9. Tất cả Pháp lành lấy Giới làm sở y

09/06/2022 981 lượt xem

Đức vua Mi-lan-đà hỏi:

– Trước đây đại đức có nói, muốn thành tựu Niết bàn, vô sanh, phải đầy đủ 3 pháp: chú tâm đúng, trí tuệ và thiện pháp. Chú tâm và trí tuệ thì trẫm đã hiểu rồi, nhưng còn thiện pháp, những gì được gọi là thiện pháp?

– Thiện pháp thì rất nhiều, nhưng Giới mới chính là nền tảng cho các thiện pháp nảy nở, tăng trưởng, tâu đại vương!

– Xin đại đức hãy giảng cho rộng ra!

– Vâng, Giới là nơi vững trú, nảy nở, tăng trưởng của những thiện pháp sau: ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ thần túc, bốn thiền, tám pháp giải thoát, một pháp định, ba pháp nhập định …

– Đại đức hãy cho ví dụ.

– Vâng, ví dụ như đất là nơi mà các hột giống nảy mầm và lớn lên; đất là nơi mà các loại củ có thể nứt mộng đâm nhánh, đâm cây. Cũng như thế ấy, GIỚI là nơi nảy mầm, tăng trưởng của ngũ căn là tín, tấn, niệm, định, tuệ … cùng những thiện pháp khác, tâu đại vương!

– Đại đức có thể cho thêm ví dụ nữa được chăng?

– Thưa, có thể được! Đại vương hãy đưa mắt quan sát đời sống của người nông phu trên thửa ruộng của họ! Phải chăng những người nông phu ấy, họ cày, họ bừa, họ gieo mạ, cấy lúa, gặt hái, … ở trên đất! Rồi họ có cơm ăn, áo mặc, cưới vợ, sinh con cũng nhờ đất! Đất đã nuôi sống họ, đất đã cho họ đời sống có phải chăng?

Lại nữa, đại vương hãy quan sát những khách thương buôn bán lộ trình xa với một trăm cỗ xe hàng hóa, năm trăm cỗ xe hàng hóa. Họ phải qua sông, qua biển, qua sa mạc, qua rừng núi, thị trấn, làng mạc … Như vậy, rõ ràng là đất đã chuyên chở họ, đất đã nuôi sống họ. Nếu không có đất không biết hàng hóa di chuyển ở đâu.

Cũng vậy, một hành giả lên đường, đầu tiên là phải biết nương tựa Giới, lấy Giới làm sở y, phát triển Giới cho sung mãn, thanh tịnh thì các thiện pháp mới có cơ hội tựu thành. Xin tâu đại vương rõ!

– Cũng chưa rõ lắm đâu, thưa đại đức! Trẫm muốn nghe nhiều ví dụ nữa.

– Được thôi, đại vương hãy nghe đây! Đại vương chắc đã từng thấy người ta tập luyện, biểu diễn các môn thể thao, các trò vui chơi công cộng chứ?

– Trẫm có thấy!

– Muốn tập luyện hay biểu diễn những nơi lộ thiên công cộng như thế, đầu tiên người ta phải làm sao?

– Đầu tiên người ta tìm một bãi đất trống, rồi sau đó người ta phát sạch lùm bụi, dẫy cỏ, dọn sạch gai góc, miểng sành, miểng chén, đá sỏi v.v..

– Cũng thế, tâu đại vương! Đất làm nơi nương tựa nhưng cũng phải dọn sạch sẽ, bằng phẳng, phong quang thì các trò thể thao, du hý, vui chơi mới biểu diễn được, ý nghĩa này như thế nào thì Giới cũng phải được hiểu như vậy.

– Hay lắm – Đức vua gật – nhưng trẫm muốn nghe ví dụ nhiều cách, nhiều kiểu khác nhau.

– Bần tăng sẽ cố gắng làm cho đại vương vừa lòng, nhưng đại vương cũng cho phép bần tăng được hỏi vài câu.

– Rất hoan hỷ – Đức vua nói – Đại đức cứ hỏi đi!

– Quốc độ của đại vương rộng lớn và đẹp đẽ, rất nhiều nơi xứng đáng để xây dựng kinh đô, sao đại vương chọn xứ Sàgala này?

– Vì nó là thượng nguồn của năm con sông lớn nhất Ấn độ. Nơi đây rừng núi bao quanh, sông xanh uốn khúc, quả thật là một nơi sơn thủy hữu tình.

