2. Kinh Sa-môn quả

25/05/2024 1.114 lượt xem

31. Bạch Thế Tôn, một hôm con đến Sanjaya Belatthiputta (Tán-nhã-di-Tỳ-la-lê-phất). Khi đến nơi, con nói lên những lời đón chào chúc tụng thân hữu và xã giao với Sanjaya Belatthiputta và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, con nói với Sanjaya Belatthiputta: “Ngài Sanjaya, các công nghệ chức nghiệp như điều tượng sư… (như trên)… Bạch Ngài, Ngài có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?”

32. Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, Sanjaya Belatthiputta đã trả lời với con: “Nếu anh hỏi: “Có một thế giới khác hay không?” Nếu tôi nghĩ: “Có một thế giới khác”, tôi có thể trả lời với anh: “Có một thế giới khác”. Nhưng tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế. Nếu anh hỏi tôi: “Không có một thế giới khác phải không?” Nếu tôi nghĩ: “Không có một thế giới khác”, tôi có thể trả lời với anh: “Không có một thế giới khác”. Nhưng tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế. Nếu anh hỏi tôi: “Không có một thế giới khác phải không?” (… như trên… ) “Cũng có và cũng không có một thế giới khác?”, “Cũng không có và cũng không không có một thế giới khác?”, “Có loại hữu tình hóa sanh?”, “Không có loại hữu tình hóa sanh?”, “Cũng có và cũng không có loại hữu tình hóa sanh?” “Cũng không có và cũng không không có loại hữu tình hóa sanh?”, “Có kết quả dị thục của các nghiệp thiện và ác?”, “Không có kết quả dị thục của những nghiệp thiện và ác?”, “Cũng có và cũng không có kết quả dị thục của những nghiệp thiện và ác?”, “Cũng không có và cũng không không có kết quả dị thục của những nghiệp thiện và ác?”, “Như Lai có tồn tại sau khi chết?”, “Như Lai không có tồn tại sau khi chết?”, “Như Lai có và không có tồn tại sau khi chết?”, “Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết?”. Anh hỏi tôi như vậy. Nếu tôi nghĩ : “Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết”. Tôi có thể trả lời : “Như Lai không có và cũng không không có tồn tại sau khi chết”. Nhưng tôi không nói là như vậy. Tôi không nói là như kia. Tôi không nói là khác như thế. Tôi không nói là không phải như thế. Tôi không nói là không không phải như thế.”

33. Bạch Thế Tôn, khi được con hỏi kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Sanjaya Belatthiputta đã trả lời với Ngụy biện luận. Bạch Thế Tôn, cũng như hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít , hoặc hỏi trái mít lại trả lời trái xoài . Cũng vậy, bạch Thế Tôn, khi được hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Sanjaya Belatthiputta đã trả lời với Ngụy biện luận. Bạch Thế Tôn, con liền nghĩ: “Làm sao một người như con, lại có thể làm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng”. Vì vậy, Bạch Thế Tôn, con không tán thán cũng không cật nạn lời nói của Sanjaya Belatthiputta. Không tán thán, không cật nạn, dầu không mãn nguyện, cũng không thốt ra lời bất mãn. Không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

34. Vậy nên bạch Thế Tôn, con cũng hỏi Thế Tôn. bạch Thế Tôn, cũng như các công nghệ chức nghiệp. Như điều tượng sư, điều mã sư, xa thuật sư, cung thuật sư, quân kỳ binh, nguyên soái, chiến sĩ, thượng sĩ quan, thám tử, dũng sĩ can đảm như voi chúa, anh hùng, trang giáp binh, nô lệ xuất thân, hỏa đầu quân, thợ hớt tóc, người hầu tắm, thợ làm bánh, nhà vòng hoa, thợ giặt, thợ dệt, nhà làm thúng rổ, thợ đồ gốm, nhà toán số, nhà ấn bản, các công nghệ chức nghiệp khác. Chúng hưởng được kết quả thiết thực hiện tại công nghệ chức nghiệp của chúng. Chúng giúp cho tự thân được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho cha mẹ được sống an lạc, hạnh phúc. Chúng giúp cho cha mẹ được sống an lạc hạnh phúc. Chúng giúp cho bạn bè được sống an lạc hạnh phúc. Chúng dâng các vật cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, sự cúng dường này có ảnh hưởng đến đời sau, liên hệ đến thiên giới, thọ hưởng phước báo an lạc, thác sanh lên cõi trời. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?

– Ðại vương có thể được. Này Ðại vương, ta sẽ hỏi Ðại vương về vấn đề này. Ðại vương hãy trả lời tùy theo ý muốn của Ðại vương.

