Tịnh độ tông tu học giới luật theo 5 khoa mục

08/11/2021 2.154 lượt xem

I. Tịnh Nghiệp Tam Phước trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật

Trước khi giảng về pháp môn niệm Phật A Mi Đà cầu sanh về thế giới Cực Lạc cho phu nhân Vy-Đề-Hy, Phật dạy bà: “Tịnh Nghiệp Tam Phước là Chánh nhân Tịnh nghiệp của ba đời mười phương tất cả chư Phật!”.

Câu nói này của Phật đã nói rõ Tịnh Nghiệp Tam Phước hết sức quan trọng, không được lơ là lướt qua. Tịnh Nghiệp Tam Phước là nguyên tắc chỉ đạo tu học cao nhất của người tu Tịnh Độ. Ba đời chư Phật là chư Phật quá khứ – chư Phật hiện tại – chư Phật vị lai đều nương vào Tịnh Nghiệp Tam Phước làm điều kiện cơ bản nhất, điều kiện đầu tiên nhất và điều kiện quan trọng nhất để chứng nhập vào Tự Tánh Phật viên mãn. Cho đến, toàn thể Phật pháp đều là lấy Tịnh Nghiệp Tam Phước làm gốc rễ, làm tổng nguyên tắc cao nhất để tu thành Phật. Nếu không thật sự dốc sức hành trì Tịnh Nghiệp Tam Phước thì tu học bất kỳ pháp môn nào trong nhà Phật cũng đều chắc chắn không có thành tựu, dù niệm A Mi Đà Phật cả một đời cũng không thể vãng sanh Cực Lạc!

Một là, Hiếu dưỡng phụ mẫu (dưỡng cái thân và dưỡng cái chí hướng thành Phật của cha mẹ), phụng sự sư trưởng (trong Kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy phải làm như thế nào thì thật thà nghe lời thật sự làm, không được trái phạm lời Phật dạy), từ tâm bất sát (có tâm từ bi không giết hại thân mạng và Pháp Thân Huệ Mạng của chúng sanh), tu Thập Thiện Nghiệp.

Hai là, Thọ trì Tam Quy (Quy y Tự Tánh Giác: Giác ngộ chứ không còn mê hoặc điên đảo; Quy y Tự Tánh Chánh: Chánh chứ không tà, Quy y Tự Tánh Thanh Tịnh: Thanh Tịnh chứ không ô nhiễm. A Mi Đà Phật còn có biệt hiệu là Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác, cũng chính là Tự Tánh Tam Bảo của mỗi chúng sanh, trì danh hiệu A Mi Đà Phật là chân thật nương tựa Tự Tánh Tam Bảo), cụ túc (đầy đủ) chúng Giới (tất cả những điều Phật dạy trong Kinh Vô Lượng Thọ và những thiện pháp trong thế gian đều gọi chung là Giới), bất phạm oai nghi (4 oai nghi đi – đứng – nằm – ngồi đều phải ở trong Chánh niệm và tuân theo quy định mà Phật dạy trong Giới Luật).

Ba là, Phát tâm Bồ-đề (Bồ-đề tâm là tâm chân thành – thanh tịnh – bình đẳng – chánh giác – từ bi), tin sâu nhân quả (niệm Phật là nhân – thành Phật là quả), đọc tụng Đại-thừa (đọc tụng Kinh Vô Lượng Thọ,…), khuyến tấn hành giả (khuyên người phát tâm Bồ-đề niệm A Mi Đà Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc).

II. Lục Hòa Kính

Một là: Kiến hòa đồng giải
Hai là: Giới hòa đồng tu
Ba là: Thân hòa đồng trụ
Bốn là: Khẩu hòa vô tranh
Năm là: Ý hòa đồng duyệt
Sáu là: Lợi hòa đồng đều

Lục Hòa Kính quan trọng nhất là Kiến hòa đồng giải: Kiến giải (thấy và lý giải) phải hòa hợp. Ở chung với đại chúng phải hòa, phải kính; muốn tu học được Lục Hòa Kính thì phải dùng tâm lễ kính và tâm nhẫn nhục để tu.

III. Tam Vô Lậu Học

Giới học – Định học – Huệ học

Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Nhiếp tâm là Giới, từ Giới sanh Định, từ Định phát Huệ!”. 4 trọng Giới căn bản là: Không giết, Không trộm, Không dâm, Không đại vọng ngữ (chưa chứng Thánh mà nói đã chứng Thánh). Giới là ngăn ngừa ác, Định là trong tâm có chủ tể (không bị dao động), Huệ là tâm rõ ràng minh bạch không mê hoặc điên đảo.

IV. Lục Độ Ba-la-mật

Bố-thí, Trì-giới, Nhẫn-nhục, Tinh-tấn, Thiền-định, Trí-huệ

6 Ba-la-mật thì quan trọng nhất là Bố-thí Ba-la-mật và Nhẫn-nại Ba-la-mật. Bố-thí đoạn tâm tham. Trì-giới khiến ác không sanh khởi, tâm được thuần thiện, tâm thuần thiện thì sẽ thuần thanh tịnh. Nhẫn-nhục đoạn tâm sân hận ngạo mạn, tăng trưởng tâm từ bi.

Ba-la-mật trước làm nền tảng để tu hành tiến lên Ba-la-mật sau và trong mỗi Ba-la-mật đều có đầy đủ 5 Ba-la-mật còn lại.

