21. – Này Tôn chủ, tôi sẽ cho một ví dụ. Ở đời một số người có trí thức, nhờ ví dụ hiểu được ý nghĩa câu nói. Này Tôn chủ, thuở xưa có người bện tóc thờ lửa, sống trong một ngôi nhà lá, tại một khu rừng. Này Tôn chủ, một số dân chúng di cư đến đấy. Vị lãnh đạo của chúng, sau một đêm ở xung quanh cái cốc của người bện tóc thờ lửa bèn bỏ đi. Này Tôn chủ, người bện tóc thờ lửa suy nghĩ: “Nếu ta đến chỗ ở của người lãnh đạo, ta có thể kiếm được một vài đồ vật hữu dụng ở đó.” Rồi người bện tóc thở lửa, dậy sớm đến chỗ ở của người lãnh đạo, và thấy một đứa hài nhi bị quăng nằm ngửa ở đó. Thấy vậy vị ấy nghĩ: “Thật không phải chút nào nếu ta để một hài nhi phải chết trong khi ta đang tìm kiếm. Ta hãy đem hài nhi này về cốc của ta, nuôi nó, săn sóc nó, cấp dưỡng nó”. Rồi người bện tóc thờ lửa ấy đem đứa hài nhi ấy về cốc nuôi nó, săn sóc nó, cấp dưỡng nó. Khi đứa trẻ đến tuổi mười hay mười hai, người bện tóc thờ lửa có công việc phải đi xuống đồng bằng. Người bện tóc thờ lửa bảo đứa trẻ ấy: Này con, ta muốn đi xuống đồng bằng, hãy chăm sóc ngọn lửa, đừng để nó tắt. Nếu lửa có tắt, đây là cái búa nhỏ, đây là củi, đây là đồ quay để nhóm lửa, hãy nhen lửa lại và chăm sóc ngọn lửa”. Người bện tóc thờ lửa ấy, sau khi căn dặn đứa trẻ, bèn đi xuống đồng bằng. Ðứa trẻ mãi ham vui đùa khiến lửa tắt. Ðứa trẻ suy nghĩ: “Cha ta có bảo ta: “Hãy chăm sóc ngọn lửa, đừng để nó tắt. Nếu con để tắt lửa, đây là cái búa nhỏ, đây là củi, đây là đồ quay để nhóm lửa lại.” Vậy ta hãy nhen lửa lên và chăm sóc ngọn lửa.” Rồi đứa trẻ ấy lấy búa chẻ đồ quây lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ tìm thấy lửa.” Nhưng lửa không có. Nó đem chẻ đồ quây lửa làm hai, làm ba, làm bốn, làm năm, làm mười, làm trăm, chẻ nhỏ vụn ra, lấy chày mà giã, và sau khi đã giã nhỏ, lại đem ra sàng trước gió lớn với ý nghĩ: “Ta sẽ tìm thấy lửa.” Nhưng lửa không có. Người bện tóc sau khi làm xong công việc ở đồng bằng, liền về cốc của mình và hỏi đứa bé: “Này con, sao con để tắt lửa thế này?” – “Thưa cha, con mãi ham chơi nên để lửa tắt. Rồi con suy nghĩ: “Cha đã bảo ta: “Hãy chăm sóc ngọn lửa, đừng để tắt nó. Nếu con để tắt lửa, đây là cái búa nhỏ, đây là củi, đây là đồ quây để nhen lửa. Hãy nhen lửa lại và chăm sóc ngọn lửa”. Vậy ta hãy nhen lửa lên và chăm sóc ngọn lửa”. Thưa cha, rồi con lấy búa nhỏ chẻ đồ quây lửa với ý nghĩ: “Ta sẽ tìm ra lửa.” Nhưng con tìm không được lửa. Con đem chẻ đồ quây lửa, làm hai, làm ba, lám bốn, làm năm, làm mười, làm trăm, chẻ nhỏ vụn ra, lấy chày mà giã, và sau khi giã nhỏ, lại đem ra sàng trước gió lớn với ý nghĩ: “Ta sẽ tìm ra lửa,” nhưng con không tìm được lửa”. Rồi người bện tóc thờ lửa ấy suy nghĩ: “Ðứa trẻ này thật ngu si và kém thông minh. Sao lại đi tìm lửa một cách thiếu suy tư như thế này?” Trong khi đứa trẻ đứng nhìn, người ấy cầm đồ quây lửa, nhen lửa lên và nói với đứa trẻ: “Này con, nhen lửa phải làm như vậy đó, chớ không phải như con ngu si và kém thông minh, tìm lửa một cách thiếu suy tư.” Cũng vậy này Tôn chủ, Ngài ngu si, kém thông minh, đi tìm đời sau một cách kém suy tư. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác kiến ấy! Chớ có tự dấn thân vào sự bất an và đau khổ trường kỳ.
22. – Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, Tôi cũng không thể từ bỏ ác tà kiến này. Vua Pasenadi nước Kosala và vua các nước ngoài đã biết tôi như sau: “Tôn chủ Pàyàsi có quan điểm, có tri kiến như thế này: “Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo.” Tôn giả Kassapa, nếu tôi từ bỏ ác tà kiến ấy người ta sẽ phê bình tôi như sau: “Tôn chủ Pàyà thật là ngu si, kém thông minh, chấp kiến một cách sai lạc.” Vì tức giận, nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì lừa gạt nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì tự trọng nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy.
23. – Vậy này Tôn chủ, tôi sẽ cho Ngài một ví dụ. Ở đời một số người có trí, nhờ ví dụ mà hiểu ý nghĩa lời nói. Này Tôn chủ, thuở xưa, một đoàn lữ hành lớn gồm một ngàn cỗ xe đi từ phương Ðông quốc độ qua phương Tây quốc độ. Ði đến chỗ nào, đoàn lữ hành ấy cũng tiêu thụ rất mau cỏ, củi, nước và cây lá xanh tươi. Ðoàn lữ hành ấy có hai vị lãnh đạo, một vị lãnh đạo năm trăm cỗ xe, một vị lãnh đạo năm trăm cỗ xe. Hai vị lãnh đạo đoàn lữ hành suy nghĩ như sau: “Ðoàn lữ hành lớn này gồm có một ngàn cỗ xe. Chỗ nào chúng ta đi tới thì đoàn tiêu thụ rất mau cỏ, củi, nước và cây lá xanh tươi. Vậy chúng ta hãy chia đoàn lữ hành này thành hai, mỗi đoàn có năm trăm cỗ xe.”
Rồi hai vị lãnh đạo ấy chia đoàn lữ hành thành hai, một đoàn có năm trăm cỗ xe, một đoàn có năm trăm cỗ xe. Rồi một vị lãnh đạo thâu lượm rất nhiều cỏ, củi, nước và cho đoàn lữ hành chuyển bánh. Sau khi đi hai, ba ngày, vị lãnh đạo ấy thấy một người da đen, mắt đỏ, mang theo ống tên, đeo vòng hoa súng, áo quần ướt, tóc ướt, đánh một cỗ xe do lừa kéo, bánh xe dính đầy bùn và đi từ phía trước đi lại. Thấy vậy, người lãnh đạo hỏi:
“- Bạn từ phương nào đến?
“- Từ nơi quốc độ kia đến.
“- Bạn sẽ đi đâu?
“- Sẽ đi đến địa phương tên này.
“- Bạn có thấy, trong khu rừng trước mặt, có mưa to gần đây không?
“- Thưa bạn, trong khu rừng trước mặt có mưa to, đường xá đầy sũng những nước, có nhiều cỏ, nhiều củi và nhiều nước. Hãy quăng bỏ cỏ, củi và nước cũ đi, để cỗ xe được nhẹ và đi cho mau. Chớ có làm cho đoàn xe mệt nhọc.”
Khi ấy người lãnh đạo nói với những người đánh xe:
“- Này các Bạn, người này nói như sau: Trong khu rừng trước mặt có mưa to, đường sá đầy sũng nước, có nhiều cỏ, nhiều củi và nhiều nước. Hãy quăng bỏ cỏ, củi và nước cũ đi, để cỗ xe được nhẹ và đi cho mau. Chớ có làm cho đoàn xe mệt nhọc.” Vậy các bạn hãy quăng cỏ, củi và nước cũ đi, để đoàn xe đi với những cỗ xe nhẹ hơn.
