11. Này Bhaggava, Jàliya, đệ tử của Dàrupatti, dầu có dùng ví dụ ấy, cũng không thể khiến lõa thể Pàtikaputta rời khỏi chỗ ngồi, liền về Hội chúng ấy và báo tin:
“- Lõa thể Pàtikaputta đã thảm bại, tuy nói: “Này Bạn, tôi sẽ đến; này Bạn, tôi sẽ đến”, nhưng ông ấy trườn bò qua lại tại chỗ, không có thể từ chỗ ngồi đứng dậy.”
12. Này Bhaggava, khi nghe nói vậy, Ta nói với hội chúng ấy:
“- Này các Hiền giả, lõa thể Pàtikaputta, nếu ông ấy không từ bỏ lời nói ấy, không từ bỏ tâm ấy, không từ bỏ tà kiến ấy, thì không có thể đến gặp mặt Ta được. Nếu ông ấy nghĩ rằng: “Ta tuy không từ bỏ lời nói ấy, không từ bỏ tâm ấy, không từ bỏ tà kiến ấy, có thể đến gặp mặt Sa môn Gotama được”, thì đầu của ông ấy sẽ bị bể tan. Nếu quý vị Licchavi nghĩ rằng: “Chúng ta hãy cột lõa thể Pàtikaputta với dây thừng và dùng bò kéo ông ấy lại đây”. Pàtikaputta sẽ bứt đứt dây thừng ấy. Lõa thể Pàtikaputta không có thể không từ bỏ lời nói ấy… có thể đến gặp mặt Ta được. Nếu ông ấy nghĩ rằng: “Ta có thể không từ bỏ lời nói ấy… có thể đến gặp mặt Sa môn Gotama được”, thì đầu của ông ấy sẽ bị bể tan.”
13. Này Bhaggava, rồi Ta giảng dạy cho hội chúng ấy, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với bài thuyết pháp. Sau khi giảng dạy cho hội chúng ấy, khuyến khích, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ với bài thuyết pháp, Ta khiến cho họ giải thoát đại kiết sử, cứu vớt tám vạn bốn ngàn chúng sanh thoát khỏi đại đọa xứ, Ta nhập thiền quang giới tam muội, bay lên hư không cao đến bảy cây ta-la, phóng hào quang cao đến hơn bảy cây ta-la, khiến cho cháy sáng, rực sáng và Ta hiện ra tại Trùng Các giảng đường ở Ðại Lâm. Này Bhaggava, rồi Sunakkhatta, thuộc bộ lạc Licchavi đến Ta, đảnh lễ Ta và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, này Bhaggava, Ta nói với Sunakkhatta, thuộc bộ lạc Licchavi đang ngồi một bên:
“- Này Sunakkhatta, Ngươi nghĩ thế nào? Có phải điều Ta nói cho Ngươi về lõa thể Pàtikaputta, đã được thực hiện đúng như vậy, không có gì khác?
“- Bạch Thế Tôn, điều Thế Tôn nói cho con về lõa thể Pàtikaputta đã được thực hiện đúng như vậy, không có gì khác.
“- Này Sunakkhatta, Ngươi nghĩ thế nào? Sự kiện là như vậy, thì có phải pháp thượng nhân thần thông đã được thực hiện hay không được thực hiện?
“- Bạch Thế Tôn, sự kiện là như vậy, thì pháp thượng nhân thần thông đã được thực hiện, không phải không thực hiện.
– “Này kẻ ngu kia, như vậy là pháp thượng nhân thần thông đã được Ta thực hiện, thế mà Ngươi lại nói: “Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không thực hiện pháp thượng nhân thần thông.” Này kẻ ngu kia, hãy thấy sự lỗi lầm của Ngươi như vậy là như thế nào!”
Này Bhaggava, như vậy Sunakkhatta thuộc bộ lạc Licchavi dầu được Ta nói vậy, từ bỏ Pháp và Luật này, như người phải rơi vào đọa xứ, địa ngục.
14. Này Bhaggava, Ta biết về khởi nguyên thế giới, Ta còn biết hơn thế nữa. Và khi Ta biết như vậy, Ta không có chấp trước. Vì không có chấp trước, Ta tự thân thấu hiểu được sự an tịnh ấy; chính nhờ chứng ngộ sự an tịnh này mà Như Lai không rơi vào lầm lỗi. Này Bhaggava, có những vị Sa môn, Bà la môn tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do Tự Tại thiên (Issara) tạo ra, do Phạm thiên (Brahma) tạo ra. Ta đến những vị ấy và nói:
“- Có phải chư Tôn giả lại tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do Tự Tại thiên tạo ra, do Phạm thiên tạo ra?”
