Nghe chuông và chắp tay

05/10/2021 3.399 lượt xem

Vị tri chung đợi cho tiếng chuông thứ ba ngân hết mới thỉnh tiếng chuông thứ tư.

Phía dưới chuông có một sợi dây cột ngang qua hai chân giá chuông, xâu qua sợi dây là 108 cái thẻ. Thỉnh xong một tiếng chuông, vị tri chung đẩy một cái thẻ từ bên phải qua trái. Khi cái thẻ cuối cùng đã được đẩy qua, vị tri chung mới bắt đầu nhập chung. Nhập chung tức là kết thúc buổi thỉnh chuông để bắt đầu buổi công phu sáng.

Trong thời gian thỉnh chuông, vị tri chung theo dõi hơi thở và nhiếp phục tâm ý theo tiếng chuông. Trước khi thỉnh một tiếng chuông mới, vị này đọc bài kệ thỉnh chuông.

Ba nghiệp lắng thanh tịnh
Gửi lòng theo tiếng chuông
Nguyện người nghe tỉnh thức
Vượt thoát nẻo đau buồn

Nếu người thỉnh chuông gạn lọc ba nghiệp (thân, khẩu, ý) cho thanh tịnh để gửi lòng theo tiếng chuông thì người nghe chuông cũng đáp ứng lại bằng sự nhiếp tâm của mình. Giờ này đại chúng đang ngồi thiền. Mọi người nương theo tiếng chuông để nhiếp niệm và theo dõi hơi thở. Những vị có trách nhiệm đang nấu nước hay lo cháo sáng cho đại chúng cũng phải vừa làm vừa nhiếp niệm, nương theo tiếng chuông. Trong làng có những người đã dậy sớm, kẻ thì lo nấu cơm, kẻ thì lo gồng gánh đi chợ, người thì chuẩn bị nông cụ để ăn sáng xong thì ra đồng. Nếu họ là những người Phật tử biết thực tập, họ cũng theo dõi tiếng chuông và nhiếp niệm. Nghe tiếng chuông, họ ngừng mọi sự nói năng và suy nghĩ. Họ theo dõi hơi thở và nhiếp niệm theo tiếng chuông. Họ thầm đọc bài kệ nghe chuông:

Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe
Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm

Sở dĩ đại hồng chung phải lớn và phải được treo cao là vì sự thực tập không phải chỉ được giới hạn trong chùa mà còn được thực hiện trong làng trong xóm. Tiếng chuông thức tỉnh, vì vậy, là một trong yếu tố của nền văn minh tinh thần trong xã hội ta.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

×