11. Kinh Kiên Cố (Kevaddha)

25/05/2024 324 lượt xem

(Kevaddha sutta)

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Nalandà trong vườn Pavàrikampa. Lúc bấy giờ cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Nalandà này có uy tín và phồn thịnh, nhân dân đông đúc và tín kính Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn chỉ giáo cho một Tỷ-kheo thị hiện thượng nhân pháp, thần thông biến hóa. Nhờ vậy Nalandà này sẽ được nhiều người tín kính Thế Tôn hơn nữa.

Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha:

– Kevaddha, Ta không dạy cho các Tỷ-kheo pháp này: “Này các Tỷ-kheo các Ngươi hãy thị hiện thượng nhân pháp, thần thông biến hóa cho các cư sĩ áo trắng”.

2. Lần thứ hai, cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con không muốn phiền nhiễu Thế Tôn. Con chỉ nói: “Bạch Thế Tôn, Nalandà này có uy tín và phồn thịnh, nhân dân đông đúc và tín kính Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn chỉ giáo cho một Tỷ-kheo thị hiện thượng nhân pháp, thần thông biến hóa. Nhờ vậy Nalandà này sẽ được nhiều người tín kính Thế Tôn hơn nữa”.

Lần thứ hai, Thế Tôn nói với cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha:

– Này Kevaddha, Ta không dạy cho các Tỷ-kheo pháp này: “Này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy hiện thượng nhân pháp, thần thông biến hóa cho các cư sĩ áo trắng”.

3. Lần thứ ba, cư sĩ trẻ tuổi Kevaddha Bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con không muốn phiền nhiễu Thế Tôn. Con chỉ nói: “Bạch Thế Tôn, Nalandà này có uy tín và phồn thịnh, nhân dân đông đúc và tín kính Thế Tôn. Bạch Thế Tôn, lành thay nếu Thế Tôn chỉ giáo cho một Tỷ-kheo thị hiện thượng nhân pháp, thần thông biến hóa. Nhờ vậy Nalandà này sẽ được nhiều người tín kính Thế Tôn hơn nữa”.

– Này Kevaddha, có ba pháp thần thông này Ta đã tự mình giác ngộ và tuyên thuyết. Thế nào là ba? Tức là biến hóa thần thông, tha tâm thần thông, giáo hóa thần thông.

4. Này Kevaddha, thế nào là biến hóa thần thông? Này Kevaddha, ở đời có Tỷ-kheo chứng được các thần thông: một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi, như đi ngang qua hư không; độn thổ trồi lên, ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết- già đi trên hư không như con chim; với hai bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng; những vật có đại oai thần lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên. Có người tín thành thấy Tỷ-kheo ấy chứng hiện các thần thông: một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân: hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang qua hư không; độn thổ trồi lên, ngang qua đất liền như ở trong nước, đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ngồi kiết-già đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt trời và mặt trăng; những vật có đại oai thần lực, đại oai thần như vậy, có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên.

5. Người có lòng tín thành ấy nói với một người không có lòng tín thành: “Này Tôn giả, thật vi diệu thay! Này Tôn giả, thật hy hữu thay, đại thần thông, đại oai đức của vị Sa-môn! Chính tôi đã thấy vị Tỷ-kheo chứng các thần thông, “một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân,… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên”. Người không có lòng tín thành có thể nói với người có lòng tín thành: “Này Tôn giả, có một chú thuật gọi là Gandhhàrì. Nhờ chú thuật hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân… có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên”. Này Kevaddha, ngươi nghĩ thế nào? Người không có lòng tín thành có thể nói với người có lòng tín thành như vậy không?

– Bạch Thế Tôn, có thể nói như vậy.

– Này Kevaddha chính vì ta thấy sự nguy hiểm trong sự biến hóa thần thông mà ta nhàm chán, hổ thẹn, ghê sợ biến hóa thần thông.

6. Này Kevaddha, thế nào là tha tâm thần thông? Này Kevaddha, ở đời có Tỷ-kheo nói lên tâm, nói lên tâm sở, nói lên sự suy tầm nói lên sự suy tư của các loài hữu tình khác, của các người khác: “Như vậy là ý của Ngươi”. Có người có lòng tín thành thấy Tỷ-kheo nói lên tâm sở, nói lên sự suy tầm và nói lên sự suy tư của các loài hữu tình khác, của các người khác: “Như vậy là ý của Ngươi, thế này là ý của Ngươi, như vậy là tâm của Ngươi”.

7. Người có lòng tín thành ấy nói với một người không có lòng tín thành: “Này Tôn giả, thật vi diệu thay! Này Tôn giả, thật hy hữu thay đại thần thông, đại oai đức của vị Sa-môn! Chính tôi đã thấy Tỷ-kheo nói lên tâm, nói lên tâm sở, nói lên sự suy tầm và nói lên sự suy tư của các loài hữu tình khác, của các người khác: “Như vậy là ý của ngươi, thế này là ý của ngươi, như vậy là tâm của ngươi”. Người không có lòng tín thành có thể nói với người có lòng tín thành: “Này Tôn giả, có một chú thuật gọi là Maniko, nhờ chú thuật này, Tỷ-kheo nói lên tâm, nói lên tâm sở, nói lên sự suy tầm, và nói lên sự suy tư của các loài hữu tình khác, của các người khác… “Thế này là ý của Ngươi, như vậy là tâm của Ngươi”. Này Kevaddha, Ngươi nghĩ thế nào? Người không có lòng tín thành có thể nói với Ngươi có lòng tín thành như vậy không?

– Bạch Thế Tôn, có thể nói như vậy?

– Này Kevaddha chính Ta thấy sự nguy hiểm trong sự tha tâm thần thông mà Ta nhàm chán, hổ thẹn, ghê sợ tha tâm thần thông.

8. Này Kevaddha, thế nào là giáo hóa thần thông? Ở đời có Tỷ-kheo giáo hóa như sau: “Hãy suy tư như thế này, chớ có suy tư như thế kia; hãy tác ý như thế này, chớ có tác ý như thế kia; hãy trừ bỏ điều này, hãy chứng đạt và an trú điều kia”.

Này Kevaddha, như vậy gọi là giáo hóa thần thông.

9. Này Kevaddha, nay ở đời đức Như Lai xuất hiện là bậc A-la-hán Chánh Biến Tri… (đoạn kinh 9-43 tương tự như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 40 – 74).

Trang: 1 2 3 4

×