Ðược Ta hỏi vậy, quý vị ấy trả lời:
“- Vâng!”
Ta nói với quý vị ấy:
“- Sao chư Tôn giả lại tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo thuyền thống là do Tự Tại thiên tạo ra, do Phạm thiên tạo ra”?
Ðược Ta hỏi vậy, quý vị ấy không thể trả lời được. Không thể trả lời được, quý vị ấy hỏi lại Ta, và được hỏi vậy, Ta trả lời như sau:
15. “- Chư Hiền giả, có một thời, đến một giai đoạn nào đó, sau một thời gian rất lâu, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, phần lớn các loài hữu tình chuyển sanh qua Abhassara (Quang Âm thiên) ở tại đây, những loài hữu tình nào do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh và sống như vậy trong một thời gian khá dài. Chư Hiền giả, có một thời, đến một giai đoạn nào đó, sau một thời gian rất lâu, thế giới này chuyển thành, Phạm cung được hiện ra nhưng trống không. Lúc bấy giờ, một loài hữu tình, hoặc thọ mạng đã tận, hay phước báo đã tận, mạng chung từ Quang Âm thiên sanh qua Phạm cung trống không ấy. Vị ấy ở tại đấy, do ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy trong một thời gian khá dài. Vị này, tại chỗ ấy, sau khi sống lâu một mình như vậy, khởi ý chán nản, không hoan hỷ và có kỳ vọng: “Mong sao có các loài hữu tình khác cũng đến tại chỗ này!” Lúc bấy giờ, các loài hữu tình khác, hoặc thọ mạng đã tận, hãy phước báo đã tận, bị mệnh chung và từ thân Quang Âm thiên sanh qua Phạm cung trống không để làm bạn với vị hữu tình kia. Các loại hữu tình này ở đây cũng có ý sanh, nuôi sống bằng hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh và sống như vậy trong một thời gian khá dài.
16. “Lúc bấy giờ, này các Hiền giả, vị hữu tình sanh qua đầu tiên nghĩ rằng: “Ta là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Những loài hữu tình ấy do chính ta hóa sanh. Tại sao vậy? Vì chính do ta khởi niệm: Mong sao các loài hữu tình khác cũng đến tại chỗ này! Chính do sở nguyện của ta mà những loại hữu tình ấy đến tại chỗ này”. Các loài hữu tình đến sau cùng nghĩ như thế này: “Vị ấy là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Chúng ta do vị Phạm thiên này hóa sanh. Vì chúng ta thấy vị này sanh trước ở đây rồi, còn chúng ta thì sanh sau”.
17. “Này các Hiền giả, vị hữu tình sanh ra đầu tiên ấy, sống được lâu hơn, sắc tướng tốt đẹp hơn, và được nhiều uy quyền hơn. Còn các loài hữu tình sanh sau thì sống ngắn hơn, sắc tướng ít tốt đẹp hơn, và được ít uy quyền hơn. Này các Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra. Một trong các loài hữu tình ấy, sau khi từ bỏ thân kia lại thác sanh đến cõi này. Khi đến cõi này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ tới đời sống ấy. Vị ấy nói rằng: “Vị kia là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng Tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh. Vị ấy là thường hằng, kiên cố, thường trú, không biến chuyển, thường trú như vậy mãi mãi. Còn chúng ta do vị Phạm thiên ấy hóa sanh đến tại chỗ này. Chúng ta là vô thường, không kiên cố, yểu thọ, chịu sự biến dịch và thác sanh đến tại chỗ này”! Này các Hiền giả, như vậy quý vị tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do Tự Tại thiên tạo ra, là do Phạm thiên tạo ra…?”
Các vị ấy nói như sau:
“- Này Tôn giả Gotama, chúng tôi có nghe đúng như Tôn giả Gotama nói: “Này Bhaggava, Ta biết về khởi nguyên thế giới… mà Như Lai không rơi vào lầm lỗi.”
18. Này Bhaggava, một số Sa môn, Bà la môn tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do nhiễm hoặc bởi dục lạc. Ta đến những vị ấy và nói:
“- Có phải chư Tôn giả tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do nhiễm hoặc vì dục lạc?”
Ðược Ta hỏi vậy, quý vị ấy trả lời:
“- Vâng.”
Ta nói với quý vị ấy:
“- Sao chư Hiền giả lại tuyên bố về khởi nguyên thế giới truyền thống, là do nhiễm hoặc bởi dục lạc?”
