Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 2

11/10/2021 8.691 lượt xem

TÁNH THẤY KHÔNG BỊ MẤT

A-Nan từ chỗ ngồi liền đứng dậy, chắp tay quỳ xuống bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, nếu cái thấy nghe nầy thật là không sinh diệt, tại sao Thế Tôn gọi chúng con bỏ quên chân tánh, làm việc điên đảo? Nguyện xin Thế Tôn đem lòng từ bi rửa sạch trần cấu cho chúng con.”

Liền khi ấy Đức Phật buông cánh tay sắc vàng, năm ngón tay chỉ xuống, bảo A-Nan rằng: “Nay ông thấy cánh tay mẫu-đà-la của Như Lai là thuận hay là nghịch?”

A-Nan thưa: “Chúng sinh trong thế gian cho đó là nghịch, riêng con chẳng biết thế nào là thuận, thế nào là nghịch”

Đức Phật bảo A-Nan: “Nếu người thế gian cho đây là nghịch, vậy họ cho thế nào là thuận?”

A-Nan thưa: “Khi Như Lai đưa cánh tay đâu-la miên lên, các ngón tay chỉ lên hư không, đó gọi là thuận.”

Đức Phật liền đưa cánh tay lên rồi bảo A-Nan: “Điên đảo là như thế, lấy đầu làm đuôi. Chúng sinh trong thế gian đều nhìn thấy như vậy.”

Nên biết thân ông cùng với pháp thân thanh tịnh của các Đức Như Lai, theo đó mà phát minh, thì thân Như Lai gọi là chánh biến tri, còn thân của ông gọi là tánh điên đảo.

“Ông nên quán sát kỹ thân ông và thân Phật, tên gọi điên đảo ấy, chỗ nào là điên đảo?

Khi ấy A-Nan và toàn thể đại chúng chăm chăm nhìn Phật không chớp mắt, không biết nơi thân tâm mình chỗ nào là điên đảo.”

Đức Phật khởi lòng từ bi, thương xót A-Nan và cả đại chúng, nên phát ra lời nói với âm thanh như tiếng hải triều, dạy bảo hội chúng.

Này các thiện nam tử! Như Lai thường nói: “Sắc, tâm, các duyên, các tâm sở sử cùng các pháp sở duyên, đều do tâm biến hiện.”

Thân tâm ông đều là vật hiện ra từ trong diệu minh chân tinh diệu tâm. Tại sao các ông lại bỏ mất tâm tánh vốn nhiệm mầu sáng suốt ấy, mà nhận cái mê trong ngộ?

Mê muội thành ra có hư không, trong hư không mê muội ấy, kết cái tối tăm thành sắc. Sắc xen tạp với vọng tưởng, nhận tướng vọng tưởng làm thân. Nhóm các duyên dao động bên trong, rong ruổi theo cảnh vật bên ngoài, nhận tướng mờ mịt lăng xăng đó làm tâm tánh.

Một khi đã lầm là tâm thì chắc chắn nhận lầm tâm ở trong thân. Chẳng biết rằng từ sắc thân cho đến núi sông, hư không và thế giới đều là vật ở trong diệu minh chân tâm.

Ví như bỏ đi trăm ngàn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một hòn bọt nổi mà cho là toàn thể biển lớn. Các ông là những người trong đám người mê, như cánh tay Như Lai rủ xuống không khác. Như Lai nói các ông thật là đáng thương xót.

A-Nan nghe lời chỉ dạy từ bi cứu độ sâu mầu của Đức Phật, khóc lóc rồi chắp tay bạch rằng: “Tuy con nghe được pháp âm vi diệu của Phật, ngộ được tâm vốn thanh tịnh sáng suốt viên mãn thường trú,”

Song con ngộ được pháp âm của Phật vừa dạy, con cũng dùng tâm phan duyên để nhận biết điều ước mong. Con dù có được tâm nầy, cũng chưa dám nhận là tâm tánh xưa nay hằng có.

“Cúi mong Đức Phật thương xót, tuyên dạy viên âm, nhổ sạch gốc nghi ngờ trong con, để quay về đạo vô thượng.”

Đức Phật bảo A-Nan: “Các ông vẫn còn dùng tâm phan duyên để nghe pháp, thì pháp ấy chỉ là sở duyên, hư vọng, chẳng phải là pháp tánh.”

Như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác xem, người kia phải nhờ ngón tay mới thấy được mặt trăng.

Nếu lại nhìn ngón tay nhận là mặt trăng, thì người ấy không những quên mất mặt trăng mà còn mất luôn cả ngón tay.

Vì sao? Vì cho ngón tay là mặt trăng sáng. Không những quên mất ngón tay, mà còn không biết đến tối và sáng.

Sao vậy? Vì cho ngón tay là tánh sáng của mặt trăng. Thế là không rõ được tánh sáng và tối. Các ông cũng như vậy.

Nếu lấy cái phân biệt pháp âm của Như Lai làm tâm của ông, thì tâm ấy lẽ ra khi tự tách rời cái phân biệt âm thanh nói pháp, nó phải có tánh phân biệt. Như người khách ngủ trọ trong lữ quán, tạm nghỉ rồi đi, không dừng lại mãi; mà người chủ quán thì chẳng đi đâu, nên gọi là chủ.

Đây cũng như vậy, nếu thật là tâm của ông thì chẳng đi đâu, làm sao rời tiếng lại không có tánh phân biệt?

Thế thì, chẳng những tâm phân biệt các âm thanh, mà ngay phân biệt hình dung của Như Lai, khi rời các sắc tướng, cũng không có tánh phân biệt.

Như thế cho đến cái phân biệt đều không, chẳng phải sắc, chẳng phải không, mà nhóm Câu-xá-ly…lầm cho là minh đế. Rời các pháp trần, không còn tánh phân biệt.

Thì tâm tánh của ông đều có chỗ trả về, vậy lấy gì làm chủ?

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

×