Kinh Thủ Lăng Nghiêm – Quyển 4

13/10/2021 11.401 lượt xem

NHÂN DUYÊN VÀTỰ NHIÊN

Khi ấy, A-Nan liền từ trong đại chúng đứng dậy, đảnh lễ sát dưới chân Phật rồi bạch rằng, “Thế Tôn giảng rằng khi ba duyên của các nghiệp sát đạo dâm đã dứt trừ, thì các nhân của chúng không còn sinh khởi nữa. Tánh cuồng trong tâm của Diễn-nhã-đạt-đa tự hết, hết tức bồ-đề. Chẳng phải có được do từ người khác. Đây rõ ràng là nghĩa nhân duyên. Tại sao Như Lai vội bỏ nghĩa nhân duyên?”

Chính con cũng do nhân duyên mà được khai ngộ. Bạch Thế Tôn, nghĩa nầy chẳng riêng hàng Thanh Văn nhỏ tuổi hữu học như chúng con, mà các vị ngay trong hội nầy như Đại Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất, Tu-bồ-đề… từ khi theo các vị Bà-la-môn, nghe lý nhân duyên của Phật, liền phát tâm khai ngộ, chứng được quả vô lậu.

Nay Thế Tôn dạy bồ-đề không do nhân duyên, thì thuyết tự nhiên của nhóm Câu-xá-lê ở thành Vương xá lại thành đệ nhất nghĩa. Cúi mong Đấng đại bi khai mở chỗ mê lầm cho chúng con.

Đức Phật bảo A-Nan: “Như Diễn-nhã-đạt-đa trong thành, nếu trừ được nhân duyên của tánh cuồng, thì tánh không cuồng tự nhiên hiện ra. Lý nhân duyên tự nhiên rốt ráo cũng như vậy.”

A-Nan, như cái đầu của Diễn-nhã-đạt-đa vốn là tự nhiên. Vốn đã tự nhiên như thế thì có lúc nào mà không tự nhiên. Thế vì nhân duyên gì mà sợ cái đầu, phát điên bỏ chạy?

Nếu cái đầu vốn là tự nhiên, do nhân duyên mà phát cuồng, vì sao lại không tự nhiên do nhân duyên mà mất?

Đầu vốn không mất, nỗi cuồng sợ hư vọng phát ra. Vốn chưa từng thay đổi gì, đâu cần đến nhân duyên.

Nếu tánh cuồng vốn là tự nhiên, vốn sẵn có tánh cuồng sợ, thì khi chưa cuồng, tánh cuồng ở đâu?

Nếu tánh chẳng cuồng là tự nhiên, cái đầu vốn không mất, tại sao lại điên cuồng chạy khắp?

Nếu nhận cái đầu là vốn có, rõ biết vì phát cuồng mà bỏ chạy; thì nhân duyên, tự nhiên đều là hí luận. Thế nên Như Lai nói khi ba duyên đoạn trừ, đó tức là bồ-đề tâm.

Tâm bồ-đề sinh ra, tâm sinh diệt diệt đi. Đó chỉ là sinh diệt.

Diệt và sanh đều dứt, đó gọi là vô công dụng đạo. Nếu có tự nhiên, như thế rõ ràng tâm tự nhiên sanh. Khi tâm sanh diệt đã diệt, thì đó cũng chỉ là sanh diệt.

Phải không sanh diệt, mới gọi là tự nhiên. Như trong thế gian, các tướng hòa hợp với nhau thành một thể. Đó gọi là tánh hòa hợp.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17

×