Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 4

13/10/2021 9.183 lượt xem

HAI NGHĨA QUYẾT ĐỊNH

Khi ấy, Thế Tôn thương xót hàng Thanh Văn Duyên Giác trong chúng hội đối với bồ-đề tâm chưa được tự tại, và những chúng sinh phát bồ-đề tâm sau khi Phật đã diệt độ trong đời mạt pháp, khai thị con đường tu hành thượng thừa vi diệu.

Tuyên dạy A-Nan và đại chúng rằng: Các ông quyết định phát tâm bồ-đề, đối với pháp tam-ma-đề vi diệu của chư Phật Như Lai mà không sanh tâm mệt mỏi, thì trước tiên phải rõ hai nghĩa quyết định lúc ban đầu tự giác phát tâm. Thế nào là hai nghĩa quyết định lúc mới phát tâm?

ĐỆ NHẤT NGHĨA GIẢ

A-Nan, nghĩa thứ nhất là, nếu các ông muốn xả bỏ pháp Thanh Văn, tu Bồ Tát thừa, thể nhập vào tri kiến Phật, nên phải xét kỹ nhân địa lúc phát tâm và quả địa khi giác ngộ là đồng hay là khác?

A-Nan, nếu ở nhân địa, lấy tâm sanh diệt làm nhân chính tu tập, mà cầu Phật thừa không sanh không diệt, thì chuyện ấy không bao giờ có.

Do nghĩa ấy, ông phải thấy rõ các pháp có thể tạo tác trên thế gian đều theo sự biến diệt. A-Nan, ông xem các pháp có thể tạo tác trên thế gian, có pháp nào không hoại diệt?

Nhưng hoàn toàn không nghe hư không hoại diệt. Sao vậy? Vì hư không chẳng phải là pháp có thể tạo tác. Do đó trước sau trọn không hoại diệt.

Trong thân ông tướng cứng là đất, tướng ướt là nước, hơi nóng là lửa, lay động là gió. Do bốn thứ ràng buộc nầy mà phân chia tâm giác ngộ sáng suốt vi diệu vắng lặng viên mãn trùm khắp của ông thành ra cái thấy nghe hay biết. Trước sau tạo thành năm lớp vẩn đục.

Thế nào là vẩn đục? A-Nan, ví như nước trong, vốn sẵn là thanh khiết. Lại như các thứ bụi đất tro cát, vốn là chất ngăn ngại. Hai thể chất ấy vốn đã như vậy, không hợp nhau được. Như có người thế gian lấy bụi đất kia ném vào nước trong, Trạng thái khuấy trộn đó gọi là vẩn đục. Năm lớp vẩn đục của ông cũng giống như vậy.

  1. A-Nan, ông thấy hư không khắp cả mười phương thế giới, mà chẳng thấy phân ra hư không và tánh thấy. (Tuy vậy) có hư không mà không có thực thể, có tánh thấy mà không có tánh biết. Hai bên đã đan dệt với nhau mà thành. Đây là lớp thứ nhất, gọi là ‘kiếp trược.’
  2. Thân ông hiện bám lấy tứ đại làm tự thể, nên cái thấy nghe hay biết bị ngăn ngại. Trở lại làm cho các thứ đất nước lửa gió thành ra có cái hay biết. Các thứ đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ hai gọi là kiến trược.
  3. Lại nữa, trong tâm ông do sự nhớ biết học tập mà tánh phát ra thấy biết. Dung nạp sáu trần, rời tiền trần thì không có tướng, rời cái biết thì không có tánh. Những điều đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ ba gọi là phiền não trược.
  4. Lại nữa, tâm ông sớm chiều sanh diệt không ngừng. Cái thấy biết thì cứ muốn lưu mãi ở thế gian, mà nghiệp báo chuyển vần luôn luôn đổi dời từ cõi nầy đến cõi khác. Những điều đó đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ tư gọi là chúng sinh trược.
  5. Cái thấy nghe của ông vốn chẳng phải là tánh nào khác, do các trần cách trở nên bỗng nhiên trở thành khác. Tánh thì vẫn biết nhau, nhưng trong phần dụng thì trái nghịch nhau. Cái đồng cái khác mất hẳn chuẩn đích, cùng đan dệt nhau, hư dối mà thành. Đây là lớp thứ năm, gọi là mạng trược.

A-Nan, nay ông muốn cho cái thấy nghe hay biết của mình, quay về khế hợp với bốn đức thường lạc ngã tịnh của Như Lai.

Trước hết ông phải xác định cái gì là cội gốc sanh tử, rồi nương vào tánh không sanh không diệt, rỗng lặng trùm khắp để thành tựu.

Dùng cái vắng lặng mà xoay chuyển các thứ sanh diệt hư vọng để trở về nơi bản giác. Được tánh giác sáng suốt không sanh diệt làm cái tâm tu nhân. Sau mới thành tựu quả địa tu chứng.

Như lắng nước đục bằng cách để yên trong bình chứa. Lặng yên mãi không lay động, đất cát lắng xuống, nước trong hiện ra. Gọi là ban đầu hàng phục khách trần phiền não.

Gạn bỏ đất bùn chỉ còn nước trong, gọi là dứt hẳn căn bản vô minh. Tướng sáng suốt tinh thuần, tất cả đều biến hiện mà không do phiền não. Đều hợp với đức thanh tịnh vi diệu của niết-bàn.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17

×