6. Kinh Mahàli

25/05/2024 102 lượt xem

(Mahàli sutta)

1. Như vậy tôi nghe. Một thời đức Thế Tôn trú tại Vesali (Tỳ-xá-ly) ở giảng đường Trùng Các, rừng Ðại Lâm. Lúc bấy giờ, một số đông sứ giả Bà-la-môn nước Kosala (Câu-tất-la) và nước Magadha (Ma-kiệt-đà), đang ở tại Vesali vì một vài công việc. Những vị sứ giả ấy được nghe như sau: “Này các Tôn giả, Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca hiện nay đang trú tại Vesali, ở giảng đường Trùng Các, rừng Ðại Lâm. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa-môn Gotama: “Ngài là bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài đã tự chứng ngộ thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, tự chứng ngộ rồi hiển thị cho mọi loài được biết. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, trình bày phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh”. Nếu được yết kiến một vị A-la-hán như vậy thì rất quý”.

2. Những vị sứ giả Bà-la-môn ở Kosala và ở Magadha ấy đi đến giảng đường tại rừng Ðại Lâm. Lúc bấy giờ, đại đức Nàgita là thị giả đức Thế Tôn. Những vị sứ giả Bà-la-môn ở Kosala và ở Magadha ấy đi đến chỗ đại đức Nàgita ở và thưa:

– Tôn giả Nàgita, hiện nay Tôn giả Gotama ở tại đâu, chúng tôi muốn yết kiến Tôn giả Gotama.

– Các Hiền giả, nay không phải thời yết kiến đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn đang chỉ tịnh. Những sứ giả Bà-la-môn ở Kosala và Magadha liền ngồi xuống tại một bên và nói: “Sau khi được yết kiến Tôn giả Gotama, chúng tôi mới đi”.

3. Otthadda (Môi thỏ) người Licchavi cùng với một số đông dân chúng Licchavi cũng đi đến Trùng Các giảng đường, rừng Ðại Lâm gặp đại đức Nàgita, đảnh lễ vị này rồi đứng một bên. Otthadda người Licchavi thưa với đại đức Nàgita:

– Hiện nay đức Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ở tại đâu, chúng con muốn yết kiến đức Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.

– Màhàli, nay không phải thời yết kiến đức Thế Tôn, Ðức Thế Tôn đang chỉ tịnh.

Otthadda người Licchavi liền ngồi xuống một bên tại chỗ ấy và nói:

– Sau khi được yết kiến đức Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác con mới đi.

4. Khi ấy Sa-di Sìha đến đại đức Nàgita, đảnh lễ đại đức và đứng một bên. Sau khi đứng một bên, Sa-di Sìha nói với đại đức Nàgita:

– Bạch Ðại đức Kassapa (Ca-diếp) một số đông sứ giả Bà-La-môn ở Kosala và Magadha đã đến đây để yết kiến đức Thế Tôn; Otthada người Licchavi cũng đến đây với số đông dân chúng Licchavi để yết kiến đức Thế Tôn. Ðại đức Kassapa, lành thay, nếu những vị này được yết kiến đức Thế Tôn.

– Vậy Sìha hãy thưa với đức Thế Tôn.

– Thưa vâng, bạch Ðại đức!

Sa-di Sìha vâng theo lời dạy của đại đức Nàgita, đến tại chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài rồi đứng một bên. Sa-di Sìha sau khi đứng một bên liền bạch đức Thế Tôn:

– Bạch đức Thế Tôn, một số đông sứ giả Bà-la-môn ở Kosala và Magadha đến đây để yết kiến đức Thế Tôn. Otthadda, người Licchavi cùng một số đông dân chúng Licchavi đã đến đây để yết kiến đức Thế Tôn. Lành thay nếu những vị này được yết kiến đức Thế Tôn!

– Nay Sìha, hãy dọn chỗ ngồi trong bóng mát, trước mặt ngôi tịnh xá.

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn!

Sa-di Sìha vâng theo lời dạy đức Thế Tôn, sắp đặt một chỗ ngồi trong bóng mát trước mặt ngôi tịnh xá, và đức Thế Tôn đi ra khỏi tịnh xá và ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn trong bóng mát, trước mặt ngôi tịnh xá.

