21. Bạch Thế Tôn, khi được con hỏi kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Makkhali Gosàla đã trả lời với thuyết luân hồi tịnh hóa. Bạch Thế Tôn, cũng như hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít, hoặc hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, khi được hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Makkhali Gosàla đã trả lời với thuyết luân hồi tịnh hóa. Bạch Thế Tôn, con liền nghĩ: “Làm sao một người như con, lại có thể làm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng? “Vì vậy, bạch Thế Tôn, con không tán thán cũng không cật nạn lời nói của Makkhali Gosàla; không tán thán, không cật nạn, dầu không mãn nguyện cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
22. Bạch Thế Tôn, một thời con đến Ajita Kesakambàli (A-kỳ-đa-xí-xá-khâm-bà-la) khi đến nơi con nói lên những lời đón chào, chúc tụng thân hữu và xã giao với Ajita Kesakambàli , và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, con nói với Ajita Kesakambala: “Ngài Ajita Kesakambàli , cũng như các công nghệ chức nghiệp như điều tượng sư… (như trên)… Bạch Ngài, Ngài có thể chỉ cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?”
23. Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, Ajita Kesakambàli đã nói với con: “Này Ðại vương, không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có mẹ, không có cha, không có loại hóa sanh, ở đời không có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh, đã tự mình chứng tri giác ngộ đời này đời khác và truyền dạy lại. Con người này do bốn đại hợp thành, khi mệnh chung, địa đại trở về trả lại cho địa giới, thủy đại trở về trả lại cho thủy giới, hỏa đại trở về trả lại cho hỏa giới, phong đại trở về trả lại cho phong giới, các căn nhập vào hư không. Bốn người gánh quan tài với người nằm trong quan tài là năm, gánh người chết mang đi đến chỗ hỏa táng, thốt ra những lời tán tụng, các xương trắng như màu bồ câu và những vật cúng dường trở thành tro bụi, chỉ có người ngu mới tán dương sự bố thí, lời nói của chúng trống không, giả dối, khi chúng chấp thuyết có sự sống. Kẻ ngu cũng như người hiền, sau khi thân hoại mạng chung sẽ đoạn diệt, tiêu thất, không còn tồn tại sau khi chết. “
24. Bạch Thế Tôn, khi được con hỏi kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Ajita Kesakambàli đã trả lời với thuyết đoạn diệt. Bạch Thế Tôn, cũng như hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài, hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, khi được hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Ajita Kesakambàli đã trả lời với thuyết đoạn diệt. Bạch Thế Tôn, con liền nghĩ: “Làm sao một người như con lại có thể làm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng”. Vì vậy bạch Thế Tôn, con không tán thán, cũng không cật nạn lời nói của Ajita Kesakambàli . Không tán thán, không cật nạn, dầu không mãn nguyện cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.
25. Bạch Thế Tôn, một thời con đến Pakudha Kaccayana (Bà-phù-đả-ca-chiên-diên). Khi đến nơi con nói lên những lời đón chào, chúc tụng thân hữu và xã giao với Pakudha Kaccàyana và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, con nói với Pakudha Kaccayana: “Ngài Pakudha Kaccayana, cũng như các công nghệ chức nghiệp, như điều tượng sư… (như trên)… Bạch Ngài, Ngài có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn chăng?”
26. Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, Pakudha Kaccàyana nói với con: “Này Ðại vương, có bảy thân không bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đỉnh núi, đứng thẳng như trụ đá. Chúng bất động không chuyển biến, không xâm lăng nhau. Chúng không ảnh hưởng đến lạc hay khổ với nhau hoặc cả khổ và lạc. Bảy thân ấy là gì? Ðịa thân, thủy thân, hỏa thân, phong thân, khổ, lạc và thứ bảy là mạng. Bảy thân này khômg bị làm ra, không làm ra, không bị sáng tạo, không sáng tạo, không sanh sản, thường tại như đỉnh núi, đứng thẳng như trụ đá. Chúng bất động không chuyển biến, không xâm lăng, chúng không ảnh hưởng đến lạc hay khổ với nhau, hoặc cả khổ và lạc. Ở đây không có người giết hại, hoặc có người bị giết hại, người nghe hoặc người nói, người biết hoặc người khiến cho biết. Khi một ai dùng lưỡi kiếm sắc bén chém đầu, thời không có ai tước đoạt sanh mạng của ai cả, lưỡi kiếm chỉ rơi vào giữa bảy thân mà thôi”.
27. Bạch Thế Tôn, khi được con hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Pakudha Kaccàyana đã trả lời một việc khác với một quan điểm khác. Bạch Thế Tôn, cũng như hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít, hoặc hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài. Cũng vậy, Bạch Thế Tôn, khi được hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Pakudha Kaccayana đã trả lời một việc khác với một quan điểm khác. Bạch Thế Tôn, con liền nghĩ: “Làm sao một người như con lại có thể làm một vị Sa-môn, hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng”. Vì vậy, bạch Thế Tôn, con không tán thán, không cật nạn, bỏ lời nói của Pakudha Kaccayana. Không tán thán, không cật nạn, dầu không mãn nguyện, cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi và đứng dậy ra về.
28. Bạch Thế Tôn, một thời con đến Nigantha Nàtaputta (Ni-kiền-tử). Khi đến nơi, con nói lên những lời đón chào, chúc tụng thân hữu và xã giao với Nigantha Nàtaputta và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, con nói với Nigantha Nàtaputta: “Ngài Aggivessana, các công nghệ chức nghiệp như điều tượng sư, … (như trên) … Bạch Ngài, Ngài có thể cho biết kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn ?”
29. Bạch Thế Tôn, khi được hỏi vậy, Nigantha Nàtaputta nói với con: “Này Ðại vương, một người Nigantha (Ni kiền tử) sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới. Này Ðại vương, thế nào là một người Nigantha sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới? Này Ðại vương, một Nigantha sống gìn giữ đối với tất cả loại nước, gìn giữ đối với mọi ác pháp, sống tẩy sạch tất cả ác pháp và sống với ý chí gìn giữ đối với tất cả ác pháp. Này Ðại vương, như vậy một Nigantha sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới. Này Ðại vương, vì một Nigantha sống chế ngự bởi bốn loại cấm giới, nên vị ấy được gọi là Gotatto (một vị đã đi đến đích), Yatatto (một vị đã điều phục tự tâm) và Thitatto (một vị đã an trú được tự tâm)”.
30. Bạch Thế Tôn, khi được con hỏi đến kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Nigantha Nàtaputta đã trả lời với sự chế ngự bởi bốn loại cấm giới. Bạch Thế Tôn, cũng như hỏi về trái xoài lại trả lời về trái mít, hoặc hỏi về trái mít lại trả lời về trái xoài. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, khi được hỏi về kết quả thiết thực hiện tại của hạnh Sa-môn, Nigantha Nàtaputta đã trả lời với sự chế ngự bởi bốn cấm giới. Bạch Thế Tôn, con liền nghĩ: “Làm sao một người như con lại có thể làm một vị Sa-môn hay Bà-la-môn ở trong nước con không được vui lòng”. Vì vậy, bạch Thế Tôn, con không tán thán, cũng không cật nạn lời nói của Nigantha Nàtaputta. Không tán thán không cật nạn, dù không mãn nguyện, cũng không thốt ra lời bất mãn, không công nhận cũng không bác bỏ, con từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.