Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 2

11/10/2021 8.649 lượt xem

BỐN NGHĨA THẤY & KHÔNG THẤY

A-Nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tánh giác nhiệm mầu nầy chẳng phải nhân chẳng phải duyên, tại sao Thế Tôn thường chỉ dạy các tỷ-khưu: tánh thấy gồm đủ bốn thứ nhân duyên, nghĩa là nhân nơi hư không, nhân nơi sáng, nhân nơi tâm, và nhân nơi mắt. Nghĩa ấy như thế nào?”

Đức Phật bảo A-Nan: “Như Lai nói các tướng nhân duyên trong thế gian, chẳng phải là đệ nhất nghĩa.”

A-Nan, nay Như Lai lại hỏi ông, người trong thế gian thường nói: “Tôi thấy được.” Thế nào gọi là thấy? Thế nào là không thấy?

A-Nan thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Người thế gian nhờ có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy được mọi vật; nên gọi là thấy. Nếu không có ba thứ ánh sáng nầy thì không thể thấy được.”

Đức Phật bảo A-Nan: Nếu khi không có ánh sáng gọi là không thấy, thì lẽ ra không thấy được tối. Nếu thực thấy tối chỉ vì không có ánh sáng, sao gọi là không thấy?

A-Nan, nếu khi tối, không thấy sáng, mà gọi là không thấy được; vậy đang lúc sáng, không thấy có tối, lẽ ra đều phải gọi là không thấy.

Nếu hai tướng sáng tối tự xâm đoạt nhau, thì tánh thấy của ông trong đó chẳng phải tạm không. Như thế ắt biết trong cả hai trường hợp đều gọi là thấy. Sao gọi là không thấy?

Thế nên A-Nan! Nay ông phải biết,

  1. Khi thấy sáng thì cái thấy không phải là sáng,
  2. Khi thấy tối thì cái thấy không phải là tối,
  3. Khi thấy hư không thì cái thấy không phải là hư không,
  4. Khi thấy ngăn bít thì cái thấy không phải là ngăn bít.

Bốn nghĩa đã thành tựu. Ông lại nên biết khi ông thấy (biết) được tánh thấy, thì tánh thấy không phải là cái (bị) thấy. Tánh thấy còn vượt xa cả cái thấy và cái thấy còn không thể bắt gặp tánh thấy được. Làm sao ông còn nói nhân duyên tự nhiên và tướng hòa hợp?

Các ông là hàng Thanh Văn hẹp hòi không hiểu biết, không thông đạt được thật tướng thanh tịnh. Nay Như Lai bảo ông phải biết chiêm nghiệm, không nên trì hoãn trên đường tu đạo giác ngộ nhiệm mầu.

A-Nan bạch Phật: “Bạch Đức Thế Tôn! Như Phật Thế Tôn vì chúng con giảng nói về nhân duyên, tự nhiên và các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp, trong tâm chúng con vẫn còn chưa rõ, mà nay lại nghe thấy được cái thấy chẳng phải là tánh thấy, con càng thêm mê muội.”

Cúi mong Thế Tôn mở rộng lòng từ, ban cho con mắt đại trí huệ, chỉ dạy cho chúng con cách giác ngộ tâm tánh sáng suốt và thanh tịnh. Nói xong, A-Nan buồn khóc rồi đảnh lễ, vâng nhận thánh chỉ.

Khi ấy Thế Tôn thương xót A-Nan cùng đại chúng, đang muốn chỉ dạy pháp đại tổng trì, con đường tu tam-ma-đề vi diệu.

Phật bảo A-Nan: “Ông tuy nhớ giỏi, chỉ có ích cho việc học rộng. Đối với sự quán chiếu vi diệu của pháp xa-ma-tha, tâm ông còn chưa rõ. Nay ông hãy lắng nghe kỹ, Như Lai sẽ vì ông phân biệt khai thị.”

Cũng là giúp cho hàng hữu lậu trong tương lai chứng được quả vị bồ-đề.

A-Nan, tất cả chúng sinh luân hồi trong thế gian, là do hai thứ vọng kiến điên đảo phân biệt, ngay đó phát sinh, ngay đó mà nghiệp luân chuyển.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

×