5. Rồi các sứ giả Bà-la-môn ở Kosala và Magadha đến tại chỗ đức Phật, nói lên những lời chúc tụng thân hữu và xã giao với Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Otthadda người Licchavi cùng với một số lớn dân Licchavi cũng đến tại chỗ đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Otthadda người Licchavi thưa với Thế Tôn:

– Bạch Ðại đức, hai ba ngày về trước, Sunakkhatta, dòng họ Licchavi đến chỗ con ở và nói với con: “Này Mahàli, từ khi tôi sống gần đức Phật, không lâu quá ba năm, tôi được thấy những thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không được nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi”. Bạch Thế Tôn, những thiên âm mà Sunakkhatta dòng họ Licchavi không nghe, những thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, không hiểu những thiên âm ấy có thật hay không có thật?

– Này Mahàli những thiên âm mà Sunakkhatta dòng họ Licchavi không nghe, những thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, những thiên âm ấy có thật, không phải không có.

6. – Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, những thiên âm mà Sunakkhatta, dòng họ Licchavi không nghe, những thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, những thiên âm ấy có thật, không phải là không có.

– Này Mahàli, có Tỷ-kheo tu định nhất hướng, hướng về phía Ðông với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nhưng không với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì vị này tu định nhứt hướng, hướng về phía Ðông với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nhưng không với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nên vị này thấy được về phía Ðông các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nhưng không nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì sao vậy? Này Mahàli vì Tỷ-kheo này trong khi tu định nhứt hướng, hướng về phía Ðông, chỉ với mục đích thấy các thiên sắc, mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi.

7. Lại nữa, này Mahàli, có vị Tỷ-kheo tu định nhứt hướng, hướng về phía Nam… về phía Tây… về phía Bắc… phía Trên, Dưới, Ngang, với mục đích thấy các thiên sắc, mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nhưng không với mục đích nghe các thiên âm, mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vị này tu định nhứt hướng, hướng về phía Trên, Dưới, Ngang, với mục đích thấy các thiên sắc, mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nhưng không với mục đích nghe các thiên âm, mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nên vị này thấy được về phía Trên, Dưới, Ngang, các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nhưng không nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì sao vậy? Này Mahàli, vì Tỷ-kheo này trong khi tu định nhứt hướng, hướng về phía Trên, Dưới, Ngang, chỉ với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi.

8. Này Mahàli, có vị Tỷ-kheo tu định nhất hướng, hướng về phía Ðông với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì vị này tu định nhất hướng, hướng về phía Ðông với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nhưng không với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nên vị này nghe được về phía Ðông các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì sao vậy? Này Mahàli, vì vị Tỷ-kheo này trong khi tu định nhứt hướng, hướng về phía Ðông, chỉ với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi.

9. Lại nữa, này Mahàli, có Tỷ-kheo tu định nhứt hướng, hướng về phía Nam… hướng về phía Tây… hướng về phía Bắc… phía Trên, Dưới, Ngang với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú phấn khởi. Vì vị này tu định nhứt hướng, hướng về phía Trên, Dưới, Ngang với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nhưng không với mục đích thấy các thiên sắc, mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nên vị này nghe được, phía Trên, Dưới, Ngang, các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi, nhưng không thấy được các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì sao vậy? Này Mahàli, vì Tỷ-kheo này trong khi tu định nhứt hướng, hướng về phía Trên, Dưới, Ngang chỉ với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nhưng không với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi.

10. Này Mahàli, có Tỷ-kheo tu định nhị hướng, hướng về phía Ðông với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và với mục đích nghe các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì vị tu định nhị hướng, hướng về phía Ðông với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và với mục đích nghe các thiên âm, mỹ diệu, thích thú, phấn khởi nên vị này hướng về phía Ðông thấy được các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và nghe được các thiên âm mỹ diệu, thích thú, phấn khởi. Vì sao vậy? Này Mahàli, vì Tỷ-kheo này trong khi tu định nhị hướng, hướng về phía Ðông với mục đích thấy các thiên sắc mỹ diệu, thích thú, phấn khởi và với mục đích nghe các thiên âm, mỹ diệu, thích thú, phấn khởi.

Trang: 1 2

×