Thiền sư Đạo Nhất họ Mã, người huyện Thập Phảng thuộc Hán Châu, xuất gia ở chùa La Han tại ấp nhà. Sư có dung mạo dị kỳ: dáng đi như trâu, mắt nhìn như cọp, lưỡi lè quá mũi, lòng bàn chân có hình hai bánh xe. Thuở nhỏ Sư xuống tóc với Hòa thượng Tư Châu Đường, thọ cụ túc giới với Luật sư Du Châu Viên.
Năm Khai Nguyên đời Đường, Sư tập định ở Viện Truyền Pháp núi Hành Nhạc. Nơi đây sư gặp được Hòa thượng Hoài Nhượng¹⁸. Hoài Nhượng biết là pháp khí¹⁹, hỏi:
– Đại đức tọa thiền để làm gì?
Sư đáp:
– Để làm Phật.
Hoài Nhượng bèn lượm một viên gạch mài trước am Sư. Sư hỏi:
– Mài gạch để làm gì?
Hoài Nhượng đáp:
– Để làm kính.
Sư hỏi:
– Mài gạch sao thành kính được?
Đáp:
– Mài gạch không thành kính được, tọa thiền há thành Phật được sao?
Sư hỏi:
– Vậy thì sao mới phải?
Hoài Nhượng nói:
– Như bò kéo xe, xe không đi thì đánh xe là phải hay đánh bò là phải?
Sư không biết nói sao. Hoài Nhượng lại nói:
– Ông học tọa thiền hay tọa Phật? Nếu học tọa thiền, thì thiền không dính chỉ tới chuyện nằm ngồi. Nếu học tọa Phật thì Phật vốn chẳng có tướng nhất định. Cái pháp vô trụ²⁰ không nên buông bắt. Nếu chấp cái tướng ngồi thì không đạt được lẽ đó.
Sư nghe lời khai thị²¹ như uống đề hồ, sụp lạy mà hỏi:
– Dụng tâm như thế nào thì hợp với vô tướng tam muội²²?
Hoài Nhượng nói:
– Ông học pháp môn tâm địa²³ như gieo hạt giống. Ta nói pháp yếu đó cũng như hạt mưa móc từ trời rơi xuống, nếu ông có cái duyên ứng hợp với nó thì sẽ thấy được đạo.
Sư lại hỏi:
– Đạo không sắc tướng, làm sao thấy được?
Hoài Nhượng đáp:
– Pháp nhãn của tâm địa²⁴ thì thấy được đạo. Vô tướng tam muội cũng như vậy.
Sư hỏi:
– Có thành hoại không?
Hoài Nhượng đáp:
– Nương vào cái tướng thành hoại tụ tán mà thấy đạo thì đó chẳng phải là thấy đạo. Nghe kệ ta đây:
Ruộng tâm nhiều hạt giống,
Gặp mưa móc mầm sanh.
Hoa tam muội không tướng,
Có đâu chuyện hoại thành.
Sư được khai ngộ, tâm ý siêu nhiên. Từ đấy theo hầu Hoài Nhượng suốt mười năm, ngày càng tiến sâu vào lẽ huyền ảo.
Xưa có lần Lục Tổ²⁵ nói với Hoài Nhượng: “Ông Bát Nhã Đa La²⁶ ở Tây Thiên tiên đoán rằng dưới chân ngươi sẽ xuất hiện một con ngựa con, đạp chết thiên hạ”. Điều này ứng vào Sư vậy.
Hoài Nhượng có 6 đệ tử, chỉ Sư là được mật thụ tâm ấn²⁷.
Đầu tiên Sư trụ núi Phật Tích ở Kiến Dương, sau dời về Lâm Xuyên, rồi lại đến núi Cung Công ở Nam Khang.
Bấy giờ có Liên Sư Tự Lộ Cung ngưỡng mộ đạo danh của Sư tìm đến thọ học. Do đó học giả bốn phương quy tụ rất đông.
Hòa thượng Hoài Nhượng nghe Sư xiển hóa ở Giang Tây, hỏi chúng:
– Đạo Nhất thuyết pháp dạy chúng rồi à?
Chúng thưa vâng.
Hoài Nhượng nói:
– Thế mà không nghe ai tin cho hay cả.
Bèn sai một ông tăng:
– Ngươi đến chờ lúc ông ấy thượng đường chỉ hỏi: “Sao?”. Chờ xem ông ấy nói gì thì nhớ cho kỹ mà về đây thuật lại ta nghe.
Ông tăng y lời dạy, đến hỏi Sư như thế. Sư đáp:
– Từ vụ loạn rợ Hồ, ba mươi năm nay tương muối chẳng thiếu gì.
Ông tăng về thuật lại cùng Hoài Nhượng. Hoài Nhượng cho là được.
Hàng đệ tử nhập thất của Sư có 139 người, mỗi người đều là tông sư của một phương, chuyển hóa không cùng.
Tháng giêng năm Trinh Nguyên thứ 4²⁸ Sư lên núi Thạch Môn, đi kinh hành trong rừng, thấy hang hố bằng phẳng, bèn bảo thị giả²⁹:
– Thân xác hư nát của ta sẽ trả về đất này vào tháng tới.
Nói xong, Sư quay về. Sau đó thọ bệnh. Viện chủ hỏi:
– Lâu nay hòa thượng mạnh khỏe thế nào?
Sư nói:
– Ngày ngó Phật, tháng ngó Phật. Hai tháng một ngày tắm gội.
Nói xong, Sư ngồi kiết già mà tịch.
Năm Nguyên Hòa³⁰, nhà vua tặng Sư pháp hiệu Đại Tịch thiền Sư. Tháp đề: “Đại Trang Nghiêm”.
