Sợ hãi, chấp nhận và tha thứ

22/10/2021 4.457 lượt xem

Trở thành hải tặc

Tiếp xúc với đất, chúng ta tiếp xúc được các vị Bồ tát và đồng thời cũng tiếp xúc được với tất cả những người đau khổ. Ta phải tiếp xúc với cả hai phía. Chúng ta cần nhớ rằng có những con người đang bị kẹt vào những khổ đau lớn như chiến tranh, đàn áp và bất công. Họ không có cách nào nói lên được những khổ đau và bất công mà họ phải gánh chịu. Có những hải tặc hãm hiếp các thiếu nữ. Có những thương gia giàu có bán khí giới cho các nước nghèo, trong khi trẻ xứ đó không có thức ăn và không có trường để học. Có những chủ hãng dùng sức lao động của trẻ em. Có những người chết trong tù ngục và trại cải tạo. Trong trại cùi, có những trẻ em người lớn cụt hết cả chân tay, mù chữ và không có chút hy vọng nào! Các địa ngục đó cần Bồ tát vô cùng.

Khi chúng ta đứng trước ngọn núi hay bông hoa và quán tưởng trước khi lạy xuống lần thứ hai, ta thấy ta không chỉ là Bồ tát mà còn là nạn nhân của các áp bức, kỳ thị và bất công nữa. Với năng lượng của Bồ tát, ta ôm lấy các nạn nhân khắp nơi. Ta là hải tặc đã hãm hại em bé gái, và ta cũng là em bé gái bị hãm hiếp. Vì chúng ta không có tự tánh riêng biệt, tất cả chúng ta đều có tương quan và ta cũng là tất cả mọi người.

Lối sống của ta có ảnh hưởng trên mọi chuyện. Vậy chúng ta nên suy nghĩ. Chúng ta đã sống ra sao nên thanh niên Thái Lan kia mới trở thành kẻ hiếp dâm? Chúng ta chỉ biết quan tâm tới các nhu cầu vật chất của mình thôi. Gia đình của anh chàng kia bị kẹt vào cảnh nghèo khổ trong nhiều thế hệ. Cha hắn là một người đánh cá, chỉ biết quên sầu bằng cách uống rượu. Ông ta không biết cách dạy con và thường đánh đập chúng. Mẹ hắn không biết làm sao cho con đi học. Mười ba tuổi là hắn phải cùng cha đi tàu ra biển đánh cá rồi. Khi cha chết, hắn tiếp tục công việc thế cha. Hắn không biết hiểu và thương. Hắn muốn thành hải tặc vì chỉ một ngày là cướp được vàng bạc, khiến hắn có thể bớt nghèo – hắn đã sợ sẽ phải nghèo suốt đời. Trên biển không có Cảnh sát, hắn nghĩ: “vậy thì tại sao không theo mấy tên cướp kia mà hãm hiếp mấy cô bé trên chiếc thuyền vượt biên?”

Nếu chúng ta có súng mà bắn thì sẽ giết được anh chàng hải tặc. Nhưng nếu giúp hắn để hắn biết hiểu và thương thì có hơn chăng? Các chính trị gia, các nhà giáo dục và các viên chức chính phủ ở đâu mà không giúp hắn?

Đêm qua, trên bờ biển Thái, có hàng trăm em bé mới được sinh ra trong làng thuyền chài. Nếu chúng không được chăm sóc đủ, không được nuôi dưỡng và giáo dục, thì một số bé sẽ trở thành hải tặc. Đó là lỗi ai? Đó là lỗi của chúng ta: Các viên chức, nhà chính trị do dân bầu ra, các nhà giáo dục. Chúng ta không thể đổ lỗi cho người đánh cá mà thôi. Nếu tôi sinh ra là một em bé nghèo khổ không hề được học hành, có cha mẹ mù chữ, nghèo khổ suốt đời và không biết cách nuôi dạy tôi, tôi cũng có thể trở thành hải tặc. Nếu bạn bắn chết tôi, thì có giải quyết được gì không? Ai là hải tặc? Có thể là tôi, và em bé bị hãm hiếp cũng có thể là tôi!

Tất cả các khổ não của thế gian là của chúng ta. Chúng ta phải nhìn mình là họ và họ là mình. Khi ta nhìn thấy họ khổ đau, một mũi tên của hiểu biết và thương yêu xuyên vào tim ta. Ta có thể thương họ, ôm lấy họ và tìm cách giúp họ. Ta chỉ có thể làm vậy khi không bị tràn ngập bởi tuyệt vọng về tình trạng của người kia, hay của chính mình. Đừng chìm lỉm vì tuyệt vọng.

Khi bạn tiếp xúc với cái khổ trên thế giới, sự tuyệt vọng sẵn sàng trùm lên bạn. Nhưng đừng để vì thế mà bị chìm lỉm. Trong cuộc chiến tại Việt Nam, các thanh niên dễ sa vào tình trạng tuyệt vọng vì chiến tranh quá dài, hầu như sẽ không bao giờ chấm dứt. Nó giống như tình trạng tại Trung đông. Các thanh niên Do Thái và Palestine cảm thấy như chiến tranh sẽ không thể chấm dứt. Chúng tôi thực tập để bảo vệ trẻ em và chính chúng ta không bị tuyệt vọng. Bồ tát có thể đứng dậy và cưỡng lại sự tuyệt vọng nhờ khả năng lắng nghe, yêu thương và hiểu biết đủ để nhập cuộc. Khi lạy xuống đất lần thứ hai, chúng ta tiếp xúc với các Bồ tát lớn nhỏ khắp nơi, chúng ta cảm nhận được năng lượng của quý Ngài.

Súc vật, cây cỏ và đất đá cũng đau khổ vì lòng tham của con người. Đất, không khí và nước khổ đau vì chúng ta làm ô nhiễm chúng. Cây cối khổ vì ta phá rừng để kiếm lời. Một số sinh vật bị tuyệt chùng vì sinh môi thiên nhiên bị phá hủy. Loài người cũng giết hại nhau và khai thác nhau. Theo Phật pháp, tất cả chúng sinh đều có khả năng tỉnh thức. Làm sao chúng ta có thể dừng lại, không bị chìm lỉm trong tuyệt vọng? Đó là nhờ sự hiện diện khắp nơi của chư Bụt và Bồ tát. Không phải họ ở trên thiên đường xa xôi đâu, khi chúng ta còn sống, còn chết thì họ còn ở ngay đây với chúng ta.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14

×