Ðược Ta hỏi như vậy, quý vị ấy không thể trả lời được. Không thể trả lời được, quý vị ấy hỏi lại Ta, và được hỏi vậy, Ta trả lời như sau:
“- Này các Hiền giả, có những hạng chư Thiên gọi là Khiddàpadosikà (bị nhiễm hoặc bởi dục lạc). Những vị này sống lâu ngày, mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì sống lâu ngày, mê say trong hý tiếu dục lạc, nên bị thất niệm. Do thất niệm, chư Thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân thể của họ. Sự tình này xảy ra. Một trong các loài hữu tình kia khi thác sanh, từ bỏ thân thể ấy, lại sanh đến chỗ này. Khi đến tại chỗ này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ đến đời sống quá khứ ấy chớ không nhớ xa hơn đời sống ấy. Vị ấy nói: “Những vị Thiên không bị nhiễm hoặc vì dục lạc, họ sống lâu ngày không mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì sống lâu ngày không mê say trong hý tiếu dục lạc, nên không bị thất niệm. Nhờ không thất niệm, nên Chư thiên ấy không thác sanh, không từ bỏ thân thể của họ, sống thường hằng, kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường trú như vậy mãi mãi. Còn chúng ta đã bị nhiễm hoặc bởi dục lạc, sống lâu ngày mê say trong hý tiếu dục lạc. Vì chúng ta sống lâu ngày mê say trong hý tiếu dục lạc nên bị thất niệm. Do thất niệm, chúng ta từ bỏ thân thể này, sống vô thường, không kiên cố, yểu thọ, chịu sự biến dịch và thác sanh đến chỗ này”. Này các Tôn giả, như vậy quý vị tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do nhiễm hoặc vì dục lạc có phải không?”
Các vị ấy nói như sau:
“- Này Tôn giả Gotama, chúng tôi có nghe đúng như Tôn giả Gotama đã nói: “Này Bhaggava, Ta biết về khởi nguyên thế giới,… mà Như Lai không rơi vào lầm lỗi”.
19. Này Bhaggava, một số Sa môn, Bà la môn tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do nhiễm hoặc bởi tâm trí. Ta đến những vị ấy và nói:
“- Có phải chư Tôn giả tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do nhiễm hoặc bởi tâm trí?”
Ðược Ta hỏi vậy, quý vị ấy trả lời:
– “Vâng”.
Ta nói với quý vị ấy:
“- Sao chư Tôn giả lại tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do nhiễm hoặc bởi tâm trí?”
Ðược Ta hỏi vậy, quý vị ấy không thể trả lời được. Không thể trả lời được, quý vị ấy hỏi lại Ta, và được hỏi vậy, Ta trả lời như sau:
“- Chư Hiền giả, có những hạng chư Thiên gọi là Manopadosikà (nhiễm hoặc bởi tâm trí.) Họ sống lâu ngày, nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau. Vì sống lâu ngày, nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, tâm trí của họ oán ghét lẫn nhau. Vì tâm trí oán ghét lẫn nhau, nên thân họ mệt mỏi, tâm họ mệt mỏi. Các hạng chư Thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân này của họ. Các Hiền giả, sự tình này xảy ra. Một trong các loài hữu tình kia, khi thác sanh, từ bỏ thân thể ấy, lại sanh đến cõi này. Khi sanh đến cõi này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ đến đời sống ấy. Vị ấy nói rằng: “Chư Thiên không bị nhiễm hoặc bởi tâm trí, họ sống lâu ngày không bị nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, tâm trí của họ không oán ghét nhau. Vì tâm trí họ không oán ghét nhau, nên thân họ không mệt mỏi, tâm họ không mệt mỏi. Hạng chư Thiên ấy không thác sanh từ bỏ thân thể của họ, sống thường hằng, kiên cố, thường trú, không bị chuyển biến, thường trú như vậy mãi mãi. Còn chúng ta bị nhiễm hoặc bởi tâm trí, sống lâu ngày nung nấu bởi sự đố kỵ lẫn nhau, nên tâm trí chúng ta oán ghét lẫn nhau. Vì tâm trí chúng ta oán ghét lẫn nhau, nên thân mệt mỏi và tâm mệt mỏi. Chúng thác sanh, từ bỏ thân này, sống vô thường không kiên cố, yểu thọ, chịu sự biến dịch và thác sanh đến tại chỗ này”. Như vậy, này các Hiền giả, quý vị tuyên bố về khởi nguyên của thế giới theo truyền thống là do bị nhiễm hoặc bởi tâm trí.”
