Nghe chuông và chắp tay

05/10/2021 3.395 lượt xem

Công dụng của tiếng chuông là thức tỉnh. Ta biết rằng động từ budh trong tiếng Phạn có nghĩa là thức tỉnh. Buddha là người tỉnh thức (Ngày xưa dân Việt gọi Buddha là Bụt. Cho đến thế kỷ thứ mười bốn đời Trần, dân ta vẫn gọi Buddha là Bụt. Trong các tác phẩm viết bằng chữ Nôm Cư trần Lạc Đạo Phú, Đắc Phú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca (của vua Trần Nhân Tông) và Vịnh Hoa Yên tự Phú (của thiền sư Huyền Quang) viết về đầu thế kỷ thứ 14, chữ Bụt vẫn còn được dùng. Có lẽ ta chỉ bắt đầu gọi Buddha là Phật vào đời Hậu Lê, sau khi các tác phẩm Phật Giáo Việt Nam đã bị quân nhà Minh hoặc đốt hoặc chở về Kim Lăng trong thời gian ta bị nhà Minh đô hộ. Tiếng Phật tuy vậy cũng chỉ được dùng trong giới trí thức thôi chứ trong đại chúng cũng như trong chuyện cổ tích và tục ngữ ca dao, cho đến bây giờ ta vẫn còn tiếp tục gọi Buddha là Bụt. Ngày xưa, đạo Bụt đến Giao Châu rất sớm, trước cả Trung Hoa, cho nên dân ta đã trực tiếp gọi Buddha là Bụt ngay từ đầu kỷ nguyên Tây Lịch). Nếu Bụt là người tỉnh thức, thì tiếng chuông có thể được xem như tiếng gọi của Bụt. Nghe tiếng chuông, người họ Bụt phải có thái độ cung kính như khi nghe tiếng gọi của Bụt. Phải ngưng sự nói năng. Phải ngưng sự suy tư. Phải tỉnh dậy trong giờ phút hiện tại, biết mình là ai, đang ở đâu, đang làm gì. Phải nuôi dưỡng giây phút tỉnh thức ấy bằng hơi thở, nghĩa là phải theo dõi hơi thở ra và hơi thở vào của mình. Nếu rủi ro mà ta rơi vào sự quên lãng thì tiếng chuông kế tiếp sẽ giúp ta thức dậy. Thực tập nghe chuông tức là thực tập sự tỉnh thức.

Có những người đã quá lờn với tiếng chuông và vì vậy nghe tiếng chuông vẫn giữ thái độ dửng dưng. Trong số những người này có những vị trong giới xuất gia và những vị trong giới tại gia rất gần gũi chùa chiền. Những vị này đã đánh mất một phương tiện rất quí giá để thực tập đạo tỉnh thức. Họ phải tập nghe lại tiếng chuông. Nếu họ quyết tâm thì chỉ trong vòng vài tuần lễ họ đã có thể nhận được thông điệp của sự tỉnh thức mà tiếng chuông mang đến. Những ai trong chúng ta chưa bị lờn vì tiếng chuông hãy cẩn thận giữ gìn để tiếng chuông còn giữ được tính cách thiêng liêng của nó. Giữ gìn bằng cách thực tập: mỗi lần nghe chuông, ta phải nhiếp niệm, theo dõi hơi thở, ngưng mọi nói năng và suy tư, và thầm đọc bài kệ nghe chuông. Khi nghe tiếng chuông, nếu ta đang ở trong tư thế nằm thì ta nên ngồi dậy để tỏ sự cung kính. Hoặc nếu ta đang ngồi trong một tư thế không đẹp thì ta cũng chỉnh đốn lại thế ngồi để bày tỏ sự cung kính. Bởi vì tiếng gọi của tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9

×