9. Kinh Bố-sá-bà-lâu (Kinh Potthapàda)

25/05/2024 384 lượt xem

(Potthapàda sutta)

1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ở tại Sàvatthi (Xá-vệ), rừng Jetavana (Kỳ viên), vườn Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ, du sĩ ngoại đạo Potthapada (Bố-sá-bà-lâu) cùng với đại chúng du sĩ ngoại đạo khoảng ba trăm vị, ở tại vườn của hoàng hậu Mallika (Mạt-lê-viên) tên là Ekasàlaka có hàng rào cây tinduka, một hội thảo trường luận bàn về chánh kiến, tà kiến.

2. Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y cầm bát vào Sàvatthi khất thực. Rồi Thế Tôn tự nghĩ: “Nay còn quá sớm để đi khất thực tại Sàvatthi, Ta hãy đi đến vườn của hoàng hậu Mallika tên là Ekasàlaka, có hàng rào cây tinduka, một hội thảo trường luận bàn chánh kiến, tà kiến, để gặp du sĩ ngoại đạo Potthapàda”. Và Thế Tôn đi đến vườn của hoàng hậu Mallika, tên là Ekasàlaka, có hàng rào cây tinduka, một hội thảo trường luận về chánh kiến, tà kiến.

3. Lúc bấy giờ du sĩ ngoại đạo Potthapàda ngồi với đại chúng du sĩ ngoại đạo, đang ồn ào, la lối, lớn tiếng bàn luận những vấn đề phù phiếm như câu chuyện về vua chúa; câu chuyện về ăn trộm, câu chuyện về đại thần; câu chuyện về binh lính; các câu chuyện về hãi hùng; câu chuyện về chiến tranh; câu chuyện về đồ ăn; câu chuyện về đồ uống; câu chuyện về đồ mặc; câu chuyện về giường nằm; câu chuyện về vòng hoa; câu chuyện về hương liệu; câu chuyện về bà con; câu chuyện về xe cộ; câu chuyện về làng xóm; câu chuyện về thị trấn; câu chuyện về thành phố; câu chuyện về quốc độ; câu chuyện về đàn bà; câu chuyện về đàn ông; câu chuyện về vị anh hùng; câu chuyện bên lề đường; câu chuyện tại chỗ lấy nước; câu chuyện về người đã chết; các câu chuyện tạp thoại; câu chuyện về hiện trạng của thế giới, hiện trạng của đại dương; câu chuyện về sự hiện hữu và sự không hiện hữu.

4. Du sĩ ngoại đạo Potthapàda thấy Thế Tôn từ xa đến, liền khuyến cáo chúng của mình: “Các Tôn giả hãy nhỏ tiếng, các Tôn giả hãy đừng làm ồn. Nay Sa-môn Gotama đang đến, Ngài ưa mến sự trầm lặng, vị Ðại đức này tán thán sự trầm lặng. Nếu biết chúng này yên tịnh, Ngài có thể ghé đến đây”. Nghe nói vậy, các du sĩ ngoại đạo liền im lặng.

5. Rồi Thế Tôn đến du sĩ ngoại đạo Potthapàda. Và du sĩ ngoại đạo Potthapàda bạch Thế Tôn: “Thiện tai Thế Tôn! Hoan nghênh Thế Tôn! Ðã lâu Thế Tôn không quá bộ đến đây. Mời Thế Tôn ngồi. Ðây là chỗ ngồi đã soạn sẵn”.

Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Du sĩ ngoại đạo Potthapàda lấy một ghế thấp khác và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với du sĩ Potthapàda đã ngồi một bên: “Này Potthapàda, vấn đề gì các vị đang ngồi thảo luận? Vấn đề gì đang nói mà bị gián đoạn?”

6. Khi nghe nói vậy du sĩ ngoại đạo Potthapàda bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, hãy gác một bên câu chuyện chúng tôi đang ngồi bàn luận, bạch Thế Tôn, lát nữa Thế Tôn nghe lại cũng không khó khăn gì. Bạch Thế Tôn, thuở xưa xưa lắm, nhiều vị Sa-môn, Bà-la-môn ngoại đạo tụ họp, ngồi hội thảo trong giảng đường nêu lên vấn đề sự diệt tận các tăng thượng tưởng.