“- Thưa Bạn, vâng!”
Những người đánh xe vâng theo lời vị lãnh đạo đoàn lữ hành, quăng cỏ, củi và nước cũ đi và dẫn đoàn xe đi với những cỗ xe nhẹ hơn. Nhưng khi đi đến trạm nghỉ thứ nhất, họ không thấy cỏ, củi hay nước, trạm thứ hai cũng vậy… trạm thứ ba cũng vậy… trạm thứ tư cũng vậy… trạm thứ năm cũng vậy… trạm thứ sáu cũng vậy… trạm thứ bảy cũng vậy, họ không thấy cỏ, củi hay nước. Tất cả đều gặp sự bất hạnh và tai nạn. Tất cả người và vật trong lữ đoàn ấy, đều bị Dạ xoa, phi nhân ăn thịt, chỉ còn xương để lại.
Khi người lãnh đạo đoàn thứ hai được biết: “Nay đoàn kia đi đã khá xa”, bèn cho thâu lượm nhiểu cỏ, củi và nước và cho đoàn khởi hành. Sau khi đi hai, ba ngày, vị lãnh đạo ấy thấy một người da đen, mắt đỏ, mang theo ống tên, đeo vòng hoa súng, áo quần ướt, tóc ướt, đánh một cỗ xe do lừa kéo, bánh xa dính đầy bùn và đi từ phía trước đi lại. Thấy vậy người lãnh đạo hỏi:
“- Bạn từ phương nào đến?
“- Từ nơi quốc độ kia đến.
“- Bạn sẽ đi đâu?
“- Sẽ đi đến địa phương tên này.
“- Bạn có thấy trong khu rừng trước mặt, có mưa to gần đây không?
“- Thưa Bạn, trong khu rừng trước mặt, có mưa to, đường sá đầy sũng những nước, có nhiều cỏ, nhiều củi và nhiều nước. Hãy quăng bỏ cỏ, củi và nước cũ đi, để cỗ xe được nhẹ và đi cho mau. Chớ có làm cho đoàn xe mệt nhọc.
Khi ấy người lãnh đạo nói với những người đánh xe:
“- Này các Bạn, người này nói như sau: Trong khu rừng trước mặt có mưa to, đường sá đầy sũng nước, có nhiều cỏ, nhiều củi và nhiều nước. Hãy bỏ cỏ, củi và nước cũ đi, để cổ xe được nhẹ và đi cho mau. Chớ làm cho đoàn xe mệt nhọc.” Nhưng này các Bạn, người ấy không phải là bạn của chúng ta, cũng không phải là bà con ruột thịt, làm sao chúng ta có thể tin người ấy được? Chớ quăng bỏ các thứ cỏ, củi và nước đã dự trữ từ trước. Hãy cho đoàn lữ hành tiến tới với các hàng hóa đã được mang theo, chúng ta không quăng bỏ đi các vật đang dự trữ từ trước.
“- Thưa Bạn, vâng.”
Những người đánh xe ấy, vâng theo lời người lãnh đạo, cho đoàn lữ hành tiến tới với những hàng hóa đã mang theo. Ðến trạm nghĩ thứ nhất những người này không thấy cỏ, củi hay nước, đến trạm thứ hai cũng vậy… trạm thứ ba cũng vậy… trạm thứ tư cũng vậy…. trạm thứ năm cũng vậy… trạm thứ sáu cũng vậy…. trạm thứ bảy cũng vậy… chúng không thấy cỏ, củi hay nước, nhưng chúng thấy đoàn lữ hành trước bị lâm vào tai nạn. Những người và thú vật trong đoàn lữ hành kia, chúng thấy các bộ xương do con Dạ xoa phi nhân ấy ăn thịt.
Rồi người lãnh đạo nói với các người đánh xe:
“- Này các Bạn, đoàn lữ hành ấy bị lâm nạn vì bị người lãnh đạo ngu si như vậy hướng dẫn. Vậy này các bạn, hãy bỏ đi những vật hạng ít giá trị của đoàn lữ hành này, hãy đem theo những vật hạng đắt giá của đoàn lữ hành kia!
