Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 2

11/10/2021 8.670 lượt xem

A-NAN CHẤP VÀO TỰ NHIÊN

A-Nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu thật như Đấng Pháp vương đã nói, tánh giác duyên khắp 10 phương cõi nước, tánh giác ấy thanh tịnh vắng lặng, thường trú, không sinh không diệt. So với thuyết Minh đế của Phạm chí Ta-tỳ-ca-la, hoặc các thuyết của ngoại đạo Đầu hôi v.v…, nói có một chân ngã trùm khắp cả 10 phương thì có gì sai khác?

Thế Tôn đã từng ở núi Lăng-già, vì ngài Đại Huệ v.v… giảng rộng nghĩa nầy: ngoại đạo kia thường nói tự nhiên, còn Như Lai nói nhân duyên, chẳng phải là cảnh giới của hàng ngoại đạo kia.

Nay con quán sát kỹ, thấy tánh giác vốn tự nhiên, không sinh không diệt, xa lìa mọi hư vọng điên đảo nầy, dường như chẳng phải nhân duyên hoặc tự nhiên của ngoại đạo kia.

Xin Thế Tôn chỉ dạy cho chúng con làm sao để khỏi rơi vào tà kiến, đạt được tâm tánh chân thật giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu.

Đức Phật bảo A-Nan: “Nay Như Lai dùng phương tiện chỉ dạy như vậy, chân thật dạy ông mà ông còn chưa ngộ, lầm cho là tự nhiên.”

A-Nan, nếu chắc là tự nhiên, thì cần phải xét rõ có cái thể tự nhiên chăng.

Ông hãy quán sát trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy, lấy gì làm tự thể? Tánh thấy nầy lấy sáng làm tự thể hay lấy tối làm tự thể; lấy không làm tự thể, hay lấy ngăn bít làm tự thể?

A-Nan, nếu lấy sáng làm tự thể, thì đáng lẽ chẳng thấy tối. Nếu lấy không làm tự thể, thì đáng lẽ chẳng thấy ngăn bít. Như thế cho đến lấy các tướng tối làm tự thể, thì khi sáng, tánh thấy phải diệt mất, làm sao thấy được sáng?

A-Nan thưa: “Tánh thấy nhiệm mầu nầy chắc chẳng phải tự nhiên. Nay con phát minh là do nhân duyên sinh. Nhưng tâm vẫn còn chưa rõ. Xin hỏi Đức Như Lai nghĩa ấy như thế nào mới hợp với tánh nhân duyên?”

Đức Phật bảo: “Ông nói nhân duyên, Như Lai lại hỏi ông , nay ông nhân thấy, tánh thấy hiện tiền. Vậy cái thấy nầy nhân nơi sáng mà có thấy hay nhân nơi tối mà có thấy, nhân nơi hư không mà có thấy hay nhân nơi ngăn bít mà có thấy?”

A-Nan, nếu nhân nơi sáng mà có, thì đáng lẽ chẳng thấy được tối. Nếu nhân nơi tối mà có, thì đáng lẽ chẳng thấy được sáng. Như thế cho đến nhân nơi hư không, nhân nơi ngăn bít, cũng đồng như sáng và tối.

Lại nữa A-Nan, cái thấy nầy lại duyên nơi sáng mà có thấy, hay duyên nơi tối mà có thấy? Duyên nơi hư không mà có thấy, hay duyên nơi ngăn bít mà có thấy?

A-Nan, nếu duyên nơi hư không mà có, lẽ ra không thấy chỗ bít lấp; nếu duyên nơi bít lấp mà có, lẽ ra không thấy hư không. Như thế cho đến duyên nơi sáng, duyên nơi tối, cũng đồng như hư không và bít lấp.

Phải biết tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu nầy chẳng phải nhân chẳng phải duyên, chẳng phải tự nhiên, chẳng phải không tự nhiên.

Chẳng phải không tự nhiên, không có cái chẳng phải (phi) và chẳng chẳng phải (bất phi), không có cái phải (thị) và chẳng phải (phi thị).

Lìa tất cả tướng, tức tất cả pháp. Nay ông sao ở trong chỗ bỏ mất bản tâm, nhận các danh tướng hý luận thế gian mà vọng khởi phân biệt? Như lấy tay chụp bắt hư không chỉ thêm tự nhọc, hư không làm sao để ông bắt được?

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

×