Nhẫn-nại được thì mới có thể Tinh-tấn. Tinh-tấn là tiền đề của Thiền-định, Thiền-định là trong tâm có chủ tể, không bị ngoại cảnh làm dao động, đây là trạng thái Nhất Tâm. Thiền-định là tiền đề để phát Trí-huệ Ba-la-mật, Trí-huệ là tâm hiểu biết rõ ràng mọi thứ, đây là trạng thái Bất Loạn. Cho nên, Nhất Tâm Bất Loạn chính là Định – Huệ đẳng trì, tâm trong lặng sáng tỏ quán chiếu sáng tỏ vạn pháp.

V. Phổ Hiền Bồ-Tát Thập Đại Nguyện Vương

  • Một là: Lễ kính các đức Phật
  • Hai là: Khen ngợi đức Như Lai
  • Ba là: Rộng tu sự cúng dường
  • Bốn là: Sám hối tội nghiệp chướng
  • Năm là: Tùy hỷ các công đức
  • Sáu là: Thỉnh đức Phật thuyết pháp
  • Bảy là: Thỉnh đức Phật ở lại thế gian
  • Tám là: Thường học tập theo Phật
  • Chín là: Hằng thuận lợi chúng sanh
  • Mười là: Hồi hướng khắp tất cả
Ân sư Thích Tịnh Không thường giảng, nếu đem Tam-bối Cửu-phẩm ở cõi Cực Lạc dựa theo % của bộ Kinh Vô Lượng Thọ để phân chia thì chia ra như sau: Thượng phẩm Thượng sanh làm được 100%, Thượng phẩm Trung sanh làm được 90%, Thượng phẩm Hạ sanh làm được 80%. Thượng phẩm là làm được trọn vẹn 3 điều trong Tịnh Nghiệp Tam Phước, đây là bậc Pháp Thân Bồ-tát. Sơ Trụ Bồ-tát trong Viên giáo gọi là Phát-tâm-trụ, chính là đã thật sự phát ra và an trụ trong tâm Bồ-đề. Trung phẩm Thượng sanh làm được 70%, Trung phẩm Trung sanh làm được 60%, Trung phẩm Hạ sanh làm được 50%. Trung phẩm là làm được trọn vẹn 2 điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước. Hạ phẩm Thượng sanh làm được 40%, Hạ phẩm Trung sanh làm được 30%, Hạ phẩm Hạ sanh làm được 20%. Hạ phẩm là làm được trọn vẹn điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước (20%).

Cho nên, nếu điều đầu tiên trong Tịnh Nghiệp Tam Phước mà quý vị cũng không thể làm được thì dù mỗi ngày quý vị có niệm Phật đến 20 vạn câu Phật hiệu cũng không thể vãng sanh Cực Lạc. Lời tôi nói đây là sự thật! Tổ sư nói: “Miệng niệm Mi Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công!”. Thế giới Cực Lạc là “chư Thượng-thiện-nhân câu hội nhất xứ”. Quý vị phải đem bản thân mình tu dưỡng thành người Thượng-thiện thì mới có cơ hội đến được thế giới Cực Lạc, thấp nhất là phải làm được điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước.

Ân sư Thích Tịnh Không cũng thường giảng, điều thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước thực tiễn ở mấy khoa mục sau:

Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng là tu Hiếu thân – Tôn sư, thực tiễn trong quyển sách Đệ Tử Quy của Nho giáo.

Từ tâm bất sát là tu tâm từ bi, thực tiễn trong quyển sách Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo giáo.

Tu thập thiện nghiệp thực tiễn trong quyển Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo của Phật giáo.

3 nền tảng này là đại căn đại bổn của hết thảy phàm phu thiện trong thế gian và Thánh nhân xuất thế gian. Đệ Tử Quy của Nho giáo và Thái Thượng Cảm Ứng Thiên của Đạo giáo để bổ khuyết cho nền tảng Tiểu-thừa. Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh thông cảm Tiểu-thừa lẫn Đại-thừa, thông đến tận Phật quả viên mãn.

Nếu gốc rễ đã kiên cố vững chắc rồi thì cành lá hoa quả sẽ tự nhiên sanh ra sum suê tươi tốt.

Nếu không có 3 gốc rễ này thì việc tu hành trong Phật pháp cũng chỉ như hoa cắm vào trong bình, vừa nhìn thì thấy đẹp nhưng nó không có gốc rễ, nó trải qua được vài ngày liền bị khô héo thối nát.

Ân sư Thích Tịnh Không giảng, Tịnh Nghiệp Tam Phước nếu quy kết lại sau cùng thì thực tiễn ở 3 khoa mục sau:

Phước thứ nhất là phước cõi người và või trời, thực tiễn ở Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo.

Phước thứ hai là phước của Tiểu-thừa Thánh nhân, khoa mục thực tiễn rất rộng lớn, nhưng có thể tổng kết lại ở Sa-di luật-nghi. Sa-di luật-nghi thì hàng xuất gia và hàng tại gia đều có thể học được; chỉ trừ Tỳ-kheo giới và Tỳ-kheo-ni giới là hàng tại gia không được xem.

Phước thứ ba là phước của Đại-thừa Thánh nhân, khoa mục thực tiễn chính là bộ Kinh Vô Lượng Thọ.


Chú thích: Sơ Tín Vị Bồ-tát đã phát tâm Bồ-đề, nhưng thường hay quên mất, đến khi Minh Tâm Kiến Tánh (Sơ Trụ Bồ-tát) mới thật sự là phát tâm Bồ-đề

Đạo tràng Tịnh Độ tông Chúng Cư Sĩ Diệu Âm

×