19. Kinh Ðại Ðiển Tôn

25/05/2024 319 lượt xem

11. “Thế Tôn nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy. Một vị nói gì thời làm vậy, làm gì thời nói vậy, thành tựu các pháp và tùy pháp như vậy, làm gì thời nói vậy, thành tựu các pháp và túy pháp như vậy. Một vị đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.

12. “Thế Tôn đã vượt khỏi nghi ngờ, diệt trừ do dự, mọi suy tư được thỏa mãn về tâm nguyện và tối sơ phạm hạnh. Một vị đã vượt khỏi nghi ngờ, diệt trừ do dự, mọi suy tư được thỏa mãn về tâm nguyện và tối sơ phạm hạnh, một bậc Ðạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.

13. “Bạch Thế Tôn, rồi một số chư Thiên nói như sau:

“- Chư Thiện hữu, nếu có được bốn vị Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, diễn giảng Chánh pháp như Thế Tôn. Như vậy mới đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho loài Người và loài Trời”.

“Một số chư Thiên khác lại nói như sau:

“- Chư Thiện hữu, cần gì có bốn vị Chánh Ðẳng Giác. Chư Thiện hữu, nếu có được ba vị Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, diễn giảng Chánh pháp như Thế Tôn. Như vậy mới đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho loài Người và loài Trời.

“Một số chư Thiên khác lại nói như sau:

“- Chư Thiện hữu, cần gì có ba vị Chánh Ðẳng Giác. Chư Thiện hữu, nếu có được hai vị Chánh Ðẳng Giác xuất hiện ở đời, diễn giảng chánh pháp như Thế Tôn. Như vậy mới đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho loài Người và loài Trời.

14. “Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, Thiên chủ Ðế-thích nói với chư Thiên ở Tam thập tam thiên:

“- Chư Thiện hữu, không một chỗ nào, không một thời gian nào cùng chung một thế giới mà có hai vị Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác đồng thời ra đời, không ra trước, không ra sau, không bao giờ sự kiện như vậy có thể xảy ra. Chư Thiện hữu, một bậc Thế Tôn như vậy, không có tật bệnh, không có đau khổ, sống như vậy trong khoảng thời gian rất dài. Như vậy mới đem lại hạnh phúc cho chúng sanh, an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho loài Người và loài Trời.

“Bạch Thế Tôn, rồi với mục đích gì chư Thiên ở Tam thập tam thiên ngồi hội họp tại Thiện Pháp đường, các vị này suy tư, thảo luận về mục đích ấy. Và tùy thuộc về mục đích ấy, bốn vị đại vương được thuyết giảng: Theo mục đích ấy, bốn vị đại vương được khuyến giáo, bốn vị này đều đứng một bên chỗ ngồi của mình.

Các đại vương chấp nhận,
Lời giảng dạy khuyết giáo,
Thanh thoát và an tịnh,
Ðứng bên chỗ mình ngồi.

15. “Bạch Thế Tôn, rồi từ phương Bắc, một ánh sáng vi diệu khởi lên, một hào quang hiện ra thắng xa oai lực của chư Thiên. Bạch Thế Tôn, rồi Thiên chủ Sakka, nói với chư Thiên ở Tam thập tam thiên:

“- Này các Thiện hữu, theo các hiện tượng được thấy, ánh sáng khởi lên, hào quang hiện ra. Như vậy là báo hiệu Phạm thiên sẽ xuất hiện. Vì hiện tượng báo hiệu Phạm thiên xuất hiện là ánh sáng khởi lên và hào quang hiện ra.

Theo hiện tượng được thấy,
Phạm thiên sẽ xuất hiện,
Hiện tượng bậc Phạm thiên,
Là hào quang vi diệu.

“Bạch Thế Tôn, rồi chư Thiên ở Tam thập tam thiên, ngồi xuống trên ghế ngồi của mình và nói rằng:

“- Chúng tôi sẽ tìm hiểu kết quả của hào quang này là thế nào, sau khi được biết, chúng tôi sẽ đi gặp vị ấy.

Cũng vậy bốn vị đại vương ngồi xuống trên ghế của mình và nói rằng:

“- Chúng tôi sẽ tìm hiểu kết quả của hào quang này là thế nào, sau khi được biết, chúng tôi sẽ đi gặp vị ấy.

“Sau khi nghe vậy, chư Thiên ở Tam thập tam thiên đều đồng một lòng một ý: “Chúng ta sẽ tìm hiểu kết quả của hào quang này là thế nào, sau khi đã được biết, chúng ta sẽ gặp vị ấy”.

