9. Kinh Bố-sá-bà-lâu (Kinh Potthapàda)

25/05/2024 373 lượt xem

20. – Bạch Thế Tôn, tưởng khởi trước, trí khởi sau; hay trí khởi trước tưởng khởi sau; hay tưởng và trí cùng khởi một lần không trước không sau?

– Này Potthapàda, tưởng khởi trước trí mới khởi sau, do tưởng sanh, trí mới sanh. Vị ấy tuệ tri: “Do duyên tưởng, trí sanh ra nơi ta”. Này Potthapàda, với lời dạy này cần phải hiểu tưởng sanh trước trí sanh sau, tưởng sanh trí mới sanh.

21. – Bạch Thế Tôn, tưởng có phải là tự ngã của con người hay tưởng khác, tự ngã khác?

– Này Potthapàda, ngươi hiểu tự ngã như thế nào?

– Bạch Thế Tôn, con hiểu tự ngã là thô phù, có sắc, do bốn đại hình thành, và do đoàn thực nuôi dưỡng.

– Này Potthapàda, nếu tự ngã là thô phù, có sắc, do bốn đại hình thành và do đoàn thực nuôi dưỡng, như vậy này Potthapàda, tưởng khác và tự ngã khác. Này Potthapàda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu, tưởng khác và tự ngã khác. Này Potthapàda, giả sử tự ngã ấy là thô phù, có sắc, do bốn đại hình thành và do đoàn thực nuôi dưỡng, tuy vậy một vài tưởng khác của người ấy khởi lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này Potthapàda, với sự nhận thức này cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác.

22. – Bạch Thế Tôn, con hiểu tự ngã là do ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn.

– Này Potthapàda, nếu tự ngã là do ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn, như vậy này Potthapàda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác. Này Potthapàda, giả sử tự ngã ấy là do ý sở thành, đầy đủ mọi chi tiết lớn nhỏ, đầy đủ các căn, tuy vậy một vài tưởng khác của người ấy khởi lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này Potthapàda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác.

– Bạch Thế Tôn, con hiểu tự ngã là vô sắc, do tưởng sở thành.

23. – Này Potthapàda, nếu tự ngã là vô sắc, do tưởng sở thành, với sự nhận thức này Potthapàda, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác. Này Potthapàda, giả sự tự ngã là vô sắc, do tưởng sở thành, tuy vậy, một vài tưởng khác của người khởi lên, một vài tưởng khác diệt xuống. Này Potthapàda, với sự nhận thức này, cần phải hiểu tưởng khác, tự ngã khác.

24. – Bạch Thế Tôn, con có thể hiểu được chăng “tưởng là tự ngã của con người” hay “tưởng khác, tự ngã khác”?

– Này Potthapàda, thật khó cho ngươi biết được “tưởng là tự ngã của con người” hay “tưởng khác, tự ngã khác”, vì ngươi có dị kiến, có tin tưởng khác, có lý tưởng khác, có thiên tư khác, có hạnh nguyện khác.

25. – Bạch Thế Tôn, nếu thật khó cho con biết được “tưởng là tự ngã của con người”, hay “tưởng khác, tự ngã khác” vì con có dị kiến khác, có tin tưởng khác, có lý tưởng khác, có thiên tư khác, có hạnh nguyện khác, thời bạch Thế Tôn, thế giới có phải là thường còn không? Chỉ có quan niệm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

– Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Thế giới là thường còn, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

– Bạch Thế Tôn, có phải thế giới là vô thường, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

– Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Thế giới là vô thường, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

– Bạch Thế Tôn, có phải thế giới này là hữu biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

– Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Thế giới là hữu biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

– Bạch Thế Tôn, có phải thế giới là vô biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

– Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Thế giới là vô biên, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

26. – Bạch Thế Tôn, có phải sinh mạng và thân thể là một, chỉ có quan điểm này là đúng sự thật, ngoài ra là mê muội không?

– Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Thân thể và sinh mạng là một, chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

– Bạch Thế Tôn, có phải sinh mạng khác, thân thể khác? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

– Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Sinh mạng khác, thân thể khác. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

27. – Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai tồn tại sau khi chết? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

– Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Như Lai tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

– Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết không? Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

– Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Như Lai không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

– Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

– Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

– Bạch Thế Tôn, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội không?

– Này Potthapàda, Ta không trả lời: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết. Chỉ có quan điểm này là đúng sự thực, ngoài ra là mê muội”.

28. – Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn không trả lời?

– Này Potthapàda, câu hỏi này không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về Pháp, không thuộc căn bản của phạm hạnh, không đưa đến yểm ly, đến ly tham, đến tịch diệt, đến tịch tịnh, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết bàn. Vì vậy, Ta không trả lời.

29. – Bạch Thế Tôn, vậy Thế Tôn trả lời những gì?

– Này Potthapàda, Ta trả lời: “Ðây là khổ”. Ta trả lời: “Ðây là khổ tập”. “Ta trả lời: “Ðây là khổ diệt”. Ta trả lời: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”.

30. – Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn trả lời?

– Này Potthapàda, câu hỏi này thuộc về đích giải thoát, thuộc về Pháp, thuộc căn bản của phạm hạnh, đưa đến yểm ly, đến ly tham,  đến tịch diệt, đến thắng trí, đến giác ngộ, đến Niết bàn. Vì vậy Ta trả lời.

– Bạch Thế Tôn, như vậy là phải. Bạch Thiên Thệ, như vậy là phải. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Ngài làm gì Ngài xem là phải làm.

Và Thế Tôn từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Trang: 1 2 3 4 5 6

×