15. Kinh Ðại duyên

25/05/2024 158 lượt xem

(Mahànidàna sutta)

1. Như vậy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn trụ tại bộ lạc Kuru (Câu-lâu), ở ấp Kuru tên là Kammassadhamma (Kiếm-ma-sắt-đàm). Tôn giả Ananda (A Nan) đến tại chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

– Hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy, và giáo pháp này đối với con hết sức minh bạch rõ ràng.

– Này Ananda, chớ có nói vậy! Này Ananda chớ có nói vậy! Này Ananda, giáo pháp Duyên khởi này thâm thúy, thật sự thâm thúy. Này Ananda, chính vì không giác ngộ, không thâm hiểu giáo pháp này mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một ổ kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja (ba-ba-la) không thể nào ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sanh tử.

2. Này Ananda, nếu có ai hỏi: “Già và chết do duyên nào không?” Hãy đáp: “Có”. Nếu có hỏi: “Già và chết do duyên gì?” Hãy đáp: “Già và chết do duyên sanh”.

Này Ananda, nếu có ai hỏi: “Sanh có duyên nào không?” Hãy đáp: “Có”. Nếu có hỏi: “Sanh do duyên gì?” Hãy đáp: “Sanh do duyên hữu”.

Này Ananda, nếu có ai hỏi: “Hữu có do duyên nào không? Hãy đáp: “Có”. Nếu có hỏi: “Hữu do duyên gì?” Hãy đáp: “Hữu do duyên thủ”.

Này Ananda, nếu có ai hỏi. “Thủ có do duyên nào không?” Hãy đáp: “Có”. Nếu có hỏi: “Thủ do duyên gì?” Hãy đáp: “Thủ do duyên ái”.

Này Ananda, nếu có ai hỏi: “Ái có duyên nào không?” Hãy đáp: “Có”. Nếu có hỏi: “Ái do duyên gì?” Hãy đáp: “Ái do duyên thọ”.

Này Ananda, nếu có ai hỏi: “Thọ có do duyên nào không?” Hãy đáp: “Có”. Nếu có hỏi: “Thọ do duyên gì?” Hãy đáp: “Thọ do duyên xúc”.

Này Ananda, nếu có ai hỏi: “Xúc có do duyên nào không?” Hãy đáp: “Có”. Nếu có hỏi: “Xúc do duyên gì?” Hãy đáp: “Xúc do duyên danh sắc”.

Này Ananda, nếu có ai hỏi: “Danh sắc có duyên nào không?” Hãy đáp: “Có”. Nếu có hỏi: “Danh sắc do duyên gì? Hãy đáp: “Danh sắc do duyên thức”.

Này Ananda, nếu có ai hỏi: “Thức có do duyên nào không?” Hãy đáp: “Có”. Nếu có hỏi: “Thức do duyên gì?” Hãy đáp: “Thức do duyên danh sắc”.

3. Này Ananda, như vậy do duyên danh sắc, thức sanh; do duyên thức, danh sắc sanh; do duyên danh sắc, xúc sanh; do duyên xúc, thọ sanh; do duyên thọ; ái sanh; do duyên ái, thủ sanh; do duyên thủ, hữu sanh; do duyên hữu, sanh sanh; do duyên sanh, lão tử sanh, do duyên lão tử, sầu, bi, khổ, ưu não sanh. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn tập khởi.

4. Trước đã nói: “Do duyên sanh; lão tử sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên sanh; lão tử sanh”? Này Ananda, nếu sanh không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như chư Thiên hay Thiên giới, Càn-thát-bà hay Càn-thát-bà-giới, Dạ-xoa hay Dạ Xoa giới. Quỷ thần hay Quỷ thần giới, loài Người hay Nhân giới, loại bốn chân hay tứ túc giới, loài chim hay điểu giới, loài trùng xà hay trùng xà giới. Này Ananda, nếu không có sanh cho tất cả, do sanh diệt thời lão tử có thể hiện hữu không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của lão tử, tức là sanh.

5. Trước đã nói: “Do duyên hữu, sanh sanh ra”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên hữu, sanh sanh ra”? Này Ananda, nếu hữu không có bất cứ loại nào giới nào, bất cứ chỗ nào xứ nào, như dục hữu, sắc hữu hay vô sắc hữu. Nếu không có hữu cho tất cả, do hữu diệt thời sanh có thể hiện hữu không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của sanh, tức là hữu.

6. Trước đã nói: “Do duyên thủ, hữu sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu hỏi: “Do duyên thủ, hữu sanh”? Này Ananda, nếu thủ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ hay ngã chấp thủ. Nếu không có thủ cho tất cả, do thủ diệt thời hữu có thể hiện hữu không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của hữu, tức là thủ.

7. Trước đã nói: “Do duyên ái, thủ sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên ái, thủ sanh”? Này Ananda, nếu ái không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái hay pháp ái. Nếu không có ái cho tất cả, do ái diệt thời thủ có thể hiện hữu không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của thủ, tức là ái.

8. Trước đã nói: “Do duyên thọ, ái sanh”. Này Ananda, nếu thọ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như nhãn xúc sở sanh thọ, nhĩ xúc sở sanh thọ, tỷ xúc sở sanh thọ, thiệt xúc sở sanh thọ, tỷ xúc sở sanh thọ, ý xúc sở sanh thọ. Nếu không có thọ cho tất cả, nếu thọ diệt thời ái có thể hiện hữu không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của ái, tức là thọ.

9. Này Ananda, như vậy do duyên thọ, ái sanh; do duyên ái, tìm cầu sanh; do duyên tìm cầu, lợi sanh; do duyên lợi, quyết định (sở dụng của lợi) sanh; do duyên quyết định, tham dục sanh; do duyên tham dục, đam trước sanh; do duyên đam trước, chấp thủ sanh; do duyên chấp thủ, hà tiện sanh; do duyên hà tiện, thủ hộ sanh; do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ.

10. Trước đã nói: “Do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp, như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên thủ hộ, phát sanh một số ác, bất thiện pháp, như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ”? Này Ananda, nếu thủ hộ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có thủ hộ cho tất cả, nếu thủ hộ diệt thời một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ có thể hiện hữu được không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của một số ác, bất thiện pháp như chấp trượng, chấp kiếm, tranh đấu, tranh luận, đấu khẩu, khẩu chiến, ác khẩu, vọng ngữ, tức là thủ hộ.

11. Trước đã nói: “Do duyên hà tiện, thủ hộ sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên hà tiện thủ hộ sanh”? Này Ananda, nếu hà tiện không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có hà tiện, cho tất cả, nếu hà tiện diệt thời thủ hộ có thể hiện hữu không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của thủ hộ, tức là hà tiện.

12. Trước đã nói: “Do duyên chấp thủ, hà tiện sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên chấp thủ, hà tiện sanh”? Này Ananda, nếu chấp thủ không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không chấp thủ cho tất cả, nếu chấp thủ diệt thời hà tiện có thể hiện hữu được không?

– Bạch Thế Tôn, không!

– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của hà tiện, tức là chấp thủ.

Trang: 1 2 3 4

×