2. Kinh Sa-môn quả

25/05/2024 1.368 lượt xem

91. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến tha tâm thông. Tỷ-kheo sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của loài người với tâm của mình, vị ấy biết được như sau:

Tâm có tham, biết là tâm có tham. Tâm không có tham, biết là tâm không có tham.
Tâm có sân, biết là tâm có sân. Tâm không có sân, biết là tâm không có sân.
Tâm có si, biết là tâm có si. Tâm không có si, biết là tâm không có si.
Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, biết là tâm tán loạn.
Ðại hành tâm, biết là đại hành tâm. Không phải đại hành tâm, biết không phải là đại hành tâm.
Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng, Tâm vô thượng, biết là tâm vô thượng.
Tâm thiền định, biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định, biết là tâm không thiền định.
Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát, biết là tâm không giải thoát.

92. Này Ðại vương, ví như một người đàn bà, một người đàn ông, một thiếu niên trẻ hay một thanh niên ưa trang sức, nhìn mặt của mình trong tấm gương trong sạch, sáng suốt hay một chậu nước trong. Nếu mặt có tỳ vết, liền biết mặt có tỳ vết; nếu mặt không có tỳ vết, liền biết mặt không có tỳ vết. Cũng vậy, này Ðại vương, với tâm định tĩnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến tha tâm thông. Tỷ-kheo sau khi đi sâu vào tâm của chúng sanh, của mọi người với tâm của mình, vị ấy biết được như sau:

Tâm có tham, biết tâm có tham. Tâm không có tham, biết tâm không có tham.
Tâm có sân biết tâm có sân. Tâm không có sân, biết tâm không có sân.
Tâm có si, biết tâm có si. Tâm không có si, biết tâm không có si.
Tâm chuyên chú, biết là tâm chuyên chú. Tâm tán loạn, biết là tâm tán loạn.
Ðại hành tâm, biết là đại hành tâm; không phải là đại hành tâm, biết không phải là đại hành tâm.
Tâm chưa vô thượng, biết là tâm chưa vô thượng. Tâm vô thượng, biết là tâm vô thượng.
Tâm thiền định, biết là tâm thiền định. Tâm không thiền định, biết là tâm không thiền định.
Tâm giải thoát, biết là tâm giải thoát. Tâm không giải thoát biết là tâm không giải thoát.

93. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: “Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

94. Này Ðại vương, ví như một người đi từ làng mình đến làng khác, từ làng ấy đi đến một làng khác nữa, và từ làng này lại trở về làng của mình. Người ấy nghĩ: “Ta từ làng của mình đi đến làng kia, nơi đây ta đã đứng như thế này, đã ngồi như thế này, đã nói như thế này, đã yên lặng như thế này. Từ nơi làng nọ, ta đã trở về làng của ta”. Như vậy, này Ðại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến túc mạng minh. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp. Vị ấy nhớ: “Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra chỗ nọ, tại đây, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây”. Như vậy, Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.

Này Ðại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu, thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

95. Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí huệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng: “Này các Hiền giả, những Tôn giả này làm những điều ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Hiền giả, còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng.

96. Này Ðại vương, ví như một tòa lầu có thượng đài, giữa ngã tư đường, một người có mắt đứng trên ấy, sẽ thấy những người đi vào nhà, đi từ nhà ra, đi qua lại trên đường, ngồi ở giữa ngã tư hay trên đài thượng. Người ấy nghĩ: “Những người này đi vào nhà, những người này đi từ nhà ra, những người này đi qua lại trên đường, những người này ngồi giữa ngã tư, trên đài thượng”. Cũng vậy, này Ðại vương với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh.

Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng: Này các Hiền giả, những chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến, những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Hiền giả, còn những chúng sanh nào làm các thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh, vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Này Ðại vương, đó là quả thiết thực, hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước.

97. “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật “đây là khổ”, biết như thật “đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật “đây là khổ diệt”, biết như thật “đây là con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật “đây là những lậu hoặc”, biết như thật “đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật “đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát. Vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.

98. Này Ðại vương, ví như tại dãy núi lớn có một hồ nước, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Một người có mắt, đứng trên bờ sẽ thấy con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá bơi qua lại hay đứng một chỗ. Vị ấy nghĩ: “Ðây là hồ nước thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm. Ðây là những con hến, con sò, những hòn đá, hòn sạn, những đàn cá đang bơi qua lại hay đứng yên một chỗ”. Cũng vậy, này Ðại vương, với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy. Tỷ-kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: “Ðây là khổ”, biết như thật “đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật “đây là khổ diệt”, biết như thật “đây là con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật “đây là những lậu hoặc”, biết như thật “đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật “đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhờ nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát, vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa.

Này Ðại vương, đó là quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, còn vi diệu thù thắng hơn những quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn trước. Này Ðại vương, không có một quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn nào vi diệu và thù thắng hơn quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn này.

99. Ðược nghe nói vậy, Ajàtasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha bạch Thế Tôn: “Thật là vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Và nay con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay trở đi cho đến mạng chúng, con trọn đời quy ngưỡng. Bạch Thế Tôn, con đã phạm một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, con đã hại mạng phụ vương con, một vị vua chơn chánh, để đạt vương quyền. Mong Thế Tôn nhận cho con tội ấy là một tội để con ngăn chận về tương lai”.

100. – Ðại vương, thật là một trọng tội. Vì ngu si, vì vô minh, vì bất thiện, Ðại vương đã hại mạng phụ vương, một vị vua chơn chánh, để đoạt vương quyền. Vì Ðại vương đã thấy tội ấy là một tội, đã thú tội đúng với Chánh pháp, Ta nhận tội ấy cho Ðại vương. Ðó là một sự tiến bộ, này Ðại vương, trong luật pháp của bậc Thánh, những ai thấy tội là tội, thú tội đúng với Chánh pháp, và ngăn chận ở tương lai.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

×