177. Đầu đà khổ hạnh có ích lợi gì?

15/12/2022 1.477 lượt xem

Đêm ấy trở về, đức vua Mi-lan-đà không chợp mắt; có những ý nghĩa, những tư tưởng cứ lầm rầm trong đầu: “Kinh đô chánh pháp vĩ đại quá, huy hoàng quá. Chợ bán hoa, chợ bán vật thơm… chợ bán quả… cũng phong phú dường bao? Các vị pháp chủ, quân sư, quan tòa, luật sư đoàn… chẳng khác gì một vương quốc thịnh trị… Ai đến quốc độ ấy cũng tìm cho mình cái hay, cái lạ, cái đẹp… Ồ! mà tội gì lại đi mua hàng đắt quá? Kiếm cái rẻ nhất mà mua, mang về… một thời gian sau là giá trị ngang nhau cả thảy… Ví như có món hàng tam quy, ngũ giới, bố thí… là của người cư sĩ. Mà theo đại đức Na tiên bảo, là cư sĩ cũng có thể đắc quả A-la-hán. Vậy thì cần gì phải bước vào câu lạc bộ của bậc xuất gia? Và cần gì lại mua món hàng mười ba pháp đầu đà khổ hạnh; đã khốn khổ, đã hành thân hoại thể mà kết quả cũng ngang nhau?!”

Từ khi câu hỏi ấy khởi lên, đức vua Mi-lan-đà cứ xốn xang, bứt rứt trong lòng, cứ nóng nảy mong chờ cho trời mau sáng. Thật giống như bò khát nước đến tận cùng, hối hả bước xuống dòng khe. Hoặc như người đói cơm bươn bả đi tìm một củ khoai đỡ dạ. Thảng hoặc, ví như người đi bộ đường xa nắng gắt, mong chờ một chiếc xe ngựa để quá giang. Nếu không như thế thì giống như bệnh nhân nằm liệt giường, chờ thầy thuốc đến cứu. Không như thế thì như kẻ đói cơm rách áo mơ ước có vài xu. Hay như kẻ kia qua sông đang ngóng đợi đò cập bến. Hoặc ví như gã tình si mong gặp người mình yêu. Hoặc như gã thổi kèn cầu cho người nghe tán thưởng. Nếu không như thế thì như người sợ ma dọc đường mong chóng trở về nhà v.v… Vì tất cả cớ ấy, lý do ấy, mà khi trời chưa rạng sáng, đức vua Mi-lan-đà đã hối hả bảo quân hầu thắng kiệu đến ngay chỗ đại đức Na tiên. Các tập tục xã giao nghiêng mình chào hỏi, đức vua cũng chỉ làm cho có lệ. Tuy nhiên, cái đầu óc thông tuệ, suy nghĩ nhanh nhạy của đức vua trước khi cất tiếng hỏi, đã khởi lên một tư duy mười điểm còn nhanh hơn luồng sao xẹt:

  1. Thứ nhất, khi ta hỏi, ngài đáp xong, tất ta sẽ cắt đứt được mối nghi ngờ.
  2. Thứ hai, tâm ta sẽ trong sạch, vắng lặng trở lại.
  3. Thứ ba, ta sẽ không còn loay hoay với những câu hỏi vô nghĩa lý nữa.
  4. Thứ tư, từ sái quấy, tâm ta sẽ chuyển qua cái đúng, cái chánh.
  5. Thứ năm, ta sẽ được bơi trong giòng pháp và đắc tuệ nhãn.
  6. Thứ sáu, đại đức này sẽ coi ta cũng là kẻ xứng đáng được học Pháp.
  7. Thứ bảy, ta sẽ trú trong thiện pháp chẳng có gì ngăn ngại được.
  8. Thứ tám, ta sẽ dễ dàng đi vào pháp xuất thế gian.
  9. Thứ chín, ta sẽ không còn sợ hãi trong tam giới.
  10. Thứ mười, ta sẽ được sáp nhập hội chúng thính pháp mau lẹ, linh mẫn.

Nghĩ thế xong, đức vua Mi-lan-đà hỏi:

– Thưa đại đức! Có một câu hỏi mà trước đây bần tăng đã hỏi, nhưng hôm nay cũng cùng câu hỏi ấy nhưng mục đích hơi lệch sang hướng khác một chút. Mong đại vương hãy nhẫn nại!

– Tâu, vâng, bần tăng sẽ nhẫn nại – tuy nhiên, nếu có câu hỏi cũ mà đại vương chưa thông suốt, bần tăng cũng có thể nói lại một cách vui vẻ, thoải mái, không sao cả!

– Thế thì tốt. Bần tăng hỏi đây, một người tại gia thọ dụng ngũ dục, nằm ngủ với vợ, chen chúc với con cái, trang phục gấm vóc lụa là, trang điểm tràng hoa, xức vật thơm, thỏa thích ngọc vàng, chăn gấm, nệm nhung, uống ăn mỹ vị, cao sang… nhưng nếu họ thực hành chơn chánh bát chánh đạo, họ có đắc được đạo quả chăng?

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

– Đắm say ngũ dục mà thực hành chánh pháp, mong đắc đạo thì làm sao được, đại vương? Đừng nói là nhiều người đắc đạo – mà chỉ một phần trăm, một phần hai trăm, một phần ngàn, thậm chí một phần mười triệu trong số ấy cũng không có đâu, đại vương!

– Ý đại đức nói là cư sĩ có vợ con gia đình, tài sản giàu sang… nếu thực hành chơn chánh cũng không đắc đạo quả sao?

– Ai nói với đại vương như thế?

– Chẳng lẽ…?

– Ồ! Bần tăng nói thế này: người cư sĩ tại gia sống đời ngũ dục, thọ hưởng ngũ dục mà không đắm say ngũ dục… biết tuần tự thứ lớp tu tập từ thấp đến cao, từ ngoài vào trong… thì sẽ đắc đạo quả; không những chỉ có một trăm, hai trăm… mà là hằng ngàn, hằng ức, hằng triệu – tâu đại vương!

– Xin đại đức nói cho rõ hơn về tuần tự, thứ lớp ấy?

– Tâu, vâng. Đắm say ngũ dục mà tu tập không phải là nhân để đạt đạo. Có đời sống ngũ dục mà không đắm say ngũ dục, cọng với sự tuần tự tu tập theo chánh pháp mới là nhân để đạt đạo! Đại vương đã rõ điều này chưa?

– Thưa, rõ!

Trang: 1 2 3 4 5 6 7

×