Sau buổi ăn, là chương trình văn nghệ, đặc biệt chú trọng đến thiếu nhi. Thiếu nhi cần phải thấy nếp sống tu học là tươi vui và không cách biệt với đời sống hằng ngày. Người lớn cũng vậy. Ai cũng nên tham dự vào sinh hoạt này. Thiếu nhi được khuyến khích múa, hát, kể chuyện, ra câu đó, thổi sáo, đàn tranh v.v… Các vị giám niệm thỉnh thoảng lại nhắc nhở đại chúng duy trì chánh niệm trong niềm vui.
Sau giờ thiền tọa tối, mọi người đều đi ngủ. Tuyệt đối cấm không được thức khuya để chuyện trò. Như vậy ngày mai đại chúng mới đủ sức khỏe và sự tươi tắn để thành công trong thiền tập.
Trong phần Phụ lục ta sẽ thấy có một bản luật nghi dành cho thiền sinh tại các khóa thực tập và một bản những bài thi kệ tối thiểu cần học thuộc lòng để thực tập chánh niệm trong khóa tu.
Phép thực tập căn bản trong khóa tu là duy trì chánh niệm suốt ngày, khi ngồi thiền, khi kinh hành, thiền hành, thiền trà, chấp tác, ăn cơm, rửa bát… Chánh niệm đưa tới sự tỉnh thức và sự an lạc. Hơi thở ý thức là phương tiện mầu nhiệm để thực tập. Hơi thở ý thức là phương tiện mầu nhiệm để thực tập. Chỉ khi nào khả năng chánh niệm đã vững chãi, người hướng dẫn khóa tu mới đưa thiền sinh tới những phép chỉ quán khác: đối trị cảm thọ, quán chiếu nhân duyên, xem xét thoại đầu, v.v…. Nhưng duy trì chánh niệm bao giờ cũng được xem là phép hành trì căn bản, không những cho người sơ cơ mà cả cho những người tu học lâu ngày.
(Trích “An trú trong hiện tại”)