Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 2

11/10/2021 10.001 lượt xem

HAI THỨ VỌNG KIẾN

Thế nào là hai thứ vọng kiến? Một là biệt nghiệp vọng kiến của chúng sinh. Hai là đồng phận vọng kiến của chúng sinh.

1. Thế nào gọi là biệt nghiệp vọng kiến?

A-Nan, như người thế gian bị bệnh nhặm mắt, ban đêm nhìn đèn sáng, riêng thấy quanh đèn có vòng tròn năm màu bao phủ.

Ý ông nghĩ sao? Đèn sáng ban đêm nầy hiện ra quầng sáng, đó là màu sắc của đèn hay là màu sắc của cái thấy?

A-Nan, nếu màu sắc nầy là của ngọn đèn, thì người không bị nhặm mắt sao chẳng cùng thấy, mà quầng sáng ấy chỉ riêng người nhặm mắt mới thấy? Nếu đó là màu sắc của cái thấy, thì cái thấy đã thành màu sắc, còn người nhặm mắt kia thấy quầng sáng thì gọi là gì?

Lại nữa A-Nan! Nếu quầng sáng nầy rời đèn mà có, thì khi nhìn những vật chung quanh như bình phong, ghế, màn, cũng thấy quầng sáng hiện ra. Nếu rời cái thấy mà có quầng sáng, thì lẽ ra chẳng phải mắt thấy. Tại sao người nhặm mắt mới thấy quầng sáng?

Thế nên phải biết, màu sắc thực là do tại đèn, và cái thấy do bệnh nhặm nên nhìn ra quầng sáng; quầng sáng và cái thấy đều do mắt bị nhặm, chứ cái nhận biết mắt bị nhặm kia thì không bệnh. Rốt ráo chẳng nên nói quầng sáng kia là đèn hay là cái thấy, hoặc trong đó chẳng phải đèn cũng chẳng phải cái thấy.

Ví như mặt trăng thứ hai, chẳng phải là thể của mặt trăng, cũng chẳng phải là bóng của mặt trăng. Vì sao?

Mặt trăng thứ hai là do khi dụi mắt mà thấy có. Những người có trí không nên nói rằng căn nguyên của cái dụi mắt ấy là có hình tướng hay không hình tướng, là rời cái thấy hay chẳng rời cái thấy.

Cũng giống như quầng sáng tạo thành do mắt nhặm. Nay ông muốn gọi cái gì là đèn, cái gì là thấy, huống gì phân biệt không phải đèn, không phải cái thấy?

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

×