“- Thưa Bạn, vâng!”
Những người đánh xe ấy vâng theo người lãnh đạo quăng bỏ đi những vật hạng ít giá trị của đoàn lữ hành của mình, đem đi theo những vật hạng đắt giá của đoàn lữ hành kia và đi qua bãi sa mạc ấy một cách an toàn, vì được hướng dẫn bởi một vị lãnh đạo sáng suốt. Cũng vậy này Tôn chủ, người ngu si không có trí sẽ gặp nạn vì đã đi tìm kiếm đời sau một cách thiếu suy tư, giống như người lãnh đạo đoàn lữ hành kia. Những ai tự nghĩ có thể tin bất cứ điều gì được nghe sẽ gặp hoạn nạn như những người đánh xe kia. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Này Tôn chủ, bãy từ bỏ ác tà kiến này. Chớ để chúng đưa Ngài vào đau khổ bất hạnh lâu dài!”
24. – Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, tôi cũng không thể từ bỏ ác tà kiến này. Vua Pasenadi nước Kosala là vua các nước ngoài đã biết tôi như sau: “Tôn chủ Pàyàsi có quan điểm, có tri kiến như thế này: “Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo.” Tôn giả Kassapa, nếu tôi từ bỏ ác kiến ấy người ta sẽ phê bình tôi như sau: “Tôn chủ Pàyàsi thật là ngu si, kém thông minh, chấp kiến một cách sai lạc.” Vì tức giận nên tôi phải chấp chặt tà kiến sai lạc.” Vì tức giận nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì tự trọng nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy.
25. – Này Tôn chủ, vậy tôi sẽ kể một ví dụ. Ở đời nhờ ví dụ, một số người có trí hiểu được ý nghĩa lời nói. Thuở xưa có một người nuôi heo đi từ làng của mình đến một làng khác. Ở tại đấy, ông ta thấy một đống phân khô bị quăng bỏ. Thấy vậy, nó tự nghĩ: “Ðống phân khô khá nhiều bị quăng bỏ đi có thể làm đồ ăn cho các con heo của ta. Vậy ta hãy mang đống phân khô này đi.” Rồi ông ta trải áo choàng của nó mang đống phân khô lại, cột thành một gói đặt trên đầu rồi đi. Ði giữa đường, một cơn mưa lớn trái mùa xẩy ra. Ông mang bọc phân ấy đi, với phân thấm ướt tiết ra và chảy thành giọt, làm ông lem lấm phân cho đến đầu móng tay. Mọi người thấy ông liền nói: “Ông có thật sự điên, thật sự khùng chăng? Làm sao ông lại mang bọc phân ấy đi, với nước phân thấm ướt tiết ra và chảy thành giọt, làm người lem lấm phân cho đến đầu móng tay.” – Chính các Người mới thật sự điên, chính các Người mới thật sự khùng. Chính nhờ như thế này, các con heo của tôi mới có đồ ăn.” Cũng vậy này Tôn chủ, Ngài nói chẳng khác gì ví dụ người mang phân này. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác kiến ấy. Chớ để chúng đưa Ngài vào đau khổ, bất hạnh lâu dài.
26. – Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, tôi cũng không thể từ bỏ ác tà kiến này. Vua Pasenadi nước Kosala và vua các nước ngoài đã biết tôi như sau: “Tôn chủ Pàyàsi có quan điểm, có tri kiến như thế này: “Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo”. Tôn giả Kassapa, nếu tôi từ bỏ ác tà kiến ấy người ta sẽ phê bình tôi như sau: “Tôn chủ Pàyàsi thật là ngu si, kém thông minh, chấp kiến một cách sai lạc.” Vì tức giận nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì lừa gạt nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì tự trọng nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy.