Viên Đức
¹⁸ Hoài Nhượng (677-744): Môn đệ truyền pháp của Lục Tổ Huệ Năng. Thầy của Mã Tổ Đạo Nhất. Xuất gia hồi 15 tuổi. Thọ giới với ngài Hoàng Cảnh Luật Sư ở chùa Ngọc Tuyến, tỉnh Kinh Nam. Sau học đạo với ngài Huệ An ở Tung Sơn, rồi lại đến học ngài Huệ Năng. Sau 8 năm khổ học, đến truyền pháp và tu hành ở Hồ Bắc. 10 năm sau lại về chùa Bát Nhã ở Nam Nhạc. Tịch vào năm Thiên Bảo thứ 3, đời Đường Huyền Tông.
¹⁹ Pháp khí: Đồ dùng để chứa pháp. Chỉ những kẻ đủ căn cơ thọ tri Phật pháp.
²⁰ Vô trụ: Không nơi chốn. Các pháp vốn không có tự tính, tùy duyên mà khởi sinh nên gọi là không có nơi chốn nhất định.
²¹ Khai thị: Mở ra cho thấy. Mục đích hành hóa của chư Phật ở thế gian có thể tóm lược trong bốn chữ. Khai, Thị, Ngộ, Nhập (mở ra, cho thấy, để chúng sinh ngộ lẽ mà thể nhập).
²² Vô tướng tam muội: Tam muội (Samadhi), Hán dịch là Định, để chỉ những trạng thái tri thức trọn vẹn và đậm đà nhất mà con người có thể chứng đạt, trong đó dứt bặt mọi phân biệt chủ khách, duy chỉ còn cảnh sở trì là độc nhiên hiển hiện. Chính vì mức độ tuyệt đối nhất như này giữa chủ thể năng tri và đối tượng sở tri, nên hết thảy mọi truyền thống thực nghiệm đều đồng ý đây là một cảnh giới tịch nhiên bất động dù cái nghĩa tưởng của đối tượng là động hay tĩnh. Điều cần chú ý là Tam muội không những là kết quả của những kỹ thuật công phu nhất định (như Chỉ, Quán v.v…) của giới hành giả, mà trong cuộc sống bình nhật có những bằng chứng cho thấy trạng thái tri thức đặc thù này thỉnh thoảng vẫn xảy ra ở mọi người và trong những hoàn cảnh tuyệt nhiên chẳng có chút dụng ý công phu nào cả. Nhưng vì sức cuốn hút xô bồ của nghiệp lực, nên sự việc đó chỉ chợt thoáng qua rồi biến mất mà đương sự không hề hay biết. Đó là một điều vô cùng đáng tiếc, vì chính đó là những cơ hội quý giá vô ngần để thường nhân chúng ta thình lỏang có dịp để tối thiểu là thử nếm qua chút ý vị nhiệm mầu của thực tại. Vô tướng tam muội là tam muội thứ hai trong ba tam muội (Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô nguyện tam muội). Tam muội này tương ứng với 4 hành tưởng là diệt (tịch diệt), tĩnh (vắng lặng), diệu (không thể nghĩ bàn), ly (thoát) của Diệt đế trong Tứ đế. Đây là một cảnh giới căn bản mà Thiền giả không những phải chứng đạt cho bằng được mà còn cần phải hàm dưỡng lâu dài.
²³ Tâm địa: Mắt pháp. Một trong ngũ nhãn (Nhục nhãn, Thiên nhãn, Huệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn). Pháp nhãn là cái trí tuệ Bồ tát quán chiếu được hết thảy pháp môn.
²⁴ Pháp nhãn: Đất tâm. Tâm là nền tảng sinh ra hết thảy các pháp, ví như ruộng đất sinh ra các loại hoa màu.
²⁵ Lục Tổ: (638 – 713) Tức Huệ Năng. Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa. Họ Lô, người Lĩnh Nam, sinh ngày 8 tháng 2 năm Mậu Tuất, đời Đường Thái Tông. Đến học đạo với Ngũ Tổ Hoàng Nhẫn, không biết chữ, được giao việc giã gạo trong chùa. 8 tháng sau, nhân họa lại một bài kệ của Thần Tú, được Ngũ Tổ truyền y bát. Đắc pháp xong, về tu tại núi Đại Diễu Lĩnh. 16 năm sau, về Tào Khê và ở luôn đấy trong 38 năm, thuyết pháp ở đất Triệu Châu và Quảng Châu, truyền pháp môn Đốn Ngộ Diệu Tu và giảng bộ pháp Bảo Đàn Kinh là bộ kinh duy nhất được kể vào Tạng Kinh mà không phải do Phật dạy. Điểm đặc biệt là trong suốt thời gian học với Ngũ Tổ, được truyền y bát, làm Lục Tổ, sống 16 năm ẩn dật, ngài vẫn là cư sĩ.
²⁶ Bát Nhã Đa La: Tổ thứ 27 của Thiền tông Ấn Độ. Thầy của Bồ Đề Đạt Ma. Chẳng biết đây có trỏ vào ngài không, và trong trường hợp nào có lời sấm ký đó?
²⁷ Tâm ấn: Cái dấu của tâm. Theo phương pháp dạy học đặc thù của Thiền tông, mục đích duy nhất của người dạy là đẩy đưa kẻ học đến chỗ trực ngộ mà thọ nhận cái ấn tượng vô tướng thanh tịnh của tự thể nguyên sơ bản nhiên viên mãn của mình. Và cái tiêu chuẩn duy nhất để khai thị khám biện và ấn chứng sự thành tựu này nơi kẻ học cũng chẳng là gì khác hơn là cái ấn tượng cụ thể nói trên đã có sẵn nơi người dạy. Thuật ngữ thiền gọi sự việc này là truyền tâm ấn.