11. Lúc bấy giờ, tôn giả Ananda suy nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Thật là hy hữu! Ðại địa chấn động, đại địa rung động như vậy, ghê rợn, tóc lông dựng ngược và sấm trời vang dậy. Do nhân gì, do duyên gì, đại địa chấn động như vậy?”.
12. Rồi tôn giả Ananda đến tại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Khi ngồi xuống một bên, tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu! Bạch Thế Tôn thật là hy hữu! Ðại địa chấn động, đại địa rung động như vậy, ghê rợn, tóc lông dựng ngược và sấm trời vang dậy. Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì, đại địa chấn động như vậy?
13. – Này Ananda, có tám nhân, có tám duyên khiến đại địa chấn động. Thế nào là tám? Này Ananda, đại địa này thiết lập trên nước, nước ở trên gió và gió ở tại hư không. Này Ananda, đến thời đại phong khởi lên, gió lớn khi thổi làm nổi sóng nước, và khi nước nổi sóng thì quả đất rung động. Ðó là nhân thứ nhất, duyên thứ nhất, đại địa chấn động.
14. Lại nữa này Ananda, có vị Sa-môn hay Bà-la-môn có thần thông, tâm được chế ngự, hay hàng chư Thiên có đại thần thông, có đại uy lực; những vị này quán địa tánh có hạn, quán thủy tánh vô lượng, vị ấy có thể khiến quả đất này rung động, chuyển động mạnh. Ðó là nhân thứ hai, duyên thứ hai khiến đại địa chấn động.
15. Lại nữa, này Ananda, khi vị Bồ-tát ở cõi Tusita (Ðâu suất) từ bỏ thân, chánh niệm, tỉnh giác, nhập vào mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ ba, duyên thứ ba khiến đại địa chấn động.
16. Lại nữa, này Ananda, khi vị Bồ-tát, chánh niệm, tỉnh giác, ra khỏi mẫu thai, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ tư, duyên thứ tư khiến đại địa chấn động.
17. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, khi ấy quả đất rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ năm, duyên thứ năm khiến đại địa chấn động.
18. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai chuyển bánh xe Pháp, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ sau, duyên thứ sau, khiến đại địa chấn động.
19. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai, chánh niệm, tỉnh giác, từ bỏ, không duy trì mạng sống, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ bảy, duyên thứ bảy, khiến đại địa chấn động.
20. Lại nữa, này Ananda, khi Như Lai nhập vô dư y Niết Bàn, khi ấy quả đất này rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Ðó là nhân thứ tám duyên thứ tám, khiến đại địa chấn động. Này Ananda, do tám nhân này, tám duyên này, khiến đại địa chấn động.
21. Này Ananda, có tám chúng. Thế nào là tám? Chúng Sát-đế-Lỵ, chúng Bà-la-môn, chúng Cư sĩ, chúng Sa-môn, chúng Bốn Thiên vương, chúng Tam thập tam thiên, chúng Ma, chúng Phạm thiên.
22. Này Ananda, Ta nhớ lại Ta đã đến chúng Sát -đế-lỵ hơn một trăm lần. Tại đây trước khi Ta ngồi, trước khi Ta nói chuyện, và trước khi cuộc đối thoại bắt đầu, dung sắc của chúng Sát-đế-lỵ như thế nào, dung sắc của Ta cũng như vậy; giọng nói chúng như thế nào, giọng nói của Ta cũng như vậy. Và với bài pháp thoại, Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ. Khi Ta đang nói, chúng không biết: “Kẻ nói ấy là ai, là chư Thiên chăng, là Người chăng?” Sau khi Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ với bài pháp thoại, Ta biến mất. Khi Ta biến mất, chúng không biết: “Kẻ biến mất ấy là ai, là chư Thiên chăng, là Ngươi chăng?”.
23. Này Ananda. Ta nhớ lại Ta đã đến chúng Bà-la-môn hơn một trăm lần… chúng Cư sĩ… chúng Sa-môn… chúng Bốn Thiên vương… chúng Tam thập tam thiên… chúng Ma… chúng Phạm thiên hơn trăm lần, tại đây trước khi Ta ngồi, trước khi Ta nói chuyện và trước khi cuộc đối thoại bắt đầu dung sắc của chúng Phạm thiên như thế nào, dung sắc của Ta cũng vậy; giọng nói của chúng như thế nào, giọng nói của Ta cũng vậy. Và với bài pháp thoại, Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ. Khi Ta đang nói, chúng không biết: “Kẻ nói ấy là ai, là chư Thiên chăng, là Người chăng?” Sau khi Ta giảng dạy, khích lệ, làm cho phấn khởi, khiến tâm hoan hỷ, Ta biến mất. Khi Ta biến mất, chúng không biết: “Kẻ biến mất đó là ai, là chư Thiên chăng, là Người chăng?” Này Ananda, như vậy là tám chúng.
24. Này Ananda, có tám thắng xứ. Thế nào là tám?
25. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc, có hạn lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ nhất.
26. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ hai.
27. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ ba.
28. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tư.
29. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh – như bông gai màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh – như lụa Ba-la-nại, cả hai mặt láng trơn, màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh. Vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ năm.
30. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, sắc màu vàng, tướng màu vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng – như bông Kanikàra màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng – như lụa sa Balanại, cả hai mặt láng trơn màu vàng, tướng sắc vàng hình sắc vàng – như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ sáu.
31. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ – như bông bandhujìvaka màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ – như lụa sa Balanại, cả hai mặt láng trơn màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ bảy.
32. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng – như sao mai Osadhi màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng – như lụa sa Balanại, cả hai mặt láng trơn màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng. Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng, vị ấy nhận thức rằng: “Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy”, đó là thắng xứ thứ tám. Này Ananda như vậy là tám thắng xứ.
33. Này Ananda, tám giải thoát. Thế nào là tám?
Tự mình có sắc, thấy các sắc; đó là sự giải thoát thứ nhất.
Quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc; đó là sự giải thoát thứ hai.
Quán tưởng (sắc là) tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy; đó là sự giải thoát thứ ba.
Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng hữu đối, không tác ý đến những tưởng khác biệt, với suy tư “hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ; đó là sự giải thoát thứ tư.
Vượt khỏi hoàn toàn Không vô biên xứ, với suy tư “thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ; đó là giải thoát thứ năm.
Vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với suy tư “không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ; đó là sự giải thoát thứ sáu.
Vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ; đó là sự giải thoát thứ bảy.
Vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng; đó là sự giải thoát thứ tám.
Này Ananda, như vậy là tám giải thoát.
34. Này Ananda, một thời Ta ở tại Uruvelà, trên bờ sông Neranjara, dưới gốc cây Ajapàlanigrodha khi Ta mới thành đạo. Này Ananda, lúc bấy giờ Ác ma đến tại chỗ Ta ở, khi đến xong liền đứng một bên. Này Ananda, sau khi đứng một bên, Ác ma nói với Ta: “Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ”.