27. – Này Tôn chủ, vậy tôi sẽ kể một ví dụ. Ở đời nhờ ví dụ, một số người có trí hiểu được ý nghĩa lời nói. Thuở xưa, có hai người đánh bạc đổ con xúc xắc. Một con bạc mỗi lần thua liền ngậm con xúc xắc thất bại. Con bạc thứ hai thấy con bạc ấy mỗi lần thua liền ngậm con xúc xắc thất bại. Thấy vậy người này bàn với người kia: “Này Bạn, Bạn đã thắng rõ ràng. Bạn hãy đưa cho tôi các con xúc xắc để đi làm lễ tế.” – ” Thưa Bạn, vâng!”, con bạc ấy liền đưa các con xúc xắc cho con bạc kia. Người này bèn lấy thuốc độc thoa vào các con xúc xắc và nói với người kia: “Này Bạn, hãy chơi đổ các con xúc xắc.” – “Thưa Bạn, vâng!”, con bạc ấy vâng theo lời của con bạc kia. Lần thứ hai, hai con bạc ấy đổ con xúc xắc, lần thứ hai , con bạc này mỗi lần thua liền ngậm con xúc xắc thất bại. Con bạc thứ hai thấy con bạc kia, lần thứ hai, mỗi lần thua ngậm con xúc xắc thất bại. Thấy vậy, người ấy nói với con bạc kia:
Con người không được biết.
Con xúc xắc được ngậm,
Ðã được bôi thoa nhiều,
Với thuốc độc đốt cháy.
Hãy ngậm đi, ngậm đi,
Con bạc ác độc kia!
Ngậm xong nhà Ngươi phải
Ðau đớn vô cùng tận.
Cũng vậy này Tôn chủ. Ngài nói chẳng khác gì ví dụ người đánh bạc. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Chớ để chúng đưa Ngài vào đau khổ, bất hạnh lâu dài.
28. – Dầu Tôn giả Kassapa có nói như vậy, tôi cũng không thể từ bỏ ác tà kiến này. Vua Pasenadi nước Kosala và vua các nước ngoài đã biết tôi như sau: “Tôn chủ Pàyàsi có quan điểm, có tri kiến như thế này: “Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báo!” Tôn giả Kassapa, nếu tôi từ bỏ ác tà kiến ấy, người ta sẽ phê bình tôi như sau: “Tôn chủ Pàyàsi thật ngu si, kém thông minh, chấp kiến một cách sai lạc”. Vì tức giận nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì lường gạt nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy. Vì tự trọng nên tôi phải chấp chặt tà kiến ấy!
29. – Này Tôn chủ, vậy tôi sẽ kể một ví dụ. Ở đời nhờ ví dụ, một số người có trí hiểu được ý nghĩa lời nói. Thuở xưa, một quốc gia dời đi chỗ khác. Một người nói với các bạn thuộc hạ của mình: “Này các Bạn, chúng ta hãy đi đến quốc gia kia, rất có thể chúng ta tìm được tiền bạc của cải.” Thưa Bạn, vâng!”, các thuộc hạ vâng lời người bạn kia. Họ đi đến quốc gia kia, và đến một đường làng. Họ thấy một đống gai, quăng bỏ. Thấy vậy, một người bạn nói với các người kia: “Ðây là một đống gai quăng bỏ. Bạn hãy nhóm lại thành một bó. Tôi cũng nhóm lại thành một bó gai. Chúng ta hãy đem bó gai ấy đi.” – “Thưa Bạn, vâng!”, người bạn này vâng theo người bạn kia và cột bó gai lại.
Họ mang hai bó gai, và đi đến một làng khác. Họ thấy một đống dây gai quăng bỏ. Thấy vậy một người bạn nói với người kia: “Ðống dây gai quăng bỏ này thật đúng với điều chúng ta muốn làm với bó dây gai ấy. Vậy bạn hãy nhóm lại thành một bó dây gai. Tôi cũng nhóm lại thành một bó dây gai. Chúng ta hãy đem hai bó dây gai ấy đi.” – “Này Bạn, tôi đem đống dây gai này từ xa lại, và đống dây gai được bó buộc kỹ lưỡng. Ðối với tôi, như vậy là vừa đủ, bạn hãy tự biết (mà làm).” Và người bạn trước quăng bó dây gai và lấy đống dây gai.
