Thường thường Pháp thoại nói xong thì đã đến giờ ăn trưa, và như vậy trong thời gian Pháp thoại có những thiền sinh bận việc phụ bếp cho nên không được nghe Pháp thoại. Ta có thể áp dụng một trong hai giải pháp sau đây: giải pháp thứ nhất là thu thanh buổi pháp thoại cho những thiền sinh không được nghe, giải pháp thứ hai là đặt giờ pháp thoại vào giờ thiền hành và dời giờ thiền hành vào một giờ trước giờ thọ trai. Như vậy những người phụ trách bếp núc trước khi vào bếp có thể tham dự pháp thoại. Họ chỉ mất giờ thiền hành chung, và có thể tìm giờ khác để thực tập thiền hành.
Bữa cơm trưa cũng được diễn ra trong im lặng. Nếu có thiếu nhi tham dự, ta nên sắp đặt để một thiếu nhi đọc lời quán niệm trước bữa ăn. Nếu bữa ăn được dọn sẵn trên bàn, thì sau khi mọi người an tọa, thiếu nhi ấy sẽ đọc lời quán niệm sau khi một tiếng chuông được thỉnh lên. Lời quán niệm có thể như sau: “ Trưa hôm nay được ăn cơm ngon với các cô chú và các bạn, con rất sung sướng biết rằng mình là người may mắn. Con nhớ tới những người lớn và trẻ em ngày hôm nay không được sống xum họp và không có cơm ăn như con”. Một bài thi theo kiểu tự tiện (self-service), thì mọi người đều đứng quây quần với nhau chắp tay trước khi em bé quán niệm. Múc cơm và thức ăn xong, mỗi người lặng lẽ mang lên tìm chỗ ngồi, và có thể khởi sự vừa ăn vừa quán niệm, không cần bắt đầu một lần như trong trường hợp cơm đã dọn sẵn lên bàn.
Giữ im lặng trong bữa cơm không phải là để tạo nên một khung cảnh nghiêm khắc khổ hạnh mà trái lại là để tạo ra một khung cảnh vừa tươi vui vừa đậm đà. Có nhiều gia đình biết tắt máy truyền hình trong giờ ăn để có thể thưởng thức được món ăn và sự có mặt của những người thân bên mình. Cả ngày bị xa cách nhau, mọi người chỉ có dịp ngồi với nhau trong bữa cơm: nếu ta để cho máy truyền hình xen vào thì sự đầm ấm có thể tiêu tán đi mất. Bữa cơm im lặng cũng nhằm mục đích chú tâm tới thức ăn, chú tâm đến giờ phút hiện tại và chú tâm đến người ngồi bên. Vì vậy phải tắt nói năng đi, như ta tắt máy truyền hình vậy. Không nói năng, nhưng ta ngồi gần nhau, ta có ánh mắt, nụ cười và nhất là sự tỉnh thức. Những điều kiện ấy đưa ta gần lại với nhau hơn là những câu chuyện không ý thức. Muốn ăn một bữa cơm im lặng theo tinh thần thiền tập thì trước tiên, phải học thuộc các bài thi kệ; khi nâng chiếc bát lên ta đọc một bài, khi thức ăn đầy ta đọc một bài khác, khi ngồi xuống ta đọc một bài khác nữa, v.v…Làm sao để ta có thể thức tỉnh trong suốt bữa cơm, đó là ta thành công. Trong tiếng chuông để giúp cho đại chúng dễ an trú trong chánh niệm.