“Này Tôn giả, tăng thượng tưởng diệt tận như thế nào?” Một vài vị trả lời: “Không nhân, không duyên, các tưởng của con người sinh và diệt! Khi tưởng sanh con người có tưởng, khi tưởng diệt con người không có tưởng”. Như vậy, một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng.

Về vấn đề này, người khác lại nói như sau: “Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả, tưởng là tự ngã của con người, chính tưởng ấy đến và đi. Khi tưởng ấy đến thì con người có tưởng, khi tưởng ấy đi thì con người không có tưởng”. Như vậy một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng.

Vấn đề này, người khác lại nói như sau: “Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả, có những Sa-môn, Bà-la-môn có đại thần thông và đại oai lực. Chính những vị này khiến tưởng nhập vào trong người và cũng kéo tưởng ra ngoài người ấy. Khi các vị này khiến tưởng nhập vào trong người, người ấy có tưởng, khi kéo tưởng ra ngoài, người ấy không có tưởng”. Như vậy một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng.

Về vấn đề này, người khác lại nói như sau: “Các Tôn giả, sự kiện không phải như vậy. Này Tôn giả, có những vị thiên thần có đại thần thông, có đại oai lực, chính những vị này khiến tưởng nhập vào trong người và kéo tưởng ra ngoài người ấy. Khi các vị này khiến tưởng nhập vào trong người, người ấy có tưởng, khi kéo tưởng ra ngoài, người ấy không có tưởng”. Như vậy một vài vị giải thích sự diệt tận các tăng thượng tưởng. Bạch Thế Tôn, lúc bấy giờ con tưởng niệm đến Thế Tôn: “Mong Thế Tôn có mặt ở đây! Mong Thiện thệ có mặt ở đây! Ngài rất tinh thông những pháp này. Chắc chắn Thế Tôn biết rõ sự diệt tận các tăng thượng tưởng”. Bạch Thế Tôn, sự diệt tận các tăng thượng tưởng như thế nào?

7. Này Potthapàda, những Sa-môn, Bà-la-môn nào đã nói: “Không nhân, không duyên, các tưởng của con người sinh và diệt”. Những vị này đã sai lạc ngay từ ban đầu. Vì sao vậy? Này Potthapàda, chính vì có nhân, có duyên, các tưởng của con người sinh và diệt. Chính do sự học tập, một loại tưởng sanh, chính do sự học tập, một loại tưởng diệt.

Và Thế Tôn nói:

– Sự học tập ấy là gì? Này Potthapàda, nay ở đời Như Lai xuất hiện, là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri… (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 40-43 trừ đoạn kết của mỗi đoạn) thân nghiệp, ngữ nghiệp thanh tịnh, mạng sống trong sạch, giới hạnh đầy đủ, hộ trì các căn, chánh niệm tỉnh giác và biết tri túc. Này Potthapàda, thế nào là Tỷ-kheo giới hạnh đầy đủ? Ở đây này Potthapàda, Tỷ-kheo từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật … (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 43-62)… như dùng ảo thuật để yên ổn, để khỏi làm các điều đã hứa… ngăn ngừa công hiệu của thuốc. Còn vị ấy thì tránh xa các tà mạng kể trên… như vậy là giới hạnh của vị ấy trong giới luật.

8. Này Potthapàda, và như vậy Tỷ-kheo ấy nhờ đầy đủ giới luật nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Này Potthapàda, như một Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, đã hàng phục kẻ thù địch, không còn thấy sợ hãi từ chỗ nào nữa về phương diện thù địch. Cũng vậy, này Potthapàda, Tỷ-kheo ấy nhờ đầy đủ giới luật nên không thấy sợ hãi từ một chỗ nào về phương diện hộ trì giới luật. Vị ấy nhờ đầy đủ giới luật cao quý này, nên hưởng lạc thọ nội tâm không lỗi lầm. Như vậy, này Potthapàda, Tỷ-kheo đầy đủ giới luật.

9. Này Potthapàda, thế nào là Tỷ-kheo hộ trì các căn? Này Potthapàda, khi mắt thấy sắc, Tỷ-kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không lỗi lầm. Như vậy, này Potthapàda, Tỷ-kheo hộ trì các căn… (như kinh Sa-môn quả, đoạn kinh số 65-74)…

Trang: 1 2 3 4 5 6

×