Rồi họ đến một con đường khác. Ở đấy họ thấy nhiều vải gai được quăng bỏ. Thấy vậy, một người bạn nói với người kia: “Nhiều vải gai được quăng bỏ này thật đúng với điều chúng ta muốn làm với cây gai hoặc với dây gai. Vậy Bạn hãy quăng bỏ bao cây gai, và tôi sẽ quăng bỏ bao dây gai. Hai chúng ta sẽ mang bao vải gai này mà đi.” – “Này Bạn, tôi đem đống dây gai này từ xa lại và đống dây gai được buộc bó kỹ lưỡng. Ðối với tôi, như vậy là vừa đủ. Bạn hãy tự biết (mà làm).” Và người bạn trước quăng bỏ dây gai và lấy bó vải gai.
Rồi họ đến một con đường khác. Ở đây họ thấy nhiều sồ ma được quăng bỏ. Sau khi thấy… nhiều dây sồ ma được quăng bỏ. Sau khi thấy… nhiều vải sồ ma được quăng bỏ. Sau khi thấy… nhiều cây bông được quăng bỏ. Sau khi thấy… nhiều vải bông được quăng bỏ… Sau khi thấy… nhiều sắt được quăng bỏ. Sau khi thấy… nhiều đồng được quăng bỏ. Sau khi thấy… nhiều thiếc được quăng bỏ. Sau khi thấy… nhiều chì được quăng bỏ. Sau khi thấy… nhiều bạc được quăng bỏ. Sau khi thấy… nhiều vàng được quăng bỏ. Thấy vậy một người bạn nói với người bạn kia: “Nhiều vàng được quăng bỏ này thật đúng với điều chúng ta muốn làm với cây gai hay với dây gai, hay với vải sồ ma, hay với cây bông, hay với vải bông, hay với sắt, hay với đồng, hay với thiếc, hay với chì, hay với bạc. Vậy bạn hãy quăng bỏ bao cây gai, và tôi sẽ quăng bỏ bao bạc. Hai chúng ta sẽ mang bao vàng mà đi.” – “Này ban, tôi đem bao cây gai này từ xa lại, và đống gai được bó buộc ký lưỡng. Ðối với tôi, như vậy là vừa đủ. Bạn hãy tự biết (mà làm).” Và người bạn trước quăng bao bạc và lấy bao vàng.
Cả hai về đến làng của mình. Người bạn đem bao cây gai về, cha mẹ người ấy không được vui vẻ, vợ con người ấy không được vui, bạn bè người ấy không được vui vẻ, và do vậy anh ta không được hạnh phúc, hoan hỷ. Còn người bạn đem bao vàng về, cha mẹ người ấy được vui vẻ, vợ con người ấy được vui vẻ, bạn bè người ấy được vui vẻ và do vậy người ấy được hạnh phúc hoan hỷ.
Cũng vậy Tôn chủ, Ngài nói không khác gì ví dụ người mang bao cây gai. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Này Tôn chủ, hãy từ bỏ ác tà kiến ấy. Chớ để chúng đưa Ngài vào đau khổ, bất hạnh lâu dài.
30. – Với ví dụ đầu tiên của Tôn giả Kassapa tôi đã hoan hỷ, thỏa mãn, nhưng tôi muốn nghe những câu hỏi đáp thông minh ấy vì tôi xem Tôn giả Kassapa như người đáng được đối lập. Thật kỳ diệu thay, Tôn giả Kassapa! Thật hy hữu thay, Tôn giả Kassapa! Tôn giả Kassapa, như một người giơ ra vật gì bị che kín, hay như người hướng dẫn cho kẻ bị lạc đường, hay như người đem đèn vào trong bóng tối cho người có mắt được thấy sắc, cũng vậy Chánh pháp được Tôn giả Kassapa dùng nhiều phương tiện trình bày. Tôn giả Kassapa, nay con quy y Thế Tôn Gotama, quy ý Pháp, quy y chúng Tỷ kheo Tăng, Tôn giả Kassapa, hãy nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến trọn đời xin nhận Ngài làm chỗ y chỉ. Tôn giả Kassapa, con muốn tổ chức một đại lễ tế đàn. Tôn giả Kassapa hãy giảng dạy cho con để con được hưởng hạnh phúc an lạc lâu dài.