Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 2

11/10/2021 8.671 lượt xem

NGŨ ẤM

1. Sắc Ấm

A-Nan, tại sao ngũ ấm vốn là Như Lai tạng, là tánh chân như nhiệm mầu?

A-Nan, thí như có người dùng mắt thanh tịnh để nhìn bầu trời quang đãng, chỉ thấy một khoảng không trong vắt.

Người kia vô cớ nhìn sững chẳng nháy mắt, nhìn lâu phát ra mỏi mệt, nên trong hư không riêng thấy có hoa đốm lăng xăng và tất cả các tướng giả dối không thật.

Nên biết sắc ấm cũng lại như vậy.

A-Nan! Các hoa đốm lăng xăng ấy chẳng phải từ hư không mà đến, cũng chẳng phải từ mắt mà ra.

Đúng vậy, A-Nan. Nếu từ hư không đến, đã từ hư không đến thì phải trở về với hư không. Nếu có ra có vào tức chẳng phải là hư không. Hư không nếu chẳng không thì chẳng dung chứa được tướng hoa đốm sinh diệt kia.

Như thân thể A-Nan thì chẳng dung nạp thêm một A-Nan nào được nữa. Nếu hoa đốm từ mắt mà có, đã từ mắt mà ra thì phải trở về trong mắt.

Nếu tánh của hoa đốm từ mắt mà có, thì lẽ ra nó phải thấy được. Nếu nó thấy được thì khi ra làm hoa đốm giữa hư không, khi trở về nó phải thấy con mắt. Nếu không thấy được, thì khi ra làm mờ hư không và khi trở về phải làm mờ con mắt.

Lại nữa, khi thấy hoa đốm, lẽ ra mắt không mờ. Tại sao khi thấy hư không trong lặng, mới gọi là con mắt trong sáng?

Do vậy nên biết sắc ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

2. Thọ Ấm

A-Nan, ví như có người, tay chân rảnh rang, thân thể điều hòa, bỗng dưng quên mình vì tâm tánh chẳng có gì chống trái nhau. Người nầy vô cớ xoa hai bàn tay giữa hư không, trong lòng bàn tay vọng sanh các tướng trơn, rít, lạnh, nóng.

Nên biết thọ ấm cũng giống như vậy.

A-Nan! Các cảm xúc không thật ấy, chẳng từ hư không mà đến, cũng chẳng từ bàn tay mà ra.

Đúng vậy, A-Nan. Nếu từ hư không đến, đã xúc chạm với bàn tay, sao chẳng xúc chạm với thân? Chẳng lẽ hư không biết chọn lựa nơi chốn để xúc chạm?

Nếu nó đến từ bàn tay thì lẽ ra chẳng đợi hai bàn tay hợp lại mới có. Lại nữa, nếu từ trong lòng bàn tay mà ra thì khi bàn tay hợp lại mới biết có cảm xúc, đến khi hai tay rời nhau thì cảm xúc phải trở vào. Vậy cánh tay, cổ tay, xương tủy lẽ ra phải biết tung tích khi ra vào của cảm xúc.

Còn phải có tâm hay biết, biết khi nó ra, khi nó vào, cho đến phải biết có một vật qua lại trong thân. Đâu cần phải đợi khi hai tay hợp nhau mới gọi là cảm xúc?

Do vậy nên biết thọ ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

3. Tưởng Ấm

A-Nan, như có người khi nghe nói đến me chua thì trong miệng nước bọt chảy ra, nghĩ đến khi đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn. Nên biết tưởng ấm cũng giống như vậy.

Nên biết tưởng ấm cũng giống như vậy.

A-Nan! cái tiếng chua nầy chẳng từ me sinh ra, chẳng phải từ miệng vào.

Thật vậy A-Nan, nếu từ me sanh ra thì me tự biết nói, đâu cần đợi người nói. Nếu từ miệng mà vào thì tự miệng đã nghe tiếng, đâu cần đến tai nghe. Nếu riêng tai nghe được thì nước bọt nầy tại sao không tiết ra từ lỗ tai ?

Việc nghĩ tưởng mình đứng trên dốc cao cũng giống như vậy.

Do vậy nên biết tưởng ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

4. Hành Ấm

A-Nan, ví như dòng nước chảy mạnh, các làn sóng nối tiếp, lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau.

Nên biết hành ấm cũng lại như vậy.

A-Nan! tánh của dòng nước như vậy chẳng do hư không sinh ra, chẳng phải do nước mà có, cũng chẳng phải tánh nước, cũng chẳng lìa hư không và nước.

Thật vậy, A-Nan. Nếu nhân hư không mà sinh thì mười phương hư không vô tận sẽ thành dòng nước vô tận. Thế giới tự nhiên sẽ bị chìm đắm.

Nếu do nước mà có thì dòng nước nầy tánh nó lẽ ra không phải là nước nữa, và hiện nay có thể chỉ ra tướng của nước và dòng nước khác nhau. Nếu dòng nước tức là tánh nước thì khi nước trong lặng, sẽ không còn là thể của nước nữa?

Nếu lìa hư không và nước thì hư không vốn chẳng có trong và ngoài; ngoài nước ra vốn chẳng có dòng nước.

Do vậy nên biết hành ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

5. Thức Ấm

A-Nan, ví như có người lấy một cái bình tần già, bịt kín hai đầu lại, trong đó đựng đầy hư không, đem đi xa ngàn dặm, đến cho nước khác.

Nên biết thức ấm cũng lại như vậy.

A-Nan! Hư không nầy chẳng phải từ phương kia đến, cũng chẳng phải từ phương nầy vào.

Như vậy A-Nan, nếu hư không từ phương kia lại, thì trong bình nầy đã đựng hư không đem đi, thì ở chỗ chiếc bình phải thiếu đi một ít hư không.

Nếu hư không từ phương nầy vào, thì khi mở miệng bình đổ ra, phải thấy hư không đi ra.

Do vậy nên biết thức ấm không thật, vốn chẳng phải nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

Xem thêm: Thần Chú Lăng Nghiêm

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

×