35. Ðại vương nghĩ sao? Nếu Ðại vương có một người nô bộc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của Ðại vương). Người ấy nghĩ: “Thật hy hữu thay! Thật kỳ diệu thay quả vị thác sanh của các công đức, quả dị thục của các công đức. Ðức vua Ajàtasattu, con của bà Videhi của nước Magadha, là người, tôi đây là người. Vị vua Ajàtasattu con bà Videhi, của nước Magadha, sống tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc, tôi nghĩ không khác gì vị thiên thần, còn tôi là người nô bộc, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của vua). Vậy ta hãy làm các công đức như vua kia, ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình xuất gia tu đạo”. Và người nô lệ ấy, một thời khác, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, sống chế ngự lời nói, sống chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỉ sống an tịnh. Nếu những người của Ðại vương đến tâu với Ðại vương. “Ðại vương có biết chăng? Có người nô bộc của Ðại vương, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái, chú ý từng nét mặt (của Ðại vương). Tâu Ðại vương, người ấy đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống trong an tịnh”. Này Ðại vương, Ðại vương có nói như sau chăng?: “Người ấy hãy lại với ta, hãy làm lại người nô bộc, làm mọi công việc, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái chú ý từng nét mặt?”

36. – Bạch Thế Tôn, không như vậy. Trái lại chúng con kính lễ người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc men trị bệnh và chúng con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở người ấy đúng theo luật pháp.

– Này Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu quả như vậy, thì đó có phải chăng là kết quả thiết thực hiện tại hạnh Sa-môn?

– Bạch Thế Tôn, như vậy chính là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn.

– Này Ðại vương đó là kết quả thiết thực hiện tại thứ nhất của hạnh Sa-môn mà Ta đã trình bày.

37. – Bạch Thế Tôn, có thể cho biết một kết quả thiết thực hiện tại khác hơn nữa của hạnh Sa-môn?

– Này Ðại vương, có thể được. Này Ðại vương. Ta sẽ hỏi Ðại vương về vấn đề này. Ðại vương hãy trả lời tùy theo ý muốn của Ðại vương. Ðại vương nghĩ sao? Nếu Ðại vương có một người nông phu, gia chủ, nạp thuế má, làm giàu công khố. Người ấy nghĩ: “Thật hy hữu thay! Thật kỳ diệu thay quả vị thác sanh của các công đức, quả vị thục của các công đức. Vị vua Ajàtasattu, con của bà Videhi, nước Magadha, là người, tôi cũng là người. Vị vua Ajàtasattu, con bà Videhi nước Magadha, sống tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc, tôi nghĩ không khác gì vị thiên thần. Còn tôi là người nông phu, gia chủ, nạp thuế má, làm giàu công khố. Vậy ta hãy làm các công đức như vua kia. Ta hãy cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo”. Và người nông phu ấy, một thời khác, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống an tịnh. Nếu những người của Ðại vương đến tâu với Ðại vương: “Ðại vương có biết chăng? Có người nông phu của Ðại vương, người gia chủ, nạp thuế má, làm giàu công khố. Tâu Ðại vương, người ấy đã cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia tu đạo. Sau khi xuất gia như vậy, người ấy sống chế ngự thân, chế ngự lời nói, chế ngự ý nghĩ, bằng lòng với nhu cầu tối thiểu về ăn uống, y áo, hoan hỷ sống an tịnh”. Này Ðại vương, Ðại vương có nói: “Người hãy đến lại với ta, hãy làm lại người nông phu, gia chủ, nạp thuế má, làm giàu công khố”?

38. – Bạch Thế Tôn, không như vậy. Trái lại chúng con kính nể người ấy, đứng dậy trước người ấy, mời người ấy ngồi xuống ghế, cúng dường người ấy các dụng cụ như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, thuốc men trị bịnh. Và chúng con sẽ ra lệnh để bảo vệ, che chở người ấy đúng theo luật pháp.

– Này Ðại vương, Ðại vương nghĩ thế nào? Nếu quả như vậy thời đó có phải là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?

– Bạch Thế Tôn, như vậy chính là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn.

– Này Ðại vương, đó là kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, mà Ta trình bày.

39. Bạch Thế Tôn, có thể cho biết một kết quả thiết thực hiện tại khác nữa của hạnh Sa-môn, vi diệu hơn, thù thắng hơn những kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn vừa kể trên?

– Này Ðại vương có thể được. Này Ðại vương, hãy lóng tai nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.

– Vâng, Thế Tôn. Vua Ajàtasattu con bà Videhi vua xứ Magadha trả lời Thế Tôn. Thế Tôn nói:

40. – Này Ðại vương, nay ở đời, Như Lai xuất hiện là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí thế giới này với thiên giới, ma giới, phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên Nhơn, lại tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11

×