Họ trả lời như sau:
“- Này Tôn giả Gotama, chúng tôi có nghe đúng như Tôn giả Gotama đã nói: “Này Bhaggava, Ta biết về khởi nguyên của thế giới… mà Như Lai không rơi vào lầm lỗi.”
20. Này Bhaggava, một số Sa môn, Bà la môn tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do vô nhân sanh. Ta đến những vị ấy và nói:
“- Có phải chư Tôn giả tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do vô nhân sanh?”
Ðược Ta hỏi vậy, quý vị ấy trả lời:
“- Vâng”.
Ta nói với quý vị ấy:
“- Sao chư Tôn giả lại tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truền thống là do vô nhân sanh?”
Ðược Ta hỏi vậy, quý vị ấy không thể trả lời được. Không thể trả lời được, quý vị ấy hỏi lại Ta, và được hỏi vậy, Ta trả lời như sau:
“- Chư Hiền giả, có những chư Thiên gọi là Vô tưởng hữu tình. Khi một tưởng niệm khởi lên, thời chư Thiên ấy thác sanh, từ bỏ thân chư Thiên của mình. Chư Hiền giả, sự tình này có thể xảy ra. Một trong loài hữu tình ấy, khi thác sanh, từ bỏ thân chư Thiên ấy của mình, lại sanh đến cõi này. Khi đến tại chỗ này, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy nhờ nhiệt tâm… nên tâm nhập định. Vị ấy nhớ đến khi tưởng niệm phát sanh, chớ không nhớ xa hơn nữa. Vị ấy nói: “Bản ngã về thế giới do vô nhân sanh. Tại sao vậy? Vì rằng: Tôi trước kia không có, nay có. Từ nơi trạng thái không có, tôi trở thành loại hữu tình”. Như vậy, này các Tôn giả, quý vị tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo truyền thống là do vô nhân sanh có phải như vậy không?”
Họ trả lời:
“- Này Hiền giả Gotama, chúng tôi có nghe đúng như Tôn giả Gotama đã nói: “Này Bhaggava, Ta biết về khởi nguyên thế giới, Ta còn biết hơn thế nữa. Và khi Ta biết như vậy, Ta không có chấp trước. Vì không chấp trước, Ta tự thân thấu hiểu được sự an tịnh ấy. Chính nhờ chứng ngộ sự an tịnh này mà Như Lai không rơi vào lầm lỗi”.
21. Này Bhaggava, Ta tuyên bố như vậy, Ta quan niệm như vậy. Nhưng một số Sa môn, Bà la môn lại bài xích Ta một cách không thật, trống không, hư ngụy, giả dối: “Sa môn Gotama và các vị Tỷ kheo là điên đảo. Sa môn Gotama đã tuyên bố: “Khi một ai đạt đến thanh tịnh, giải thoát, khi ấy vị ấy biết mọi vật là bất tịnh”. Nhưng này Bhaggava, Ta không có nói như vậy: “Khi một ai đạt đến thanh tịnh, giải thoát, khi ấy vị ấy biết mọi vật là bất tịnh.” Này Bhaggava, Ta nói như sau: “Khi một ai đạt đến thanh tịnh, giải thoát, khi ấy vị ấy biết mọi vật là thanh tịnh”
– Bạch Thế Tôn, chính họ là điên đảo khi họ chỉ trích Thế Tôn và các Tỷ kheo là điên đảo. Con tin tưởng hoan hỷ đối với Thế Tôn khiến con tin rằng Thế Tôn có thể dạy cho con đến thanh tịnh giải thoát.
– Này Bhaggava, thật khó cho Ngươi khi Ngươi theo các kiến giải sai khác, kham nhẫn các sự việc sai khác, theo dõi những mục tiêu sai khác, đeo đuổi những mục đích sai khác, được huấn luyện theo các phương pháp sai khác để có thể đạt được thanh tịnh, giải thoát. Này Bhaggava, hãy đặt nặng lòng tin ở nơi Ta, hãy khéo gìn giữ lòng tin tưởng ấy.
– Bạch Thế Tôn, nếu thật khó cho con, khi con theo các kiến giải sai khác, kham nhẫn các sự việc sai khác, theo dõi những mục tiêu sai khác, đeo đuổi những mục đích sai khác, được huấn luyện theo các phương pháp sai khác, để có thể đạt được thanh tịnh giải thoát, thời Bạch Thế Tôn, ít nhất con cũng đặt nặng lòng tin vào Thế Tôn, và con sẽ khéo gìn giữ lòng tin tưởng ấy.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy, du sĩ Bhaggava hoan hỷ tín thọ lời dạy Thế Tôn.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt