Nhìn sâu vào sự không sinh không diệt
Khi chúng ta bắt đầu hiểu được rằng chúng ta là tất cả mọi sự vật thì cái sợ trong ta biến mất. Chúng ta đã tiếp xúc sâu xa được với các bình diện không gian và thời gian. Nhưng muốn thật sự vô úy, không còn chút sợ hãi nào, chúng ta phải nhìn sâu được vào bình diện tuyệt đối của bản môn không sinh không diệt. Chúng ta cần được giải phóng khỏi các quan niệm rằng ta là cái thân này, và ta sẽ chết. Đây là cái lạy thứ ba và sau đây là thiền quán giúp bạn sửa soạn điều đó:
Thở vào, tôi biết tôi đang thở vào / Vào
Thở ra, tôi biết tôi đang thở ra / Ra
Thở vào, tôi có ý thức về ngọn sóng trên đại dương / Sóng
Thở ra, tôi cười với ngọn sóng / Cười
Thở vào, tôi biết có nước trong sóng / Nước trong sóng
Thở ra, tôi cười với nước trong ngọn sóng / Cười
Thở vào, tôi thấy sóng được sinh ra / Sóng sinh ra
Thở ra, tôi cười với sóng mới sinh ra / Cười
Thở vào, tôi thấy sóng chết đi / Sóng chết đi
Thở ra, tôi cười với sóng đã chết / Cười
Thở vào, tôi thấy bản chất vô sinh của nước / Nước vô sinh
Thở ra, tôi cười với bản chất vô sinh của nước / Cười
Thở vào, tôi thấy bản chất bất diệt của nước / Nước bất diệt
Thở ra, tôi cười với sự bất diệt của nước / Cười
Thở vào, tôi thấy thân tôi được sinh ra / Thân tôi sinh
Thở ra, tôi cười với sự sinh / Cười
Thở vào, tôi thấy thân tôi chết đi / Thân tôi chết
Thở ra, tôi cười với cái chết của thân tôi / Cười
Thở vào, tôi thấy bản chất không sinh của thân tôi / Bản chất không sinh
Thở ra, tôi cười với bản chất vô sinh của thân tôi / Cười
Thở vào, tôi thấy bản chất không chết của thân tôi / Bản chất không chết
Thở ra, tôi cười với bản chất bất diệt của thân tôi / Cười
Thở vào, tôi thấy bản chất không sinh của tâm thức tôi / Tâm thức vô sinh
Thở ra, tôi cười với bản chất vô sinh của tâm thức tôi / Cười
Thở vào, tôi chỉ có ý thức về hơi thở vào / Vào
Thở ra, tôi chỉ có ý thức về hơi thở ra / Ra Tôi không phải là cái thân này
Khi còn là một chú tiểu tôi nghĩ rằng vượt thoát sinh tử là một chuyện gì rất xa xôi. Tôi nghĩ tôi sẽ không thể đạt tới trạng thái đó trong một kiếp người. Nhưng “Sinh Tử” thật ra chỉ là những quan niệm, chúng ta chỉ cần vượt qua được hai quan niệm đó thôi. Khi học điều đó tôi thấy sự sợ hãi là chuyện phải có vì hai quan niệm đó đã giam hãm chúng ta bao nhiêu năm dài.
Nay ta thấy rằng ta phong phú hơn cái thân này. Ta thấy ta không chỉ có cuộc đời này mà chúng ta vô cùng vô tận. Chúng ta thực nghiệm chuyện này trong thiền quán. Nếu chúng ta thành công trong cái lạy thứ nhất và thứ hai, thì cái lạy thứ ba chỉ là trò trẻ con. Đó là một vòng tròn bao cả hai đường dọc thời gian của cái lạy thứ nhất và đường ngang không gian của cái lạy thứ hai. Trong cái lạy đầu, ta thoát được quan niệm mình phân cách với tổ tiên và con cháu. Ta được thoát khỏi ý niệm về thời gian. Trong cái lạy thứ hai, ta vượt qua được quan niệm mình khác với Bụt, Bồ tát và các bậc đại nhân, những chúng sinh đau khổ, súc vật, cây cỏ và đất đá. Ta vượt thoát được ý niệm về không gian. Lần này ta lạy xuống và buông bỏ cái nhìn thân này là ta, ta là một chủ thể có sinh có diệt.
Bình thường ta nghĩ thân này là ta. Ta nghĩ khi thân diệt thì mình cũng bị hoại diệt. Bụt dạy rất rõ rằng thân này không phải là ta. Tôi thường hỏi các bạn trẻ, tuổi chưa tới ba mươi rằng: “Con đang ở đâu, năm 1966, khi thầy mới rời Việt Nam?” Họ không nên trả lời rằng họ chưa hiện hữu. Họ phải thấy được rằng họ đã có mặt trong cha mẹ, ông bà họ.
Bạn có thể dùng câu sau đây để tự hướng dẫn bạn khi mới thực tập cái lạy thứ ba: “Tiếp xúc với đất, con loại bỏ ý nghĩ con là cái thân này và thọ mạng của con có giới hạn.” (Đứng trước nơi bạn ưa thích, quán tưởng trước khi lạy xuống).
“Con nhìn thấy cái thân này làm bằng tứ đại không thật sự là con và con không bị giới hạn vào trong thân ấy. Con là một phần của hai dòng sinh mạng huyết thống và truyền thống tâm linh đã hàng ngàn năm truyền tới ngày nay và còn truyền đi trong tương lai hàng ngàn năm nữa. Con là một với tổ tiên con, con là một với tất cả các chúng sinh, dù là họ đang an lạc, vô úy hay họ đang đau khổ sợ hãi. Trong phút này con đang có mặt khắp nơi trên thế giới. Con cũng đang có mặt trong quá khứ và tương lai. Sự tàn hoại của thân xác này không động được tới con, cũng như khi chùm hoa mận rơi rụng, thì không có nghĩa là cây mận chết.
“Con nhìn con như một ngọn sóng trên mặt đại dương. Bản chất của con là nước trong đại dương. Con nhìn thấy con trong tất cả các ngọn sóng khác và thấy các ngọn sóng đó cũng có trong con. Sự biến hiện của hình hài ngọn sóng không ảnh hưởng tới đại dương. Pháp thân và trí tuệ của con không sinh cũng không diệt. Con nhìn thấy con trước khi thân con thể hiện và sau khi thân con tan rã. Ngay giây phút này con cũng thấy con đang hiện diện bên ngoài thân này. Bảy mươi, tám mươi năm không phải là tất cả cuộc đời con. Thọ mạng của con cũng như của chiếc lá, của Bụt, không bị thời gian giới hạn. Con đã vượt qua được ý niệm cho rằng cái thân này là một thực thể riêng biệt với thời gian và không gian.”
Những ai trong các bạn đã tiếp xúc sâu sắc được với bản chất của thời gian và không gian thì có thể tiếp xúc được với bình diện tuyệt đối, với bản môn. Sau khi tiếp xúc với sóng, bạn học cách tiếp xúc với nước.