– Đại vương trên thông thiên văn, dưới thông địa lý, lại còn là một nhà chiến lược quân sự nữa; vậy khi xây dựng kinh đô, ngài bắt đầu công việc như thế nào?

– Đầu tiên, trẫm cho vời một số các vị kiến trúc, dưới sự hướng dẫn của trẫm, họ lên một bản vẽ tổng quát toàn bộ hoàng thành: la thành, tường, hào, các lối đi, chính điện, bảo điện, nơi ngự triều, ngọ môn quan, các kho đụn, nơi khánh tiết, lễ hội, hý trường, sân thể thao, hội trường v.v.. và v.v..

– Rồi sau đó, lúc bắt đầu xây dựng, phải làm sao?

– Dĩ nhiên, phải san phẳng tòan bộ mặt bằng, dọn dẹp mặt bằng mới xây dựng được.

– Cũng thế ấy, tâu đại vương! Toàn bộ lâu đài, cung điện, thành quách… của đại vương đều được xây dựng trên đất sau khi đất ấy được làm cho sạch sẽ, phong quang như thế nào thì Giới cũng như thế ấy, phải được làm cho thanh tịnh thì các lâu đài Thiện pháp mới xây dựng ở trên đó được. Tứ thanh tịnh giới là chỗ trú mình, chỗ sở y của người xuất gia để thành tựu tín, tấn, niệm, định, tuệ cùng các thiện pháp tối thắng khác.

Đức vua gật đầu:

– Tuyệt vời thay là cách dẫn chuyện của đại đức, nhưng chưa đâu, trẫm muốn nghe thêm một ví dụ nữa.

– Xin vâng, thế thì cho phép bần tăng được hỏi.

– Đại đức cứ hỏi tự do.

– Trước đây, đại vương từng là một đại tướng lãnh bách chiến bách thắng, ngài đã từng chỉ huy bốn loại quân binh một cách thiện xảo, thiên tài, ngài đã từng chiến thắng những “trận địa chiến” rất lớn. Bần tăng xin được hỏi là đại vương thường thiết lập, bố trí “trận địa chiến” ấy ra sao?

– Không dấu gì đại đức, chuyện ấy đối với trẫm thì dễ dàng như mặc áo, ăn cơm vậy. Đầu tiên trẫm quan sát các thế núi, sông, rừng, sa mạc, đồng ruộng, thôn làng. Rồi dự định chỗ tấn, chỗ thoái, chỗ lập đồn lũy, chỗ hư binh, chỗ phục binh v.v.. sau đó, lập sa bàn, tập trận giả, rồi tập trận thật trên địa thế núi sông tương tự …; rồi còn chiến thuật, tâm lý … và nhiều lãnh vực chuyên môn khác nữa.

– Chừng đó là bần tăng hiểu rồi, tâu đại vương! Muốn chiến thắng, bách chiến bách thắng, đại vương phải thiết lập vững vàng trận địa, nơi thế đất này, thế núi kia … tất cả đều được chuẩn bị, dự phòng sẵn. Dường thế ấy, từ Giới lập trận thế, từ Giới lập chiến thuật, chiến lược; từ Giới lập sa bàn; từ Giới mà tiêu diệt đối phương … thì mười đội binh ma quân phiền não sẽ cởi giáo quy hàng. Nhờ Giới mà tín sẽ vững chắc không xao động. Nhờ Giới mà tấn không thối thất. Nhờ Giới mà niệm không buông lơi. Nhờ Giới mà định tâm thêm kiên cố. Nhờ Giới mà tuệ càng thêm sáng tỏ.

Tâu đại vương! Đức Phật tổ cũng hằng giáo giới chư tỳ khưu như vậy. Giới năng sanh thiện pháp. Giới năng sanh định, định năng sanh tuệ. Có Giới là có tất cả. Nơi nào có Giới thì nơi ấy có tuệ. Nơi nào có tuệ thì nơi ấy có Giới.

Quả địa cầu là nơi sanh của các loài thảo mộc, động vật, long vương, dạ xoa, đại bàng, muôn thú, người … như thế nào – thì Giới là nơi sanh trưởng của ngũ căn, ngũ lực … các cõi trời, phạm thiên, các tầng Thánh quả; cho chí quả vị tối thượng Chánh đẳng giác … cũng từ Giới mà sở y, nương tựa, tâu đại vương được rõ!
– Hay lắm! Trẫm không còn có lý do gì mà nghi ngờ về Giới nữa. Thật là tuyệt hảo!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×