rằng: ‘Nếu còn những nút đó, thì điều thị phi sẽ nổi dậy, trong đó sẽ tự cho rằng nút nầy chẳng phải là nút kia, nút kia chẳng phải là nút nầy. Nhưng nay Như Lai giải trừ tất cả. Các nút đã không sinh ra thì không có bỉ thử. Đã không có một thì sáu làm sao thành? ’

Đức Phật bảo: ‘Nghĩa mở được sáu, một không còn cũng như vậy.’

Do từ vô thuỷ, tâm ông điên loạn. Tri kiến vọng phát mãi mãi không dừng, làm cho tri kiến sinh mệt nhọc. Như khi con mắt mỏi mệt thì thấy như có hoa đốm không có nguyên nhân gì, hỗn loạn khởi lên trong thể tánh sáng suốt rỗng lặng.

Tất cả các tướng trong thế gian, núi sông đất liền, sinh tử niết-bàn, đều là tướng hoa đốm điên đảo, do bệnh mê lầm mà phát ra.

A-Nan thưa: “Bệnh mê lầm nầy cũng giống như các nút thắt, làm sao để giải trừ?”

Đức Phật dùng tay cầm cái khăn có nút, kéo mối bên trái, hỏi A-Nan rằng, “Thế này có cởi được không?”

A-Nan đáp: “Bạch Thế Tôn. Không.”

Đức Phật dùng tay kéo riêng mối bên phải, rồi hỏi A-Nan rằng, “Thế này có cởi được không?”

A-Nan đáp: “Bạch Thế Tôn. Không.”

Đức Phật bảo A-Nan: “Nay Như Lai dùng tay kéo mối bên phải rồi bên trái, rốt cuộc vẫn không cởi được. Vậy ông dùng phương tiện nào mà mở ra được?

A-Nan bạch Phật ngôn: “Bạch Thế Tôn, ngài phải cởi từ chính giữa, các nút sẽ được mở ra.”

Đức Phật bảo A-Nan: “Đúng vậy, đúng vậy. Nếu ông muốn mở nút, ông phải mở từ chính giữa.”

A-Nan, Như Lai nói Phật pháp do nhân duyên sinh, chẳng phải là căn cứ vào những tướng hoà hiệp thô trọng của thế gian. Như Lai nhận ra các tướng thế gian và xuất thế gian, biết rõ bản nhân của chúng do nhân duyên gì mà phát sinh ra.

Như thế cho đến một giọt mưa ngoài hằng sa thế giới, (Như Lai) cũng đều biết số mục. Cũng như nay trước mắt ông, các thứ cây tùng thẳng, cây gai cong, chim hộc trắng, chim quạ đen, (Như Lai) đều biết nguyên do.

Vậy nên A-Nan, tùy tâm ông lựa chọn trong sáu căn, nếu trừ được nút thắt trong căn ấy rồi, thì trần tướng tự diệt. Các vọng đã tiêu, đó chẳng phải chân thì là gì? A-Nan, nay Như Lai hỏi ông: “Cái khăn hoa nầy hiện có sáu nút, nếu đồng thời cởi ra, thì có thể cùng lúc trừ hết được chăng?”

A-Nan: “Bạch Thế Tôn. Không. Những nút nầy khi cột lại, vốn có thứ tự. Nay cũng phải theo thứ lớp mà mở. Sáu nút tuy đồng một thể, nhưng cột lại không đồng thời, thì khi mở nút, làm sao cùng một lúc mà mở hết được?”

Đức Phật dạy rằng, “Việc giải trừ các nút nơi sáu căn cũng như vậy. Khi các căn bắt đầu được mở, trước hết sẽ được nhân không. Đến khi tánh không viên mãn sáng suốt, thì giải thoát được pháp chấp. Pháp chấp được giải thoát rồi, thì cả nhân không lẫn pháp không đều chẳng sanh khởi.”

Đó gọi là Bồ Tát do tam-ma-điạ mà chứng được vô sanh nhẫn.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8

×