13. Trước đã nói: “Do duyên đam trước, chấp thủ sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên đam trước, chấp thủ sanh”? Này Ananda, nếu đam trước không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có đam trước cho tất cả, nếu đam trước diệt thời chấp thủ có thể hiện hữu được không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của chấp thủ, tức là đam mê.
14. Trước đã nói: “Do duyên tham dục, đam trước sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên tham dục, đam trước sanh”? Này Ananda, nếu tham dục không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có tham dục cho tất cả, nếu tham dục diệt thời đam trước có thể hiện hữu được không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của đam trước, tức là tham dục.
15. Trước đã nói: “Do duyên quyết định, tham dục sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên quyết định tham dục sanh”? Này Ananda, nếu quyết định không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu không có quyết định cho tất cả, nếu quyết định diệt thời tham dục có thể hiện hữu được không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của tham dục tức là quyết định.
16. Trước đã nói: “Do duyên lợi, quyết định sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên lợi quyết định sanh”? Này Ananda, nếu lợi không có không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu lợi không có cho tất cả, nếu lợi diệt thời quyết định có thể hiện hữu được không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của quyết định, tức là lợi.
17. Trước đã nói: “Do duyên tầm cầu, lợi sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên tầm cầu, lợi sanh”? Này Ananda, nếu tầm cầu không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu tầm cầu không có cho tất cả, nếu tầm cầu diệt thời lợi có thể hiện hữu được không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của lợi, tức là tầm cầu.
18. Trước đã nói: “Do duyên ái, tầm cầu sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên ái, tầm cầu sanh”? Này Ananda, nếu không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, nếu ái không có cho tất cả, nếu ái diệt thời tầm cầu có thể hiện hữu được không?- Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của tầm cầu, tức là ái.
Này Ananda, như vậy hai phương diện (của ái) tuy hai nhưng hòa hợp thành một, nhờ thọ (làm duyên sanh).
19. Trước đã nói: “Do duyên xúc, thọ sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên xúc, thọ sanh”? Này Ananda, nếu xúc không có bất cứ loại nào, bất cứ chỗ nào, như nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc, nếu xúc không có cho tất cả, nếu xúc diệt thời thọ có thể hiện hữu không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của thọ, tức là xúc.
20. Trước đã nói: “Do duyên danh sắc, xúc sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên danh sắc, xúc sanh”? Này Ananda, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo, nhờ đó mà danh thân và sắc thân thi thiết; nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời danh mục xúc trong sắc thân có thể hiện hữu được không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy nhờ đó mà sắc thân được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời hữu đối xúc trong danh thân có thể hiện hữu được không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo nhờ đó mà danh thân và sắc thân được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có, thời danh mục xúc hay hữu đối xúc có thể hiện hữu được không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, những hình, những sắc, những tướng, những mạo nhờ đó mà danh sắc được thi thiết, nếu những hình, những sắc, những tướng, những mạo ấy không có thì xúc có thể hiện hữu được không?
– Bạch Thế Tôn, không!
Do vậy, này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của xúc, tức là danh sắc.
21. Trước đã nói: “Do duyên thức, danh sắc sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên thức, danh sắc sanh”? Này Ananda, nếu thức không đi vào trong bụng của người mẹ, thời danh sắc có thể hình thành trong bụng bà mẹ không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, nếu thức đi vào trong bụng bà mẹ rồi bị tiêu diệt, thời danh sắc có thể hình thành trạng thái này, trạng thái khác không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Ananda, nếu thức bị đoạn trừ trong đứa con nít, hoặc là đồng nam hay đồng nữ, thời danh sắc có thể lớn hơn, trưởng thành và thành mãn được không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Do vậy, này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của danh sắc, tức là thức.
22. Trước đã nói: “Do duyên danh sắc, thức sanh”. Này Ananda, phải hiểu như thế nào câu nói: “Do duyên sanh sắc thức sanh “? Này Ananda, nếu thức không an trú được trong danh sắc, thời trong tương lai, có thể hiện hữu sự hình thành của sanh, lão, tử, khổ, tập không?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Do vậy, này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của thức, tức là danh sắc.
– Này Ananda, trong giới hạn con người được sanh, con người được già, con người được chết, con người được diệt, hay con người được tái sanh, trong giới hạn ấy là danh mục đạo, trong giới hạn ấy là ngôn ngữ đạo, trong giới hạn ấy là thi thiết đạo, trong giới hạn ấy là tuệ giới, trong giới hạn ấy là lưu chuyển luân hồi hiện hữu trạng thái này trạng thái khác nghĩa là danh sắc và thức.
23. Này Ananda, có bao nhiêu lời tuyên bố về ngã? Này Ananda, hoặc ngã được tuyên bố là có sắc và hạn lượng trong câu: “Ngã của tôi có sắc và hạn lượng”. Này Ananda, hoặc ngã được tuyên bố là có sắc và vô lượng trong câu: “Ngã của tôi có sắc và vô lượng”. Này Ananda, hoặc ngã được tuyên bố là không có sắc và có hạn lượng trong câu: “Ngã của tôi không có sắc và có hạn lượng”. Này Ananda, hoặc ngã được tuyên bố là không có sắc và vô lượng trong câu: “Ngã của tôi không có sắc và vô lượng”.
24. Này Ananda, có người tuyên bố ngã có sắc và có hạn lượng trong hiện tại, người này tuyên bố hoặc ngã có sắc và có hạn lượng trong tương lai. Hoặc như thế này: “Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy”. Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và có hạn lượng như vậy là quá đủ rồi.
Này Ananda, có người tuyên bố ngã có sắc và vô lượng người này tuyên bố hoặc ngã có sắc và vô lượng trong hiện tại, hoặc ngã có sắc và vô lượng trong tương lai. Hoặc như thế này: “Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy”. Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và vô lượng như vậy là quá đủ rồi.
Này Ananda, có người tuyên bố ngã không có sắc và có hạn lượng, người này tuyên bố hoặc ngã không có sắc và có hạn lượng trong hiện tại hoặc ngã không có sắc và có hạn lượng trong tương lai… hoặc ngã không có sắc và vô lượng trong tương lai. Hoặc như thế này: “Ngã của tôi không phải như vậy, tôi sẽ uốn nắn cho như vậy”. Này Ananda, sự việc là như vậy thời lời tuyên bố về tà kiến ngã có sắc và vô lượng như vậy là quá đủ rồi. Này Ananda, như vậy, là có bấy nhiêu lời tuyên bố về ngã.
25. Này Ananda, có bao nhiêu lời không tuyên bố về ngã? Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là có sắc và có hạn lượng trong câu: “Ngã của tôi có sắc và có hạn lượng”. Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là có sắc và vô lượng trong câu: “Ngã của tôi có sắc và vô lượng”. Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là không có sắc và có hạn lượng trong câu: “Ngã của tôi không có sắc và có hạn lượng”. Này Ananda, hoặc ngã không được tuyên bố là không có sắc và vô lượng trong câu: “Ngã của tôi không có sắc và vô lượng”.