11. Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng sáu pháp bất thối, hãy nghe và suy nghiệm kỹ. Ta sẽ giảng.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Những vị Tỷ-kheo ấy đáp ứng Thế Tôn. Thế Tôn nói:
– Này các, Tỷ-kheo khi nào các vị Tỷ-kheo đối với các vị đồng tu phạm hạnh, tại chỗ đông người và vắng người, gìn giữ thân nghiệp từ hòa, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo đối với các vị đồng tu phạm hạnh, tại chỗ đông người và vắng người gìn giữ khẩu nghiệp từ hòa, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo đối với các vị đồng tu phạm hạnh, tại chỗ đông người và vắng người, gìn giữ ý nghiệp từ hòa, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo phân phối không thiên vị, chung thọ hưởng với các bạn giới đức đồng tu, mọi lợi dưỡng chơn chánh, hợp pháp, cho đến những vật thọ lãnh trong bình bát khất thực, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo sống với các bạn đồng tu, tại chỗ đông người và vắng người, trong sự thọ trì những giới luật đúng với Sa-môn hạnh, những giới luật không bị gẫy vụn, không bị sứt mẻ, không bị tỳ vết, không bị uế trược, những giới luật đưa đến giải thoát, được người có trí tán thán, không bị ô nhiễm bởi mục đích sai lạc, những giới luật hướng đến định tâm, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo sống với các bạn đồng tu, tại chỗ đông người và vắng người, trong sự thọ trì những tri kiến đúng với Sa-môn hạnh, những thánh tri kiến đưa đến giải thoát, hướng đến sự diệt tận khổ đau cho những ai thực hành theo, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Này các Tỷ-kheo, khi nào sáu pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỷ-kheo, khi nào các vị Tỷ-kheo được dạy sáu pháp bất thối này, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
12. Trong thời gian Thế Tôn ở Vương Xá tại núi Linh Thứu, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo: “Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu”.
13. Thế Tôn ở Vương Xá cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, rồi Ngài gọi tôn giả Ananda:
– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Ambalatthikà.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Tôn giả Ananda đáp ứng Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Ambalatthikà.
14. Tại Ambalatthikà, Thế Tôn thân trú tại nhà nghỉ mát của vua. Trong thời gian Thế Tôn ở Ambalatthikà, tại nhà nghỉ mát của vua, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo.
– Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ, Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.
15. Thế Tôn ở Ambalatthikà cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, rồi Ngài bảo tôn giả Ananda:
– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Nalandà.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Nalandà. Tại đây, Thế Tôn ở Pavarikambavana (Ba-ba-lợi Âm-bà-lâm).
16. Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và xuống một bên. Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa-môn, một Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác.
– Này Sàriputta, lời nói của Ngươi thật là đại ngôn, thật là gan dạ. Ngươi thật đã rống tiếng rống con sư tử: “Con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa-môn, một Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác”. Này Sàriputta, có phải Ngươi đã biết tất cả những Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở quá khứ, Ngươi đã biết tâm những Vị này nói với tâm của Ngươi: “Những Thế Tôn này ở quá khứ có giới đức như vậy, có thiền định như vậy, có trí tuệ như vậy, có hạnh trú như vậy, có giải thoát như vậy”?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Sàriputta, có phải Ngươi đã biết tất cả những Thế Tôn, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở tương lai, Ngươi đã biết tâm những vị này với tâm của Ngươi: “Những Thế Tôn này ở tương lai có giới đức như vậy, có thiền định như vậy, có trí tuệ như vậy, có hạnh trú như vậy, có giải thoát như vậy”?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Sàriputta, có phải Ngươi biết Ta là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở hiện tại, Ngươi đã biết tâm Ta với tâm của Ngươi. “Thế Tôn có giới đức như vậy, có thiền định như vậy, có trí tuệ như vậy, có hạnh trú như vậy, có giải thoát như vậy”?
– Bạch Thế Tôn, không!
– Này Sàriputta, như vậy Ngươi không có tha tâm thông đối với các vị Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở quá khứ, tương lai và hiện tại. Như vậy, này Sàriputta, vì sao Ngươi lại thốt ra những lời đại ngôn, lời nói gan dạ, rống lên tiếng rống con sư tử: “Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa-môn, một Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện chánh giác”?
17. – Bạch Thế Tôn, con không có tha tâm thông đối với các vị Ứng Cúng, Chánh Biến Tri ở quá khứ, tương lai và hiện tại. Nhưng con biết truyền thống về chánh pháp. Bạch Thế Tôn, như vị vua có một thành trì tại Biên cảnh, thành này có hào lũy kiên cố, có thành quách tháp canh kiên cố và chỉ có một cửa ra vào. Tại đây có một người gác cửa thông minh, biệt tài và nhiều kinh nghiệm, không cho vào các người lạ mặt, chỉ cho vào những người quen mặt. Người này trong khi đi tuần trên con đường chạy vòng quanh thành trì ấy có thể không thấy các chỗ nối hay khe hở của tường, cho đến chỗ một con mèo có thể lọt ra được, nhưng người ấy chỉ cần biết rằng các sinh vật to lớn vào hay ra thành trì này tất cả đều đi vào hay đi ra bởi cửa này. Bạch Thế Tôn, cũng vậy con biết truyền thống về chánh pháp. Bạch Thế Tôn, tất cả các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong quá khứ, tất cả vị Thế Tôn này đã diệt trừ Năm Triền cái, những nhiễm tâm khiến cho trí tuệ yếu ớt, đã an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác chi, đã chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Bạch Thế Tôn, tất cả các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong tương lai, tất cả Thế Tôn này đã diệt trừ Năm Triền cái, những nhiễm tâm khiến cho trí tuệ yếu ớt, đã an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác chi, đã chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hiện tại đã diệt trừ Năm Triền Cái, những nhiễm tâm khiến cho trí tuệ yết ớt, đã an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác chi, đã chứng được Vô thượng Chánh Ðẳng Giác.
18. Trong thời gian Thế Tôn ở tại Nalandà, rừng Pavarikamba, pháp thoại này được giảng cho chúng Tỷ-kheo.
– Ðây là Giới, đây là Ðịnh, đây là Tuệ. Ðịnh cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Ðịnh sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu.
19. Thế Tôn ở Nalandà cho đến khi Ngài xem là vừa đủ, rồi gọi tôn giả Ananda:
– Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Pàtaligàma.
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Tôn giả Ananda vâng lời Thế Tôn. Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến Pàtaligàma.
20. Lúc bấy giờ, các cư sĩ ở Pàtaligàma được nghe Thế Tôn đã đến làng Pàtaligàma. Các cư sĩ ở Pàtaligàma đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các cư sĩ ở Pàtaligàma bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy đến ở tại nhà nghỉ mát của chúng con”. Thế Tôn im lặng nhận lời.