14. Kinh Ðại bổn

25/05/2024 619 lượt xem

Tụng phẩm II

1. – Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassì, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, cho gọi người đánh xe: “Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn ngự uyển để xem phong cảnh” – “Thưa vâng, Hoàng Tử”. Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng lời hoàng tử Vipassì, cho thắng các cỗ xe thù thắng rồi bạch hoàng tử Vipassì: “Tâu Hoàng tử, các cỗ xe thù thắng đã thắng xong. Hãy làm những gì Hoàng tử xem là hợp thời”.

Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ hoàng tử Vipassì leo lên cỗ xe thù thắng và cùng với các cỗ xe thù thắng khác, tiến đến vườn ngự uyển.

2. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassì trên đường đi đến vườn ngự uyển, thấy một người già nua, lưng còng như nóc nhà, chống gậy, vừa đi vừa run rẩy, khổ não, không còn đâu là tuổi trẻ. Thấy vậy hoàng tử hỏi người đánh xe: “Này khanh, người đó là ai vậy? Sao thân người đó không giống các người khác?” – “Tâu Hoàng tử, người đó là một người được gọi là già vậy”. – “Này khanh, sao người ấy được gọi là một người già?” – “Tâu Hoàng tử, người ấy gọi là già vì nay người ấy sống không bao lâu nữa”. – “Này khanh, vậy rồi Ta có bị già không, một người chưa qua tuổi già?” – “Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tất cả sẽ bị già nua, dầu chúng ta chưa qua tuổi già!” – “Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy là vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung”. – “Thưa vâng, Hoàng tử”.

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng theo lời hoàng tử, cho đánh xe trở về cung. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassì về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ. “Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh. Và ai sanh ra cũng phải già yếu như vậy!”.

3. Này các Tỷ-kheo, khi ấy vua Bandhumà cho gọi người đánh xe và hỏi: “Này khanh, Hoàng tử có vui vẻ không, tại vườn ngự uyển? “Này khanh, Hoàng tử có hoan hỷ không, tại vườn ngự uyển?”. – “Tâu Ðại vương, Hoàng tử không có vui vẻ tại vườn ngự uyển. Tâu Ðại vương, Hoàng tử không có hoan hỷ, tại vườn ngự uyển” – “Này khanh, khi đến vườn ngự uyển, Hoàng tử đã thấy gì?” – “Tâu đại vương, Hoàng tử trong khi đi đến vườn ngự uyển, thấy một người già nua, lưng còng như nóc nhà, chống gậy vừa đi vừa run rẩy, khổ não không còn đâu là tuổi trẻ. Thấy vậy, Hoàng tử hỏi con: “Này khanh, người đó là ai vậy? Sao tóc người đó không giống các người khác? Sao thân người đó không giống các người khác?” – “Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là vậy” – “Này khanh, sao người ấy được gọi là người già? – “Tâu Hoàng tử, người ấy gọi là già, vì nay người ấy sống không bao lâu nữa”. – “Này khanh, vậy rồi Ta có phải bị già không, một người chưa qua tuổi già?” – “Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tất cả sẽ bị già nua, dầu chúng ta chưa qua tuổi già” – “Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung”. – “Thưa vâng, Hoàng Tử!”. Tâu Ðại vương, con vâng lời Hoàng tử Vipassì, cho đánh xe trở về cung. Tâu Ðại vương, Hoàng tử trở về cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ. “Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh. Và ai sanh ra cũng phải già yếu như vậy”.

4. Này các Tỷ-kheo, khi ấy vua Bandhumà suy nghĩ: “Không thể để cho hoàng tử Vipassì từ chối không trị vì. Không thể để cho Hoàng tử Vipassì xuất gia. Không thể để cho lời của các vị Bà-la-môn đoán tướng trở thành sự thật”.

Này các Tỷ-kheo, rồi vua Bandhumà lại sắp đặt cho hoàng tử Vipassì đầy đủ năm món dục lạc nhiều hơn nữa, để hoàng tử Vipassì có thể trị vì, để hoàng tử Vipassì khỏi phải xuất gia, để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng không trúng sự thật. Và, này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassì sống tận hưởng đầy đủ sung túc năm món dục lạc.

5. Này các Tỷ-kheo hoàng tử Vipassì, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm cho gọi người đánh xe… (tương tự như đoạn kinh II.1).

6. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassì, khi đang đi đến vườn ngự uyển, thấy một người bệnh hoạn, khổ não, nguy kịch, bò lết trong tiểu tiện, đại tiện của mình, cần có người khác nâng đỡ, cần có người khác dìu dắt. Thấy vậy, hoàng tử hỏi người đánh xe. “Này khanh, người này đã làm gì, mà mắt của nó không giống mắt của những người khác, giọng nói của nó không giống giọng nói của những người khác?” – “Tâu Hoàng tử, đó là một người được gọi là một người bệnh vậy”. – “Này khanh, sao người ấy được gọi là một người bệnh?” – “Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là một người bệnh vì người ấy chưa thoát khỏi căn bệnh của mình” – “Này khanh, vậy rồi ta có bị bệnh không, một người chưa bị bệnh?” – “Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, tất cả chúng ta sẽ bị bệnh tật, dầu chúng ta chưa bị bệnh tật”. – “Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung”. – “Thưa vâng, Hoàng tử”.

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng theo lời hoàng tử cho đánh xe trở về cung. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassì về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: “Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh! Và ai sanh ra, cũng phải già, cũng phải bệnh!”