16. “Bạch Thế Tôn, khi Phạm thiên Sanamkumàra (Thường Ðồng hình Phạm thiên) xuất hiện trước chư Thiên ở Tam thập tam thiên, ngài xuất hiện với một hóa tướng thô xấu. Bạch Thế Tôn, vì khi Phạm thiên tự nhiên hiện hóa, các tướng không đủ thù thắng để chư Thiên ở Tam thập tam thiên khâm phục. Bạch Thế Tôn, khi Phạm thiên Sanamkumàra xuất hiện trước chư Thiên ở Tam thập tam thiên vị này thắng xa chư THiên khác về sắc tướng và danh tiếng. Bạch Thế Tôn, như một hình tượng bằng vàng chói sáng hơn thân hình con người, cũng vậy bạch Thế Tôn khi Phạm thiên Sanamkumàra xuất hiện trước chư Thiên ở Tam thập tam thiên, vị này thắng xa chư Thiên khác về sắc tướng và danh tiếng. Bạch Thế Tôn, khi Phạm thiên Sanamkumàra xuất hiện trước chư Thiên ở Tam thập tam thiên, không một vị Thiên trong chúng này đảnh lễ hoặc đứng dậy mời Phạm thiên ngồi. Tất cả đều yên lặng, chắp tay, không ngồi trên chỗ ngồi của mình và nghĩ rằng: “Nếu nay Phạm thiên Sanamkumàra muốn gì với vị Thiên nào, thì hãy ngồi trên chỗ ngồi của vị Thiên ấy sẽ vô cùng sảng khoái, sẽ vô cùng hoan hỷ. Bạch Thế Tôn, như vị vua Sát-đế-lỵ vừa mới làm lễ quán đảnh và lên vương vị, vị ấy sẽ vô cùng sảng khoái, sẽ vô cùng hoan hỷ. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, Phạm thiên Sanamkumàra ngồi trên chỗ ngồi của vị Thiên nào, vị Thiên ấy sẽ vô cùng sảng khoái, sẽ vô cùng hoan hỷ.

17. “Bạch Thế Tôn, rồi Phạm thiên Sanamkumàra biết được sự thoải mái hoan hỷ của chư Thiên ở Tam thập tam thiên liền ân hình tùy hỷ nói lên bài kệ sau đây:

Chư Tam thập tam thiên,
Cùng Ðế-thích hoan hỷ,
Ðảnh lễ bậc Như Lai,
Và Chánh pháp vi diệu.
Thấy Thiên chúng tân sanh,
Quang sắc thật thù thắng,
Các vị sống phạm hạnh,
Nay sanh tại cõi này,
Thắng xa về quang sắc,
Thọ mạng và danh xưng,
Ðệ tử bậc Ðại Tuệ,
Thù thắng sanh cõi nầy.
Chư Tam thập tam thiên,
Cùng Ðế Thích hoan hỷ,
Ðảnh lễ bậc Như Lai,
Và Chánh pháp vi diệu.

18. “Bạch Thế Tôn, đó là nội dung lời nói của Phạm Thiên Sanamkumàra. Bạch Thế Tôn tiếng nói của Phạm Thiên Sanamkumàra có tám đặc điểm sau đây: Lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động. Bạch Thế Tôn, khi Phạm thiên Sanamkumàra giải thích cho hội chúng với tiếng nói của mình, tiếng nói không vượt ra khỏi đại chúng. Bạch Thế Tôn một tiếng nói có tám đặc điểm như vậy được gọi là Phạm âm.

19. “Bạch Thế Tôn, chư Thiên ở Tam thập tam thiên nói với Phạm thiên Sanamkumàra như sau:

“- Này Phạm thiên, chúng tôi thật sự hoan hỷ với những điều chúng tôi đã được chú ý. Hơn nữa Thiên chủ Sakka đã nói đến tám pháp như thật của Thế Tôn; và chúng tôi hoan hỷ với tám pháp này.

“Bạch Thế Tôn, rồi Phạm thiên Sanamkumàra nói với Thiên chủ Ðế-thích:

“- Thật lành thay, Thiên chủ, nếu chúng tôi được nghe tám pháp như thật của Thế Tôn.

“- Vâng, Ðại Phạm thiên.

Bạch Thế Tôn, Thiên chủ Ðế-thích, giải thích tám pháp như thật của Thế Tôn cho Phạm thiên Sanamkumàra:

20. “- Này Thiện hữu Ðại Phạm thiên, Ngài nghĩ thế nào? Như Lai dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời, loài Người. Một vị Ðạo sư dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời, loài Người như vậy, một vị Ðạo sư đầy đủ đức tánh như vậy chúng ta khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn.

Trang: 1 2 3 4 5 6

×