7. Này các Tỷ-kheo, khi ấy vua Bandhumà cho gọi người đánh xe và hỏi: “Này khanh, Hoàng tử có vui vẻ không tại vườn ngự uyển? Hoàng tử có hoan hỷ không tại vườn ngự uyển?” – “Tâu Ðại vương, Hoàng tử không có vui vẻ tại vườn ngự uyển. Tâu Ðại vương, Hoàng tử không có hoan hỷ tại vườn ngự uyển” – “Này khanh, khi đi đến vườn ngự uyển, Hoàng tử đã thấy gì?” – “Tâu Ðại vương, Hoàng tử trong khi đến vườn ngự uyển thấy một người bệnh hoạn, khổ não, nguy kịch, bò lết trong tiểu tiện, đại tiện của mình, cần có người khác nâng đỡ, cần có người khác dìu dắt. Thấy vậy, Hoàng tử hỏi con: “Này khanh, người đó đã làm gì mà mắt của nó không giống mắt của người khác, giọng nói của nó không giống giọng nói của những người khác?” – “Tâu Hoàng tử, đó là một người được gọi là môt người bệnh” Vậy: – “Này khanh, sao người ấy được gọi là một người bệnh?” – “Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người bệnh, vì người ấy chưa khỏi căn bệnh của mình!” – “Này khanh, vậy rồi ta có bị bệnh không, môt người chưa bị bệnh?” – “Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, tất cả chúng ta sẽ bị bệnh tật, dầu chúng ta chưa bị bệnh tật”. – “Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi! Hãy cho đánh xe trở về cung”. – “Thưa vâng, Hoàng tử”. Con vâng theo lời Hoàng tử cho đánh xe trở về cung. Tâu Ðại vương, Hoàng tử về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: “Sỉ nhục thay, cái gọi là sanh! Và ai sanh ra, cũng phải già, cũng phải bệnh!”.

– Này các Tỷ-kheo, khi ấy vua Bandhumà suy nghĩ: “Không thể để cho Hoàng tử Vipassì từ chối không trị vì! Không thể để cho Hoàng tử Vipassì xuất gia! Không thể để cho lời của các vị Bà-la-môn đoán tướng trở thành sự thật”. Này các Tỷ-kheo, rồi vua Bandhuma, lại sắp đặt cho hoàng tử Vipassì đầy đủ năm món dục lạc nhiều hơn nữa, để hoàng tử Vipassì có thể trị vì, để hoàng tử Vipassì không thể xuất gia, để cho lời các vị Bà-la-môn đoán tướng không trúng sự thật. Và này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassì sống tận hưởng, đầy đủ, sung túc năm món dục lạc.

9. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassì, sau thời gian nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, cho gọi người đánh xe: “Này khanh, hãy cho thắng các cỗ xe thù thắng, chúng ta sẽ đi đến vườn ngự uyển để xem phong cảnh”. – “Thưa vâng, Hoàng tử”.

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng lời hoàng tử Vipassì, cho thắng các cỗ xe thù thắng rồi bạch hoàng tử Vipassì: “Tâu hoàng tử, các cỗ xe thù thắng đã thắng xong. Hãy làm những gì Hoàng tử xem là hợp thời”.

Này các Tỷ-kheo, lúc bấy giờ hoàng tử Vipassì leo lên cỗ xe thù thắng và cùng với các cỗ xe thù thắng khác, tiến đến vườn ngự uyển.

10. – Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassì trên đường đi đến vườn ngự uyển, thấy một số đông người, mặc sắc phục khác nhau, và đang dựng một dàn hỏa táng. Thấy vậy, hoàng tử hỏi người đánh xe: “Này khanh, vì sao đám đông người ấy mặc sắc phục khác nhau và đang dựng một dàn hỏa táng?” – “Tâu Hoàng tử, vì có một người vừa mới mệnh chung” – “Này khanh, vậy ngươi hãy đánh xe đến gần người vừa mới mệnh chung!” – “Thưa vâng, tâu Hoàng tử.”

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng theo lời hoàng tử, cho đánh xe đến người vừa mới mệnh chung. Này các Tỷ-kheo, khi thấy thây người chết, hoàng tử Vipassì hỏi: “Này khanh, sao người ấy được gọi là người đã chết?” – “Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người đã chết vì nay bà mẹ, ông cha, các người bà con ruột thịt khác không thấy người ấy nữa; và người ấy cũng không thấy bà mẹ, ông cha hay những người bà con ruột thịt khác!” – “Này khanh, vậy Ta chưa chết, rồi có bị chết không? Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Ta chăng, và Ta sẽ không thấy Phụ vương, Mẫu hậu hay những bà con ruột thịt chăng?” – “Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tuy nay chưa chết nhưng rồi sẽ cũng bị chết. Phụ vương, Mẫu hậu hay các người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Hoàng Tử, và Hoàng tử sẽ không thấy Phụ vương. Mẫu hậu hay các người bà con ruột thịt khác”. – “Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung”. – “Thưa vâng, Hoàng tử”.

Này các Tỷ-kheo, người đánh xe vâng lời hoàng tử, cho đánh xe trở về cung. Này các Tỷ-kheo, hoàng tử Vipassì về trong cung, đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: “Sỉ nhục thay cái gọi là sanh! Và ai sanh ra cũng phải già, cũng phải bệnh, cũng phải chết như vậy!”.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

×